Vỏ rễ và vỏ thân của hai loài cây thuốc này đã được sử dụng từ lâu đời như một loại thuốc bổ, làm mạnh gân xương, chữa thấp khớp, thể lực yếu, ...
Gần đây, những nghiên cứu về tác dụng dược lý đã chứng minh một số hoạt tính sinh học của dịch chiết từ hai loài cây thuốc này. A. trifoliatus được chứng minh có tác dụng kích thích tâm thần; long đờm, chữa ho, kháng khuẩn, chữa viêm nhiễm mụn nhọt, ức chế tế bào ung thư in vitro. Còn dịch chiết A. gracilistylus có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, virus cúm, điều trị viêm phế quản, tác dụng chống đông máu và tắc mạch máu, có khả năng trị các bệnh tự miễn, dị ứng, ức chế tế bào ung thư in vitro.
Để góp phần bổ sung những dẫn liệu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển ngũ gia bì hương và ngũ gia bì gai ở Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã tiến hành điều tra và hệ thống hóa các dẫn liệu về sự phân bố của chúng ở Việt Nam. Căn cứ vào các kết quả điều tra khảo sát thực tế, kết hợp với các nguồn tư liệu đã được công bố, hai loài ngũ gia bì hương và ngũ gia bì gai ở Việt Nam đã được hệ thống về sự phân bố, cụ thể như sau:
Ngũ gia bì hương – Acanthopanax gracilistylus W.W. Smith: (1) Tỉnh Hà Giang: huyện Đồng Văn (thị trấn Phó Bảng, xã Phố Là, Sùng Là), huyện Mèo Vạc (xã Mèo Vạc), huyện Quản Bạ (xã Quyết Tiến), (2) Tỉnh Lào Cai: huyện Sa Pa (xã Hầu Thào), huyện Bắc Hà (thị trấn Bắc Hà). Như vậy, có thể khẳng định, ở Việt Nam ngũ gia bì hương mới chỉ thấy ở vùng núi cao giáp biên giới Trung Quốc. Các điểm phân bố đã gặp là được trồng và sau trở nên hoang dại hóa.
Ngũ gia bì gai – Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr.: (1) Tỉnh Cao Bằng: huyện Hà Quảng (xã Yên Lũng), Trùng Khánh (xã Cảnh Tiên, Yên Lũng), Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Thông Nông, Trà Lĩnh, Bảo Lạc (xã Cô Pa), Nguyên Bình; (2) Tỉnh Lạng Sơn: huyện Tràng Định (xã Quốc Việt), Văn Quan (xã Lương Năng), Văn Lãng, Bắc Sơn, Cao Lộc (xã Hồng Phong), Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Lục Bình; (3) Tỉnh Hà Giang: huyện Quản Bạ (xã Quyết Tiến), Bắc Mê; (4) Tỉnh Lào Cai: huyện Sa Pa (xã Sa Pả, Tả Phìn, Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Hầu Thào, San Xả Hồ, thị trấn Sa Pa, Ô Quý Hồ), Mường Khương; (5) Tỉnh Lai Châu: huyện Phong Thổ, Sìn Hồ (xã Phăng Xô Lin, Tả Phìn, Hồng Thu, Tả Ngảo), Than Uyên; (6) Tỉnh Điện Biên: huyện Tủa Chùa; (7) Tỉnh Sơn La: huyện Mường La, Mộc Châu; (8) Tỉnh Hòa Bình: huyện Mai Châu (xã Pà Cò, Bò Báu, Bao La); (9) Tỉnh Yên Bái: huyện Mù Cang Chải (xã Chế Cu Nha, Chế Tạo); (10) Tỉnh Thanh Hóa: huyện Son Bá Mười, Bá Thước; (12) Tỉnh Nghệ An: huyện Kỳ Sơn (xã Mường Lống); (12) Tỉnh Quảng Nam: huyện Trà My (xã Trà Cang) và (13) Tỉnh Kon Tum: huyện Đắk Glei (xã Mường Hoong).
Đối với loài ngũ gia bì gai, sự phân bố của hai taxon dưới loài: A. trifoliatus var. setosus Li phân bố chủ yếu ở phần lãnh thổ tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu (huyện Sìn Hồ); còn A. trifoliatus var. trifoliatus (L.) Merr. phân bố tập trung chủ yếu ở vùng núi đông bắc, bao gồm các huyện ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái… thậm chí còn thấy cả ở vùng núi huyện Bá Thước (Thanh Hóa), xã Mường Lống – Kỳ Sơn (Nghệ An), huyện Trà My (Quảng Nam) và huyện Đắk Glei (Kon Tum).
Như vậy, loài ngũ gia bì hương phân bố hạn chế, chỉ ghi nhận được ở 5 huyện thuộc 2 tỉnh Hà Giang và Lào Cai. Còn loài ngũ gia bì gai phân bố rộng hơn, đã ghi nhận được tổng số 35 huyện thuộc 13 tỉnh là Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Kon Tum.
Lần đầu tiên ghi nhận được sự phân bố của loài ngũ gia bì gai ở các tỉnh phía nam là Quảng Nam và Kon Tum.