Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CỎ LÀM THUỐC

Kinh giới - Thuốc quý của mọi nhà

Cập nhật ngày 10/11/2008 lúc 9:49:00 PM. Số lượt đọc: 1909.

Kinh giới vừa là rau gia vị vừa là cây thuốc dùng làm thuốc chữa bệnh thì lấy cả cây trừ rễ. Khi cây kinh giới bắt đầu nở hoa, nhổ cả cây, cắt bỏ rễ, đem phơi hoặc sấy khô.

Thông tin chung

Tên thường gọi: Kinh giới
Tên khác: Kinh giới rìa, Kinh giới trồng
Tên tiếng Anh:
Tên khoa học: Elsholtzia ciliate (Thunb.) Hyland.
Tên đồng nghĩa: Sideritis ciliate Thunb.; Elsholtzia cristata Will.; Hyssopus ocymifolius Lamk.; Mentha ovata Cav.; Mentha patrini Lepech.; Perilla polystachya D. Don; Elsholtzia pattini (Lepech.) Garcke
Thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae

Mô tả

Cây thảo cao 30-40cm hay hơn. Thân vuông, mọc đứng, có lông mịn. Lá mọc đối, phiến thuôn nhọn, dài 5-8cm, rộng 3cm, mép có răng cưa, cuống lá dài 2-3cm. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Quả gồm 4 quả hạch nhỏ, nhẵn (quả bế tư).

Cây ra hoa vào mùa hạ, mùa thu.

Bộ phận dùng:

Thân cây trên mặt đất - Herba Elsholtziae Ciliatae.

Nơi sống và thu hái:

Cây của vùng Âu Á ôn đới, thường được trồng ở khắp nơi để lấy cành lá làm rau ăn. Trồng bằng hạt. Chọn hạt ở những cây khoẻ tốt, đem trộn đều với tro rồi gieo. Nó thích hợp với đất nhiều mùn, khô ráo, có nhiều ánh sáng. Cần phủ rơm rạ và tưới nước đều. Độ 3-4 tháng sau khi trồng đã có thể thu hoạch. Cắt cành lá của những cây đang ra hoa, chặt ngắn, phơi hay sấy nhẹ tới khô. Bảo quản nơi khô ráo.

Thành phần hoá học:

Trong cành lá có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là elsholtzia keton.

Tính vị, tác dụng:

Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng; có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, trừ sốt nóng, khư phong và chỉ ngứa. Nếu sao đen thì chỉ huyết.

Toàn kinh giới: Theo sách thuốc cổ, toàn kinh giới (dùng cành lá dài không quá 40cm tính từ ngọn) 12g phối hợp với sắn dây 24g, sắc uống chữa sốt nóng, nhức đầu, đau mình. Nước sắc toàn kinh giới uống nóng với nước ép măng tre và nước cốt gừng chữa trúng phong, cấm khẩu. Theo kinh nghiệm dân gian, toàn kinh giới để tươi nấu nước uống và tắm hằng ngày để phòng chống rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Kinh giới tuệ: Tên thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian là những cụm hoa kinh giới (hoa đã nở, bông còn xanh) kèm theo 1 – 2 lá ngọn. Dược liệu có dạng bông lệch (các hoa đều mọc hướng về một bên) dài 6 – 10cm, đường kính 0,5 – 0,6cm, tràng hoa phần lớn đã rụng, chỉ còn đài hoa màu lục hoặc tím nhạt, trong chứa hạt màu nâu đen. Chất nhẹ, giòn, dễ gẫy, vị hơi chát, cay và mát, mùi thơm. Thứ màu tím nhạt, cuống nhỏ, bông to nhiều hoa là loại tốt.

Công dụng:

Thường dùng trị

1. Cảm cúm mùa hè, say nóng, sốt không đổ mồ hôi, nhức đầu

2. Viêm dạ dày ruột cấp, hơi thở nặng

3. Bại liệt, phong thấp, đau xương, đau mình

4. Giảm niệu. Cũng còn được dùng chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết, đại tiện ra máu.

Liều dùng 3-10g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cành lá tươi đắp trị viêm mủ da, mụn nhọt.

