Thông tin chung
Tên thường gọi: Dừa cạn
Tên khác: bông dừa, hoa hải đằng, nhạn lai hồng, nhật nhật tân, Trường xuân hoa.
Tên tiếng Anh: Periwunkle Herb
Tên khoa học: Cantharanthus roseus (L.) G. Don
Tên đồng nghĩa: Vinca rosea L., Ammocallis rosea, Lochnera rosea
Thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae.
Hoa Dừa cạn - Cantharanthus roseus, ảnh theo nongnghiep.vn
Mô tả
Cây thảo cao 0,40-0,80m, phân thành nhiều cành. Lá mọc đối, hình thuôn dài, dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá phía trên, màu hồng hay trắng; đài 5, hợp thành ống ngắn; tràng 5, dạng chén; nhị 5, thọt vào trong ống tràng; nhuỵ gồm 2 lá noãn hợp nhau ở vòi. Quả gồm 2 đại, hơi choãi ra, mỗi cái chứa 12-20 hạt nhỏ, hình trứng, màu nâu nhạt, xếp thành 2 dãy.
Dáng cây đẹp, mềm mại, lá xanh mướt, hoa rực sáng, đấy là những nét đặc trưng tạo được sự hấp dẫn của loài cây này.
Mùa hoa tháng 6-9.
Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Catharanthi Rosei; ở Trung Quốc gọi là Trường Xuân hoa.
Nơi sống và thu hái
Cây của châu Mỹ nhiệt đới được truyền vào nước ta, mọc tự nhiên, sinh trưởng tốt ở các bãi cát ven biển, phát triển cả vào mùa hè. Thường được trồng làm cảnh. Thu hái quanh năm, rửa sạch thái nhỏ dùng tươi hay phơi khô; rễ thu về rửa sạch, phơi hay sấy khô.
Dừa cạn là cây trồng làm cảnh phổ biến, ảnh theo dic.academic.ru
Thành phần hoá học
Dừa cạn Việt Nam có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 0,1% tới 0,2%, Dừa cạn hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao hơn các loại khác. Rễ chứa hoạt chất (0,7-2,4%) nhiều hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%). Các chất chủ yếu là vinblastin, vincristin, tetrahydroalstonin, pirinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin…
Tính vị, tác dụng
Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có độc, có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc, hạ huyết áp và an thần.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Người ta thường dùng Dừa cạn làm thuốc kìm tế bào và được chỉ dẫn trong điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu lymphô cấp, một số ung thư. Trong dân gian vẫn dùng trị cao huyết áp, trị bệnh đái đường, điều kinh, chữa tiêu hoá kém và chữa lỵ, thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít. Có người dùng trị ung thư máu, ung thư phổi.
Cách dùng
Dùng thân và lá Dừa cạn phơi khô 8-20g có thể dùng tới 50g (dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên nén từ cao khô). Trong Tây y người ta chế thành thuốc tiêm.
Đơn thuốc
Trị bệnh bạch cầu lymphô cấp
Dùng 15g dừa cạn sắc nước uống.
Ta đã chiết được vinblastin từ lá Dừa cạn và dưới dạng thuốc tiêm vinblastin sulfat để chữa bệnh này.
Trị huyết áp cao
Dùng Dừa cạn 12g, Hy thiêm 9g, Thảo quyết minh 6g và Bạch cúc 6g, sắc uống.
Trị bỏng nhẹ
Trong dân gian người ta dùng lá giã nát đắp lên những vết bỏng (chú ý chỉ đắp trong trường hợp không trợt da, bỏng nhẹ) làm mát da thịt, giảm đau, chống bội nhiễm.
Điều trị zona
Dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 16g, thổ linh 16g, bạch linh 10g, kinh giới 12g, chi tử 10g, nam tục đoạn 16g, cam thảo đất 16g, hạ khô thảo 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Thuốc đắp: lá dừa cạn, lá cây hòe. Hai thứ lượng bằng nhau, giã nhỏ đắp lên các tổn thương, băng lại. Tác dụng: làm giảm đau nhức.
Điều trị khí hư bạch đới
Dừa cạn 12g, rễ cây bạch đồng nữ 16g, biển đậu 16g, đan sâm 16g, cây chó đẻ 16g, lá bạc sau 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Trà dược cho bệnh nhân tăng huyết áp: Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: an thần hạ áp, làm bền vững thành mạch, êm dịu thần kinh, phòng chống và ngăn ngừa những tai biến có thể xảy ra.
Phụ nữ bị bế kinh
Đau bụng, có khi đau lăn lộn, mặt đỏ, bụng dưới căng đầy, tính tình cáu gắt. Bài thuốc: dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Lỵ trực trùng
Đi ngoài nhiều lần, bụng đau từng cơn, phân có chất nhầy, có máu mũi, sút cân nhanh.
Bài thuốc: dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát, chia 3 lần uống trong ngày.
Bệnh trĩ
Búi trĩ sưng đau, tiết dịch, chảy máu tươi.
Bài thuốc: dùng hoa và lá dừa cạn, lá thầu dầu tía. Hai thứ giã nhỏ đắp tại chỗ băng lại. Đồng thời cho uống bài sau: dừa cạn (sao vàng) 20g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 16g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Sắc 3 lần uống 3 lần, ngày 1 thang. Dùng thuốc 10 ngày liền. Nghỉ 3 - 4 ngày, sau đó tiếp đợt 2.
Chứng tiêu khát
Khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, Đông y gọi là chứng tiêu khát.
Bài thuốc: dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Sắc 3 lần uống 3 lần, ngày 1 thang.
U xơ tuyến tiền liệt
Dừa cạn 12g, huyền sâm 12g, xuyên sơn 10g, chè khô 12g, hoàng cung trinh nữ 5g, cát căn 16g, bối mẫu 10g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Nguồn tổng hợp: Báo Sức khỏe & Đời sống, Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh