Giáo sư Leonid Avereyanov, Viện thực vật Khamarop của Nga, giáo sư Phan Kế Lộc, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học Việt Nam và cán bộ Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ-Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã phát hiện quần thể rừng Bách xanh nguyên sinh này trong quá trình điều tra, khảo sát tại khu vực.
Theo các nhà khoa học, đây được coi là quần thể Bách xanh nguyên sinh lớn nhất còn lại ở Việt Nam, được xác định tồn tại trên 500 năm tuổi.
Bách xanh là loài cây quý hiếm của rừng Việt Nam sinh sống trên núi đá vôi ở độ cao 700-1000 mét. Rừng Bách xanh ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được phân bố trên phạm vi rộng hơn 2.400ha, là khu rừng có ý nghĩa rất quan trọng về giá trị bảo tồn trên toàn cầu.
Phong Nha-Kẻ Bàng là khu bảo tồn có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Độ che phủ của rừng ở đây đã đạt 93,57%; trong đó, diện tích rừng nguyên sinh đạt trên 83,74%.
Đặc biệt, ở Phong Nha-Kẻ Bàng còn tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 mét với tổng diện tích hơn 22.500ha. Đây là kiểu rừng độc đáo nhất ở Việt Nam và thế giới, trong đó, rừng Bách xanh được xác định là loài mới và đặc hữu trên núi đá vôi của Việt Nam, được coi là kiểu rừng duy nhất trên thế giới./.