Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY TRỒNG

Bước đầu thử nghiệm một số biện pháp thâm canh rừng Luồng kết hợp canh tác nông nghiệp trên đất trống ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Cập nhật ngày 3/1/2012 lúc 11:23:00 AM. Số lượt đọc: 2111.

Kết quả thí nghiệm một số biện pháp thâm canh rừng Luồng cho thấy trong 4 công thức thí nghiệm bón phân thì công thức sử dụng phân 1kg NPK + 10kg phân chuồng đã có ảnh hưởng tích cực đến chiều cao và số thân Luồng. Đối với thí nghiệm sử dụng chất giữ ẩm AMS, chỉ tác động với lượng 10g chất giữ ẩm/1 gốc Luồng, chiều cao của Luồng đã tăng lên 0,4m so với đối chứng. Chiều cao của Luồng trong công thức 0,5kg NPK và 20g AMS/gốc cao hơn so với bón 0,5kg NPK và 10g AMS là 0,6m. Trên 1ha đất trống trọc được cải tạo ngay từ đầu, kết hợp trồng Luồng và Sắn đã mang lại lợi ích phủ xanh đất và nâng cao thu nhập lên 10.977.000 đồng/năm trong 2 năm đầu

Mở đầu

Luồng (Dendrocalamus membranaceus Munro), thuộc loài tre mọc cụm (kiểu hợp trục – mọc theo khóm) nằm trong họ Tre nứa Bambusaceae. Luồng có thân thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ, không có gai, vách thành của thân dầy nên có rất nhiều công dụng như: xây dựng nhà cửa, làm cột nhà, đòn tay, dui mè, bè đánh cá, cầu phao, cột buồm, những cây có kích thước lớn làm cột điện, ống dẫn nước, phao biển... Luồng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Luồng lại là cây sinh trưởng rất nhanh, sớm được khai thác, luân kỳ ngắn, chỉ trồng một lần, nhưng cho thu hoạch nhiều lần, có thể kéo dài tới 40-50 năm, mỗi năm có thể khai thác tới 1400 cây/ha. Luồng phân bố chủ yếu ở Thanh Hoá nhưng đã được dẫn giống thành công ra Cầu Hai - Phú Thọ và sau đó là nhiều tỉnh phía Bắc. Tại Thanh Sơn và Phú Thọ, Luồng cũng đã được trồng ở một số nơi, riêng Khả Cửu mới được gây trồng trong mấy năm gần đây và đã có một số kết quả đem lại thu nhập thường xuyên cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến mật độ trồng, chế độ chăm sóc không hợp lý, đầu tư cho trồng rừng chưa cao, chủ yếu là trồng thuần loài và không sử dụng phân bón. Chính vì vậy, việc “Thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật để thâm canh rừng Luồng kết hợp với canh tác nông nghiệp trên đất trống trọc ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ” nhằm cải thiện khả năng sinh trưởng của Luồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất trống là hết sức có ý nghĩa.

Phương pháp nghiên cứu

Kế thừa tài liệu

Kế thừa các tài liệu có liên quan về địa hình địa mạo, hiện trạng sử dụng đất, khí hậu thuỷ văn của khu vực dự án. Kết hợp với các tài liệu đã nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trồng rừng Luồng.

Bố trí thí nghiệm 

Bố trí ngẫu nhiên các ô thí nghiệm với 3 lần lặp lại.

Công thức thí nghiệm phân bón gồm 4 công thức sau:

  1. Công thức 1: 0,5kg NPK
  2. Công thức 2: 20kg phân chuồng
  3. Công thức 3: 1kg NPK + 10kg phân chuồng
  4. Công thức 4: đối chứng không bón phân

Các công thức thí nghiệm sử dụng chất giữ ẩm AMS

  1. Công thức 4: đối chứng (không bón phân và AMS)
  2. Công thức 5: 10g AMS
  3. Công thức 6: 0,5g NPK + 10g AMS
  4. Công thức 7: 0,5kg NPK + 20g AMS

Thu thập số liệu

 + Bố trí 7 ô tiêu chuẩn điển hình tạm thời, diện tích ô 1.000m2, đo đếm đánh giá sinh trưởng của rừng Luồng, bao gồm Hvn, số thân, măng của Luồng và trọng lượng của Sắn.

 + Phỏng vấn 30 hộ dân và cùng người dân trao đổi những vấn đề để đánh giá, lựa chọn các biện pháp thâm canh Luồng.

Xử lý số liệu

Các số liệu đo đếm được xử lý trên chương trình SPSS 10.0 trên máy tính theo giáo trình Xử lý thống kê toán học ứng dụng trong Lâm nghiệp.

Kết quả và thảo luận

Các thí nghiệm bón phân rừng Luồng

Kết quả điều tra tỷ lệ sống bình quân sau 1 tháng trồng như sau:

Bảng 1.  Tỷ lệ sống bình quân của Luồng sau 1 tháng trồng

Nhìn chung tỷ lệ sống bình quân sau 1 tháng của các công thức trồng Luồng khá cao, đạt từ 95%-98%.