Chủ trị: trị cảm sốt, cảm cúm, trị bệnh sởi (dùng sống), hạ ứ huyết, chỉ huyết (sao cháy).

- Cảm phong hàn biểu hiện đau đầu, ớn lạnh, sốt không có mồ hô:  Kinh giới hợp với Phòng phong và Khương hoạt.

- Cảm phong nhiệt biểu hiện sốt, đau đầu, đau Họng, ra mồ hôi ít hoặc không ra mồ hôi: Kinh giới  hợp với Liên kiều, Bạc hà và Cát cánh trong bài Ngân Kiều Tán

- Sởi và phát ban trên da kèm theo ngứa. Kinh giới hợp với Bạc hà, Thuyền thoái và Ngưu bàng tử để thúc cho ban mọc và giảm ngứa.

- Các bệnh chảy máu, như chảy máu cam, tiêu ra máu và tiểu ra máu: Kinh giới hợp với các thuốc khác để cầm máu.

Liều dùng: Ngày dùng  6 - 12g.

Cách Bào chế: Rửa qua cho sạch, phơi khô, thái ngắn 2 - 3cm (dùng sống). Có thể sao qua cho bớt thơm cay, hoặc sao cháy.

Bảo quản: đậy kín để nơi khô ráo, tránh nóng.

Kiêng ky: không có ngoại cảm phong hàn thì không nên dùng. Có tài liệu cho rằng dùng Kinh giới không nên ăn cá Diếc.

Đơn thuốc:

1. Chữa cảm mạo, phong hàn phát sốt, nhức đầu ê ẩm, đau mình, không có mồ hôi, hay đổ mồ hôi khi gặp gió lạnh, trẻ em lên sởi, lở ngứa: Dùng Kinh giới cả hoa cành 20g sắc uống, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

2. Chữa cảm gió lạnh nhức đầu, chảy nước mũi: Dùng hoa Kinh giới khô (Kinh giới tuệ), Bạch chỉ, hai vị bằng nhau tán nhỏ, uống mỗi lần 4g với nước chè nóng, cho ra mồ hôi.

3. Chữa cảm đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi 50g, Gừng sống 10g, giã vắt lấy nước uống còn bã đánh dọc sống lưng. Hoặc dùng Kinh giới 20g, Tía tô 10g, sắc nước uống, đắp chăn cho ra mồ hôi.

4. Chữa cảm thể nóng: Dùng Kinh giới 8g, Bạc hà 8g, Cam thảo đất 12g, sắc nước uống 2-3 lần trong ngày.

5. Xuất huyết (Chảy máu cam, băng huyết...): Dùng Kinh giới tuệ sao đen 15g sắc nước uống.

6. Mẩn ngứa ngoài da do dị ứng: Hoa Kinh giới 12g, Hoa Húng quế 12g, lá Đơn đỏ 12g sắc nước uống 1 lần, ngày uống 2-3 lần.

7. Viêm mũi dị ứng: Dùng hoa Kinh giới 8g, Bạc hà 8g, hoa Húng quế 8g, Cây cứt lợn 12g, lá Cối xay 12g, sắc nước uống, chia 2 lần trong ngày.

8. Chữa trẻ em lên sởi và các chứng lở ngứa: Dùng Kinh giới và Kim ngân hoa (cả hoa, lá, cành) mỗi vị 15-20g sắc uống.

Các bài thuốc sử dụng toàn kinh giới

Chữa cảm hàn ở trẻ em: toàn kinh giới, tía tô, hoắc hung, ngải cứu, mã đề, gừng, mỗi thứ 3 – 4g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa ban chẩn: toàn kinh giới, lá dâu, mỗi vị 6g; lá bạc hà, kim ngân, sài đất, mỗi vị 4g; sắc uống ngày một thang.

Chữa chóng mặt, hoa mắt, nghẹt mũi, mắt đỏ: toàn kinh giới, cúc hoa, xuyên khung, cam thảo, bạch chỉ, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, tế tân, bạch cương tàm. Các vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây thành bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 – 6g với nước ấm, sau bữa ăn.

