Thông tin chung
Tên thường gọi: Cải rừng tía
Tên khác: Rau cẩn, Hoa tím ẩn
Tên tiếng Anh:
Tên khoa học: Viola inconspicua Blume
Thuộc họ Hoa tím - Violaceae




Cải rừng tía, Viola inconspicua ảnh theo kinmatsu.idv.tw
Mô tả
Cải rừng tía là loài cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn, gốc cứng. Lá mọc chụm lại thành hình hoa thị ở gần gốc. Phiến lá hình tam giác, gốc lõm hình tim, có tai hẹp, đầu nhọn, mép có răng cưa thưa không đều; cuống lá dài, lá kèm nâu, mép nguyên, nhọn. Hoa màu tím nhạt, mọc ở nách lá; cuống dài vượt quá lá. Quả hình cầu, có 3 cánh. Hạt rất nhỏ, hình trứng ngược, màu nâu nhạt.
Phân bố và sinh thái
Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bãi suối có cát.
Chế biến làm thực phẩm
Người ta thu hái các phần non của cây làm rau ăn luộc, ăn xào hay nấu canh. Người ta đã biết thành phần dinh dưỡng của cây Cải rừng tía tính theo g%: nước 88, protid 2,4, glucid 7,2, xơ 1,2, tro 1,2 và theo mốc mg%: B - caroten 3,6, vitamin C 31.
Sử dụng làm thuốc
Toàn cây cũng được dùng làm thuốc. Cải rừng tía có vị đắng, hơi cay, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ độc lên da non, tiêu sưng, dùng chữa viêm họng, đau mắt đỏ, viêm tuyến vú, sưng lở, hoàng đản, đau ruột… Liều dùng 40-80g thuốc tươi hay 20-40g thuốc khô sắc uống. Ngoài dùng lá tươi giã đắp chỗ sưng đau.
Lương y Lê Trần Đức cho biết một số công dụng của Cải rừng tía:
Chữa quai bị: Lá Cải rừng tía 40g, phèn chua 4g, giã nhỏ đắp.
Chữa dịch tả nôn tháo: Cải rừng tía và hương nhu, mỗi vị 40g sắc uống.
Chữa tràng nhạc, mụn mạch lươn: Cải rừng tía sắc uống và giã cây tươi đắp ngoài.
Nguồn: Võ Văn Chi