Thí nghiệm bón phân

Các thí nghiệm sử dụng phân NPK với tỷ lệ 5:10:3 trên thị trường và phân chuồng do địa phương cung cấp. Các thí nghiệm bón phân NPK, phân chuồng, hoặc kết hợp giữa NPK và phân chuồng nhằm bổ sung dinh dưỡng và cải tạo đất.

Cách bón phân: sau trồng Luồng 1 tháng, đào xung quanh hố Luồng sâu 30cm, lấy phân đã trộn đều với đất rải xuống hố, lấp đất lên và tưới nước ẩm để phân không bị cứng khi gặp trời nắng.

Bảng 2. Ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng và số thân Luồng

Kiểm tra sự bằng nhau của các phương sai giữa các mẫu trong thí nghiệm bằng SPSS cho thấy sig = 0,759 và 0,958 đều >0,05 như vậy phương sai là bằng nhau. Kết quả cho thấy xác suất của đường kính và số thân đều lớn hơn 0,05 (sig = 0,129 và 0,487), nói lên rằng ảnh hưởng của phân bón đến Luồng trong 1 năm đầu là chưa rõ rệt.

Qua 1 năm trồng Luồng có bón phân, các công thức có bón phân có chiều cao bình quân lớn vượt lên so với công thức đối chứng. Tuy chưa có sự sai khác đáng kể giữa các công thức sử dụng phân nhưng theo kết quả thống kê thì công thức 3 tỏ ra ưu việt hơn với chiều cao trung bình là 4,07m và số thân cũng nhiều hơn cả 3,44.

* Nhận xét: Sau 1 năm, phân bón chưa ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng của Luồng nhưng cũng đã có khác nhau giữa các công thức được bón phân và không bón phân. Công thức bón 1kg NPK + 10kg phân chuồng cho chiều cao thân (4,07m) và số thân là cao nhất (4,44).


Biểu đồ 1. Ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng Luồng

Các thí nghiệm sử dụng chất giữ ẩm AMS

AMS là sản phẩm được tạo thành từ quá trình ghép acrylic vào tinh bột, nó hoạt động như miếng bọt xốp, tuy nhiên bọt xốp vẫn giữ nguyên kích thước khi có cũng như không có nước. AMS trương và co lại khi nó tách hydrat và đề hydrat hoá. Nước được giữ ổn định bởi AMS và không thể bị tách rời. AMS có thể được dùng như lớp giữ ẩm xung quanh cây và khóm cây, như vậy nó làm giảm sự mất nước bề mặt và cải thiện khả năng sử dụng nước đối với hệ thống rễ cây nông.

AMS có khả năng cải thiện cấu trúc và tính chất đặc thù của cả 2 loại đất trên. Với đất nặng, các hạt AMS sẽ làm phồng lên làm gãy một phần cấu trúc đất, điều đó cho phép tăng quá trình lưu thông và thoát nước. Đối với đất cát AMS cho khả năng giữ nước của đất tăng nhưng cũng có thể phồng lên cực đại cho phép thoát nước một cách nhanh chóng.

Bảng 3. Ảnh hưởng của AMS đến sinh trưởng Luồng

Kiểm tra điều kiện bằng nhau của các phương sai giữa các mẫu trong thí nghiệm bằng SPSS cho thấy sig = 0,882 và 0,931 đều >0,05 như vậy phương sai là bằng nhau. Kết quả cho thấy xác suất của đường kính và số thân đều lớn hơn 0,05 (sig = 0,908 và 0,931), nói lên rằng ảnh hưởng của AMS đến Luồng trong 1 năm đầu là chưa rõ.

Công thức 7cho chiều cao bình quân cao nhất sau 12 tháng là 5,62m, công thức 5và công thức bón 6 cho chiều cao bình quân gần bằng nhau: 5,3 và 5,38m. Trong khi đó công thức đối chứng chỉ cho chiều cao bình quân là 4,83m kém 0,79m so với công thức 7. Công thức 5 có số thân trung bình  (7,43) nhiều hơn công thức đối chứng (4,87) đến 2,56 thân, còn 2 công thức 6 và 7 bằng nhau (5,45 và 5,46 thân).

 * Nhận xét: Do thời tiết sau trồng khá thuận lợi, mưa nhiều nên sự ảnh hưởng của AMS trong giai đoạn 6 tháng đầu chưa rõ ràng. Nhưng từ tháng thứ 9 trở đi thì chất giữ ẩm AMS có tác dụng. Các thí nghiệm sử dụng AMS chưa kết hợp cùng với phân chuồng mà mới chỉ dừng lại ở phân NPK. Tuy nhiên, cũng cho kết quả tương đối khả quan nếu có điều kiện sử dụng chất AMS là chất giữ ẩm cho cây Luồng khi khô hạn. Theo kết quả thống kê thì giữa công thức không sử dụng AMS và công thức sử dụng 10g AMS/gốc Luồng cũng khác nhau, chiều cao ở công thức 5 bình quân là 3,9m thì công thức 4 chỉ được 3,5m còn số thân thì không chênh lệch nhiều (3,7 và 3,8 thân/gốc). Giữa hai công thức cùng sử dụng 0,5kg NPK và khác nhau số lượng AMS (10g và 20g) thì số thân như nhau, còn chiều cao công thức bón 0,5kg NPK và 20g AMS cho chiều cao lớn hơn 0,6m (4m và 3,3m).



