Thông tin chung
Chi Hypericum L. trên thế giới có khoảng 420 loài, phân bố ở hầu hết các vùng nhiệt đới ẩm, chỉ trừ vùng Bắc cực và sa mạc. Nhiều loài trong chi này đã được nghiên cứu để sản xuất ra các loại thuốc đặc hiệu, có hiệu quả chữa bệnh cao. Ngoài ra, một số loài có hoa màu vàng rực rỡ, cũng được trồng để làm cảnh.
Trong quá trình nghiên cứu các loài thuộc chi Hypericum L. ở Việt Nam, chúng tôi đã xác định được một số tiêu bản có tên khoa học là Hypericum wightianum Wall. ex Wight et Arn. (Synonym: H. delavayi Franch.). Đây là một loài thực vật lần đầu tiên được xác định và mô tả ở Việt Nam.
Loài này giống với H. petiolatum ở đặc điểm bầu có 3 ô, cây thảo, có chiều cao gần bằng nhau - điểm khác biệt rõ nét giữa 2 loài này là lá, lá đài, lá bắc của H. wightianum có các lông tuyến ở mép, trong khi loài kia thì không có. Giống với H. napaulense ở đặc điểm lá, lá đài, lá bắc có lông tuyến, nhưng lá của H. wighianum có các lông tuyến hình sao ở lá và lá bắc, còn loài kia thì không có, bầu của H. napaulense chỉ có 1 ô.

Hypericum wightianum Wall. ex Wight et Arn. - ảnh Ngô Phương - BVN
Đặc điểm mô tả:
Cây thảo sống hàng năm, cao 10 – 20 (-30)cm. Thân hình trụ tròn, không lông.
Lá không cuống. Phiến lá hình oval hoặc hình trứng, dài 1,5 - 2,5cm, rộng 0,8 - 1,5cm, đầu tù hoặc gần tròn, gốc hơi có dạng tim, ôm thân, mép nguyên, thường có các điểm tuyến màu đen, có khi phát triển thành dạng lông tuyến thò hẳn ra ngoài có đầu màu đen; tại gốc lá có 2 thể tuyến dạng các tế bào hình sao, đỉnh là thể tuyến màu đen. Trên bề mặt lá có dày đặc các điểm tuyến trong suốt. Gân bên 2 - 3 cặp.
Cụm hoa dạng xim tán ở đầu cành (ít khi ở nách lá), có 3 đến 9 hoặc nhiều hoa. Lá bắc và lá bắc nhỏ hình mác, dài khoảng 8mm, mép có lông tuyến màu đen. Hoa nhỏ, đường kính khoảng 0,6 – 0,8mm. Lá đài hình mác hoặc hình thuôn, dài 4,5 - 6mm, rộng 1,2 - 1,3mm, đầu thuôn nhọn, gốc hình nêm. Mép có lông tuyến màu đen, toàn mặt lá có các điểm tuyến màu đen. Cánh hoa màu vàng, hình trứng thuôn hoặc hình mác hẹp, dài 3 – 4,5mm, rộng 1 – 1,2mm, đầu hơi nhọn sắc hoặc tù, trên cánh hoa có 3 -5 hoặc hơn các gân dọc (thể tuyến?), mép và phần trên có điểm tuyến màu đen. Nhị 3 bó, mỗi bó 7 - 9 nhị, chỉ nhị dài không đều nhau, 0,8 – 1,2 (-1,8)mm. Bao phấn màu vàng. Bầu 3 ô, hình trứng, dài 2 - 3mm. Vòi nhuỵ 3, xoè ra từ gốc, dài bằng bầu.
Quả nang gần hình trứng, dài 6mm, đường kính 4mm. Giá noãn tồn tại sau khi hạt đã rụng hết. Hạt màu nâu, hình trụ tròn, dài 0,5mm, trên mặt có vân dạng tổ ong.
Typus: thu ở ấn Độ.
Mẫu nghiên cứu
Các mẫu có số hiệu: TN-26, TN-27, TN-28, TN-29, TN-145, TN-253A, TN-253B, TN -253C, TN -253D - hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng thực vật và cây thuốc Viện Dược liệu (HNPM).
Phân bố
Ở Việt Nam, loài này mới chỉ phát hiện ở 2 tỉnh Hà Giang (Phó Bảng) và Lai Châu (Sìn Hồ). Ngoài ra, còn có ở Trung Quốc (Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam), ấn Độ, Pakistan, Srilanka, Miến Điện, Thái Lan.
Sinh thái
Cây mọc ở các savan cỏ, ven đường đi, nương rẫy… ở độ cao 800 – 2.750m.
Mùa hoa quả: tháng 2.
Công dụng
Trong Trấn Nam bản thảo ghi trị ỉa lỏng lâu ngày, xích bạch lị lâu ngày. Ngoài ra, còn dùng cả cây trị rắn cắn, hoàng thuỷ đậu, trẻ em bị bạch hầu, viêm vú, viêm mũi... dùng ngoài hoặc sắc uống.
Việc phát hiện loài ban wight (Hypericum wightianum) đã bổ sung 1 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam, đồng thời cũng bổ sung vào Danh lục cây thuốc Việt Nam thêm 1 loài cây thuốc mới.
Ngô Phương
Viện Dược liệu
Theo Tạp chí Dược liệu, tập 11, số 2/2006: 47-49