Chữa sưng vú, mụn nhọt. toàn kinh giới, thương nhĩ tử, vòi voi, liên kiều, mỗi thứ 12g; kim ngân hoa, cỏ mần trầu, hạ khô thảo, mỗi thứ 10g; bồ công anh 8g. Tất cả sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa ho, mất tiếng: toàn kinh giới, tang diệp, tang bạch bì, địa cốt bì, mỗi thứ 12g; tử tô, bán hạ chế, mỗi thứ 8g; trần bì 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa cảm cúm, sốt, đau nhức: lấy toàn kinh giới 5g phối hợp với lá tía tô 3g, cam thảo đất 3g, sài hồ nam hoặc cúc tần 3g, kim ngân 4g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày; kết hợp lấy lá kinh giới tươi 50g, giã nát với gừng sống 10g, gói vào vải sạch, đánh dọc sống lưng. Hoặc toàn kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, tía tô, cát căn, mỗi thứ 20g; cúc hoa, địa liền, mỗi vị 5g; phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 – 6g.

Các bài thuốc sử dụng tuệ kinh giới

Tùy theo cách chế biến mà tính vị, tác dụng của kinh giới tuệ thể hiện cụ thể như sau:

Kinh giới tuệ để sống: Có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, giải độc, tiêu viêm.

Chữa cảm lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi: kinh giới tuệ sống và rễ bạch chỉ với lượng bằng nhau phơi khô, tán bột; ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 – 8g với nước chè nóng cho ra mồ hôi.

Chữa cảm, sốt, cúm: kinh giới tuệ sống, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương, lượng mỗi vị 20g, sắc với nước nhiều lần, rồi cô thành cao đặc, luyện với bột nếp làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần, người lớn mỗi lần 7 – 8 viên với nước sắc lá tre; trẻ em tùy tuổi, 2 – 4 viên. Thuốc còn chữa kiết lỵ (chiêu thuốc với nước sắc lá mơ lông).

Chữa mụn nhọt: kinh giới tuệ sống 12g; mã đề, bồ công anh, kim ngân, thổ phục linh, ké đầu ngựa, cam thảo nam, mỗi thứ 10g; thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa viêm họng, khản tiếng: Kinh giới tuệ sống 12g, nhân hạt gai dầu 12g, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật làm viên, ngâm làm nhiều lần trong ngày.

Chữa trĩ: kinh giới tuệ sống, hoàng bá, ngũ bội tử, mỗi vị 12g; phèn phi 4g; sắc lấy 300 – 400ml nước, dùng ngâm hậu môn hằng ngày.

Phòng chống bệnh sởi: kinh giới tuệ sống, vỏ quả bưởi, thanh hoa, mỗi vị 20g, đặt lên than đang đỏ hồng, dùng khói xông khắp người trong 15 phút.

Kinh giới tuệ sao vàng: Dùng riêng, tán bột mịn, uống ngày hai lần, mỗi lần 6 – 8g chữa cảm, cúm, sốt, nhức đầu, viêm họng. Hoặc phối hợp với tía tô, lượng mỗi thứ 20g, sắc nước uống, rồi nằm nghỉ, đắp kín cho ra mồ hôi.

Kinh giới tuệ sao đen (dược liệu sống đem rang nhỏ lửa đến khi có màu đen sém, không để cháy thành than). Có tác dụng cầm máu. Dùng riêng, mỗi ngày 12g, dưới dạng nước sắc hoặc thuốc bột. Dùng phối hợp, chữa băng huyết, rong huyết: kinh giới tuệ sao đen, gương sen (sao cháy), ngải cứu (sao đen), cỏ nhọ nồi (sao qua), bách thảo sương, mỗi thứ 12g; rau má 20g; sắc uống ngày một thang.

Chữa tiêu chảy ra máu: kinh giới tuệ sao đen và lá trắc bá sao sém, với lượng mỗi thứ 15 – 20g, sắc uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.

Chữa kinh nguyệt ra nhiều không dứt: kinh giới tuệ sao đen 12g, bồ hóng 8g, sao cho hết khói; trộn đều, uống với nước chè làm một lần trong ngày.

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025