Biểu đồ 2. Ảnh hưởng của AMS đến sinh trưởng Luồng
          

Trong các ô thí nghiệm thâm canh Luồng, từ tháng thứ 9 Luồng đã đẻ măng, sau 1 năm số măng được tính ở kết quả bảngể 4.

Bảng 4. Số măng ở các CTTN sau 1 năm trồng

Trong tất cả các công thức thí nghiệm thì công thức bón 20kg phân chuồng cho tỷ lệ bình quân măng trên 1 gốc Luồng là cao nhất (1,5 măng/gốc). Công thức đối chứng chỉ được 0,8 măng/gốc.

Kết quả trồng xen Sắn vào rừng Luồng

Trong thời gian đầu, Luồng chưa đòi hỏi hết diện tích đất và không gian dinh dưỡng. Nhất là khi bón phân sẽ có một phần phân bón hấp thu vào trong đất mà chưa được Luồng sử dụng đến. Do đó, nếu trồng Sắn xen vào trong đó thì Sắn sẽ tận dụng được lượng phân bón cho Luồng.

Biểu 5. Kết quả của trồng xen Sắn vào các thí nghiệm trồng Luồng

Nếu tính trên đơn vị 1ha Luồng được bón phân NPK mà cùng trồng được thêm 7000 gốc Sắn, trung bình mỗi gốc có khối lượng là 5,32kg thì sẽ cho 37.240kg với giá thành 300đ/kg, tận thu được 11.172.000 đồng. Nếu 1ha Luồng không bón phân, ngoài khả năng sinh trưởng phát triển không bằng bón phân thì năng suất Sắn cũng giảm đi như sau: 3,78kg/gốc x 7000 gốc x 300đ/kg = 7.938.000 đồng, mất đi 3.234.000 đồng. Trong khi đó nếu bón phân 0,5kg NPK/gốc Luồng x 300 gốc/ha x 1.300đ/kg = 195.000đ. Như vậy việc bón phân cho Luồng rất có lợi cho Luồng sinh trưởng và cả mặt kinh tế khi trồng Sắn xen tại đó thì vẫn còn dư 10.977.000 đồng.

Như vậy, trên 1ha đất trống trọc được cải tạo ngay từ đầu và trồng kết hợp Luồng và Sắn sẽ mang lại lợi ích phủ xanh đất và nâng cao thu nhập lên 10.977.000 đồng/năm trong 2 năm đầu. Còn 1ha đó chỉ trồng thuần Sắn thì chỉ thu được 10.080.000 đồng/năm trong 3 năm, sau đó đất thoái hoá bạc màu không trồng được cây trồng khác.

Kết luận

Trong 4 công thức thí nghiệm bón phân cho rừng Luồng thì sử dụng phân 1kg NPK + 10kg phân chuồng cho chiều cao thân (4,07m) và số thân là cao nhất (4,44).

Trong 3 công thức thí nghiệm sử dụng chất giữ ẩm AMS, chỉ sử dụng 10g chất giữ ẩm/1 gốc Luồng thì chiều cao của Luồng so với đối chứng cũng tăng lên 0,4m. Bón 0,5kg NPK và 20g AMS/gốc Luồng chiều cao cao hơn so với bón 0,5kg NPK và 10g AMS  0,6m.


Trên 1ha đất trống trọc được cải tạo ngay từ đầu và trồng kết hợp Luồng và sắn sẽ mang lại lợi ích phủ xanh đất và nâng cao thu nhập lên 10.977.000 đồng/năm trong 2 năm đầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tử Ưởng, 2002. Tre Việt Nam. Bản tin trồng mới 5 triệu ha rừng số 4, 2002.
  2. Ngô Kim Khôi, Nguyễn Hải Tuất, Nguyễn Văn Tuấn, 2001. Tin học ứng dụng trong Lâm nghiệp. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  3. Lê Viết Lâm và cộng sự, 2004. Báo cáo tổng kết đề tài ''Điều tra bổ sung thành phần loài, phân bố và một số đặc điểm sinh thái các loài tre chủ yếu của Việt Nam''. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội, 2004.

Một số hình ảnh hoạt động của dự án


Ảnh 1. Rừng Luồng 12 tháng tuổi 


Ảnh 2. Rừng Luồng xen Sắn


Ảnh 3. Măng Luồng ở rừng 12 tháng tuổi 

Từ khóa: xã Khả Cửu, chất giữ ẩm AMS, thâm canh, Luồng.

Bùi Thanh Hằng, Nguyễn Văn Thịnh
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp Số 4 năm 2008, trang 785-790)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024