Đỗ quyên được coi là những loài hoa vương giả. Chính vì mục đích đó, ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ hàng nghìn loài hoang dại và lai đã được trồng trong các vườn gia đình và nơi công cộng.
Họ Đỗ quyên trên thế giới có chừng 107-111 chi với khoảng 3400-3500 loài, phân bố rất rộng, đặc biệt tập trung tại vùng Himalaya, Tây Nam Trung Quốc, vài nơi ở Châu Úc, Niu-Di-Lân và Nam Châu Phi. Ở Việt Nam, họ này hiện gặp 12 chi với khoảng 91 loài. Chi Đỗ quyên (Rhododendron L.) có khoảng gần 40 loài, phân bố chủ yếu ở vùng núi cao trên 1000m trong hệ sinh thái núi đá và đất. Dưới đây là một số loài trong chi Đỗ quyên (Rhododendron L.) thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae Juss.) có giá trị làm cảnh ở Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
1. Mẫu vật
Mẫu vật các loài dùng làm cảnh trong chi Đỗ quyên được thu từ các địa điểm của các tỉnh trong phạm vi cả nước có phân bố tự nhiên. Tiêu bản các loài được lưu giữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.
2. Phương pháp nghiên cứu
Điều tra theo các tuyến khảo sát ở trong rừng. Thu mẫu tiêu bản ngoài thực địa về giám định tên bằng phương pháp hình thái so sánh trong phòng tiêu bản.
Kết quả nghiên cứu
Rhododendron arboreum
Rh. cavaleriei
Rh. crenulatum
Rh. ermarginatum
Rh. exellens
Rh. fortunei
Rh. irrolatum
Rh. maddenii
Rh. moulmainense
Rh. mucronatum
Rh. nuttallii
Rh. sino-falconeri
Rh. simsonii trồng
Rh. simsonii tự nhiên
Rh. tanastylum
Rh. veitchianum
Rh. vialii
Rh. yunnanese
|
1. Rhododendron arboreum Smith; phân loài: delavayi (Franch.) Chamb. 1979 – Tên đồng nghĩa: Rhododendron delavayi Franch. 1886 - Đỗ quyên delavay.
Phân bố: Lào Cai (Sapa), Nghệ An, Hà Tĩnh. Còn có Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc (Vân Nam).
Dạng sống và sinh thái: Cây to, cao 1-8m; hoa hồng hay đỏ, đôi khi trắng, có đốm tía, to. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1800- 2200m. Ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 9-11.
Cây có hoa đẹp, có thể trồng riêng hay thành đám làm cảnh, trồng rừng phong cảnh.
2. Rhododendron cavaleriei H. Lév. 1903 - Đỗ quyên nhiều hoa, Đỗ quyên cavalerie.
Phân bố: Vĩnh Phúc (Tam Đảo). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Cây bụi thường xanh, cao 3-5m; hoa màu trắng hay hơi hồng. Mọc trong rừng thưa, ở độ cao 1500-1800m. Ra hoa tháng 3-4, có quả tháng 6-9.
Cây có nhiều hoa, màu sắc đẹp, có thể trồng làm cảnh.
3. Rhododendron crenulatum Hutch. ex Sleum. 1958 - Đỗ quyên răng nhỏ.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Lào.
Dạng sống và sinh thái: Cây bụi sống bám trên vách đá hoặc đôi khi sống phụ sinh trên các cây khác, cao khoảng 1m, ở nhánh non thường có lông tơ; hoa vàng nhạt. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 2400m. Ra hoa quả tháng 5-6.
Dáng cây và hoa đẹp, phù hợp trồng làm cảnh, trồng thảm hoa đường phố.
4. Rhododendron ermarginatum Hemsl. & Wils. 1910 - Đỗ quyên lá lõm, Đỗ quyên khuyết đỉnh.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Cây bụi thường xanh, cao 1-3m; hoa màu vàng, cuống hoa dài 1,5cm. Mọc rải rác trong rừng thưa, ở độ cao 1800m. Ra hoa tháng 7-10, có quả tháng 12-1 (năm sau).
Cây cho hoa đẹp, có thể trồng làm cảnh.
5. Rhododendron excellens Hemsl. & E.H. Wilson 1910 – Đỗ quyên đẹp, Đỗ quyên huyền diệu.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Bụi hoặc cây gỗ nhỏ cao 1-3m; tràng hoa màu trắng, có mùi thơm. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 10.
Hoa đẹp, trồng làm cảnh rất thích hợp.
