Xã Thài Phìn Tủng nằm trên sườn và thung lũng cao nguyên đá vôi thuộc huyện biên giới cực bắc Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cư dân Thài Phìn Tủng tuyệt đại bộ phận là người H’ Mông đã sinh sống ở đây từ lâu đời.
Trước đây, người dân Thài Phìn Tủng ngoài sản xuất lương thực, chăn nuôi, còng có một nguồn thu khác khá quan trọng là khai thác lâm sản. Rừng trên núi đá vôi của Thài Phìn Tủng một thởi nổi tiếng vì có nhiều gỗ quý, giá trị kinh tế cao như Thông đỏ bắc hay còn gọi là thông đá (tên địa phương), Hoàng đản rủ, Thiết sam núi đá, Thiết sam giả lá ngắn,… Rất tiếc hiện nay nhiều khu rừng trên núi đá vôi đã bị khác thác quá mức.
Diện tích rừng hiện chỉ chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên của xã. Mất rừng không chỉ làm mất đi nguồn tài nguyên quý có giá trị kinh tế mà còn làm mất khả năng giữ nước, là một tron những nguên nhân khiến cho Thài Phìn Tủng bị thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Gần đây tình trạng thiếu nước đã được cải thiện một phần nhờ Chương trình 135. Mỗi hộ dân được cấp tiền xây một bể nước từ 10 đến 15m3, chỉ để phục vụ nhu cầu nước hằng ngày vào mùa khô.
Cùng với nhiệm vụ xóa đói, nâng cao đời sống cho ngời dân, vấn đề lập lại màu xanh ở Thài Phìn Tủng đã trở nên vô cùng cấp thiết.
Rất may mắn, vào năm 1999, trong đợt khảo sát thực địa tại Thài Phìn Tủng nhằm thực hiện chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về phát triển nông thôn miền núi, chúng tôi đã phát hiện được ở Thài Phìn Tủng hiện đang lưu giữ một số nguồn gen thực vật quý hiếm được ghi vào trong Sách Đỏ Việt Nam. Đó là Thông đỏ bắc (Taxus chinensis (Pig.) Hehder), Du sam đá vôi (Keteleeria davidianan (Bertrand) Beissn.), Thiết sam núi đá, hay còn gọi là Thiết sam đông bắc (Tsuga chinensis (Franch.) Pritz. ex Diels) và Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W.C. Cheng et L.K. Fu).
Từ kết quả trên, năm 2003, quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF - SGP) thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã cấp kinh phí thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”. Dự án triển khai trong 3 năm (2003-2005) với mực tiêu là điều tra, khảo sát khu phân bố và thử nghiệm giâm hom các loài quý hiếm đã nêu tiến tới gây trồng nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, đồng thời từng bước khôi phục lớp phủ thực vật vốn có của Thài Phìn Tủng, một bộ phận của cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng. Dự án cũng tài trợ kinh phí để giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của địa phương, tăng thu nhập, hạn chế tác động đến diện tích rừng vốn đã cạn kiệt, góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học.
Sau ba năm ghực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong quá trình điều tra, khảo sát thực địa đã xây dựng bản đồ phân bố các loài quý hiếm, xác định vị trí của từng cá thể bằng máy định vị (GPS), đóng biển “Loài quý hiếm cần bảo vệ” cho từng cây để người dân biết, không chạt phát cây. Một điều đáng lưu ý là số lượng cá thể ghi nhận được sau 3 năm thực hiện dự án đã tăng lên rất nhiều. Ví dụ, vào năm 1999 chỉ mới biết có 5 cá thể Thông đỏ bắc, nay đã thống kê được 30 cá thể, đặc biệt đã phát hiện được một cây Thông đỏ bắc có đường kính tới 60cm, được xem là cây Thông đỏ bắc lớn nhất ở miền Bắc nước ta cho tới thời điểm này. Dự án còn xây dựng được một vườn ươm diện tích 200m2 để tạo cây giống bằng phương pháp giâm cành. Kết thúc giai đoạn I, dự án đã tạo được 9500 cây giống của các loài quý hiếm kể trên.
Một kết quả quan trọng nữa là đã phát hiện thêm 5 loài quý hiếm, đó là Thông năm lá, hay Thông pà cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus manii), Mã hồ (Mahonia nepalensis), Bảy lá một hoa (Paris polyphylla) và Hà thủ ô đỏ (Follopia sinensis).
Từ những kết quả thu được, với mong muốn lập lại màu xanh cho cao nguyên đá bằng chính những loài quý hiếm đã phát hiện được, Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tiếp tục cho triển khai giai đoạn II của dự án với tên gọi “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của hệ sinh thái núi đá vôi ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, mã sos VN/06/011”. Nhiệm vụ trọng tâm của dự án giai đoạn II là triển khai trồng số cây giống đã tạo được ở giai đoạn I đồng thời tiếp tục nhân giống khoảng 20.000 cây của tất cả 9 loài quý hiếm.
Hiện nay, toàn bộ số cây giống của giai đoạn I đã được trồng. Sau 3 tháng kiểm tra, kết quả cây sống đạt 80%, tăng trưởng tốt. Có một số cây Thông đỏ bắc sau 3 tháng chiều cao tăng trưởng tới 8cm. Để đảm bảo vững chắc kết quả đã đạt được, không thể không quan tâm tới đời sống của người dân. Vì vậy, một lần nữa Quỹ Môi trường toàn cầu cho thực hiện dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao, góp phần cải thiện mức sống và nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn gen vật nuôi cho cộng đồng xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”.
Ngoài nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn going bò vàng vùng cao, dự án này sẽ hỗ trợ thiết thực cho 2 dự án trên với tiêu chí các hộ tham gia trồng, bảo vệ các loài cây quý hiếm sẽ được đầu tư phát triển giống bò vàng.
Lập lại màu xanh trên cao nguyên đã khó, càng khó hơn đó lại là những cây quý hiếm. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho phép hy vọng sẽ có nhiều cây giống đâm chồi, nảy lộc trong mùa xuân tiếp theo để sớm trả lại màu xanh cho cao nguyên đá.