6. Rhododendron fortunei Lindl. 1859 - Đỗ quyên fortune, Đỗ quyên vân gấm.
Phân bố: Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Cây bụi thường xanh, cao 3-4m. Hoa màu đỏ phấn, đều, có tuyến. Mọc trong rừng vùng núi, ở độ cao 1800m. Ra hoa tháng 4.
Cây có hoa đẹp, có thể trồng làm cảnh.
7. Rhododendron irroratum Fr. 1887; phân loài: kontumense (Sleum.) Chamb. 1978 - Đỗ quyên hoa hồng, Hồng thụ, Đỗ quyên lang bian.
Phân bố: Mới thấy ở Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai.
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 3-5m, gốc to 40cm; tràng hoa màu trắng ửng tím, có điểm tuyến màu hồng hay lục nhạt. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 2200m. Ra hoa quả tháng 1-4.
Hoa đẹp, trồng làm cảnh.
8. Rhododendron lyi Lévl. 1914 – Tên đồng nghĩa: Rhododendron leptocladon Dop. 1930 – Rhododendron saravanense Dop. 1930 - Đỗ quyên ly, Đỗ quyên vòi dài.
Phân bố: Lào Cai (Sapa), Kon Tum (Ngọc Linh), Khánh Hòa. Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 2-5m; tràng hoa màu trắng với thùy ửng hồng, có mùi thơm. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1300-2800m. Ra hoa tháng 1-4, có quả tháng 7-9.
Cây có hoa đẹp, trồng làm cảnh.
9. Rhododendron maddenii Hook.f.; phân loài: crassum (Franch.) Cullen, 1978 – Tên đồng nghĩa: Rhododendron oxyphyllum Franch. 1898 – Đỗ quyên mađen, Đỗ quyên sa pa, Ong xinh mu.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 5m, có khi phụ sinh, hoa màu trắng hoặc màu vàng nhạt. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1500m. Ra hoa quả tháng 6-11.
Cây có dáng và hoa đẹp, trồng làm cảnh.
10. Rhododendron moulmainense Hook. 1876 - Tên đồng nghĩa: Rhododendron oxyphyllum Franch. 1898 – Đỗ quyên moulmain, Đỗ quyên lá nhọn.
Phân bố: Lai Châu, Lào Cai (Sapa), Cao Bằng (Pia Oắc), Đà Nẵng (Bà Nà), Kon Tum (Đắk Glây, Ngọc Linh, Ngọc Pan). Còn có ở Mianma.
Dạng sống và sinh thái: Gỗ nhỏ, cao đến 15m; hoa thơm, trắng, hồng hay hơi tím. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 800-1200m. Ra hoa tháng 12-4 (năm sau), có quả tháng 5-7.
Hoa đẹp, trồng làm cảnh.
11. Rhododendron mucronatum (Blume) G. Don, 1834 - Tên đồng nghĩa: Azalea mucronata Blume, 1826 – Đỗ quyên mũi, Đỗ quyên lá mũi nhọn.
Phân bố: Hà Nội, Lâm Đồng (Đà Lạt). Còn có ở Trung Quốc, Inđônêxia.
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 2(5)m; hoa màu trắng tinh, có mùi thơm, có khi có màu hoa hồng và có vân hoa màu đỏ. Cây mọc hoang. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 9.
Cây được trồng làm cảnh vì hoa đẹp.
12. Rhododendron nuttalii Booth. ex Nutt. 1853 – Đỗ quyên nuttal, Đỗ quyên mộc lan.
Phân bố: Lào Cai. Còn có ở Trung Quốc, Butan.
ạng sống và sinh thái: Bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 2-10m, có khi phụ sinh; hoa màu trắng với tâm màu vàng, to. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1500m. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 9-12.
Cây có hoa đẹp và to, lại có mùi thơm, được trồng làm cảnh ở châu Âu.
13. Rhododendron simsii Planch. 1854 – Đỗ quyên hoa đỏ, Đỗ quyên sim, Đỗ quyên tết.
Phân bố: Lào Cai (Sapa), Hà Tĩnh (Hương Sơn, Hương Khê), Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã), Kon Tum. Còn có ở Trung Quốc (Đài Loan).
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 2,5m; hoa màu đỏ tươi hay đỏ thẫm. Mọc rải rác trong rừng.
Làm cảnh vì hoa to và đẹp, nở vào dịp Tết nguyên đán.
14. Rhododendron sino-falconeri Balf. f. 1916 – Đỗ quyên chén, Đỗ quyên lá to.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Trung Quốc.
Dạng sống và sinh thái: Gỗ nhỏ, cao 7m; hoa màu vàng nhạt, cao 5-6cm. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 2200m. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 10-11.
Hoa đẹp thích hợp trồng làm cảnh.
15. Rhododendron tanastylum Balf. f. Ward. 1917 – Đỗ quyên lá hẹp.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Mianma.
Dạng sống và sinh thái: Gỗ nhỏ, cao 6m; hoa cao 4,5cm, màu hoa hồng hoặc đỏ sẫm. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1400-2500m. Ra hoa tháng 3-6, có quả tháng 10-11.
Trồng rừng cảnh quan.
16. Rhododendron triumphans Yersin in A. Chev. 1929 – Đỗ quyên rạng rỡ, Đỗ quyên hoa đỏ gạch, Hồng thu rạng.
Phân bố: Mới thấy ở Khánh Hòa (Hòn Bà).
Dạng sống và sinh thái: Bụi phụ sinh, cao 2m; hoa màu vàng dợt. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1500m. Ra hoa tháng 8-9, có quả tháng 12-1 (năm sau).
Dáng cây đẹp, có thể uốn trồng làm cây cảnh rất thích hợp.
17. Rhododendron veitchianum Hook. f. 1857 – Đỗ quyên vietch.
Phân bố: Lào Cai (Sapa), Nghệ An (Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Tuơng Dương, Anh Sơn) , Hà Tĩnh (Hương Khê). Còn có ở Mianma.
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 2m, hoa màu trắng có đốm vàng tái. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1500-2500m. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 10-11.
Cây có hoa đẹp, được trồng làm cảnh ở Châu Âu.
18. Rhododendron vialii Delav. & Franch. 1895 - Đỗ quyên vial.
Phân bố: Bắc Bộ Việt Nam. Còn có ở Trung Quốc (Vân Nam).
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 2m; tràng hoa màu đỏ. Mọc rải rác trong vùng núi cao. Ra hoa tháng 2-3, có quả tháng 8-10.
Cây có dáng đẹp, thích hợp trồng làm cảnh.
19. Rhododendron yunanense Franch. 1886 – Đỗ quyên vân nam.
Phân bố: Lào Cai (Sapa). Còn có ở Trung Quốc (Vân Nam).
Dạng sống và sinh thái: Bụi cao 1-4m, tràng hoa màu trắng, màu hồng, mặt trong màu đỏ sẫm. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 10-11.
Cây có dáng và hoa đẹp, trồng làm cảnh.
Kết luận
Các đặc điểm hình thái, sinh thái và phân bố của 19 loài có giá trị làm cảnh thuộc chi Đỗ quyên (Rhododendron L.) trong tổng số 40 loài thuộc chi này ở Việt Nam, đã được mô tả, đó là: Rhododendron arboreum Smith; phân loài: delavayi (Franch.) Chamb.; Rhododendron cavaleriei; Rhododendron crenulatum Hutch. ex Sleum.; Rhododendron emarginatum Hemsl. & Wils.; Rhododendron excellens Hemsl. & E.H. Wilson; Rhododendron fortunei; Rhododendron irroratum Fr.; phân loài: kontumense (Sleum.) Chamb.; Rhododendron lyi Lévl.; Rhododendron maddenii Hook.f.; phân loài: crassum (Franch.) Cullen; Rhododendron moulmainense Hook.; Rhododendron mucronatum (Blume) G. Don; Rhododendron nuttalii Booth. ex Nutt.; Rhododendron simsii Planch.; Rhododendron sino-falconeri Balf. f.; Rhododendron tanastylum Balf. f. Ward.; Rhododendron triumphans Yersin in A. Chev.; Rhododendron veitchianum Hook. f.; Rhododendron vialii Delav. & Franch.; Rhododendron yunanense Franch. Những loài này có triển vọng gây trồng trên diện rộng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2: 441-446. NXB. Nông nghiệp. Hà Nội.
2. Võ Văn Chi, 2004: Từ điển Thực vật thông dụng, 2: 2125-2138. NXB. KH&KT.
3. Dop P., 1930: Vaccinaceae & Ericaceae in Lecomte, Flore Générale de L’Indochine: 698-746. Paris.
4. Nguyễn Tiến Hiệp, Phạm Hoàng Hộ, 1996: Fam. Ericaceae Juss. In Vascular plants synopsis of Vietnamese flora. St. Petersburg.
5. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, 1: 609-616. NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
6. Mabberley D. J., 1997: The Plant-Book: 614-615. Cambridge University Press.
7. Wiersema J. H, 1999: World Economic Plants: 424-427. CRC Press Boca Raton, London, New York, Washington DC.
8. Wu C. Y., P. R. Raven (Edit.), 2005: Flora of China, 14: 260-455. Sicence Press, Beijing.
Nguyễn Thị Thanh Hương, Trần Minh Hợi, Nguyễn Tiến Hiệp
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)