Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Những nét đặc trưng của Vườn Quốc gia Yokdon

Cập nhật ngày 11/6/2008 lúc 10:47:00 PM. Số lượt đọc: 5305.

Chính điều kiện tự nhiên khô nóng và địa hình bán bình nguyên rộng lớn trên nền địa chất bị bào mòn đã tạo ra những đặc trưng của hệ thực vật với cấu trúc rừng khộp, sinh cảnh thích nghi với rất nhiều các loài động vật như Voi, Nai, Công, Trĩ...

1.                   NHỮNG ĐẶC TRƯNG VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn vùng cao nguyên miền trubg Việt Nam, thuộc địa phận hành chính của 4 xã: Krông Na (Buồn đôn),  xã Ea Bung Cư M’ Lanh (Ea Súp) và Ea Pô (nay là Ea Po và Dăk Wil, huyện Cư Jút), cách TP. Buôn Mê Thuột 40 km về phía Tây, Vườn có toạ độ địa lý như sau: 12o45’ – 13o10’N và 107o29’30” – 107o48’30”E. Được hình thành trên khối cổ địa chất tiền Cambri (khối Tây Nguyên) với địa hình chủ yếu gồm hai kiểu: bán bình nguyên cổ bị bào mòn, kiểu này nhìn chung bề mặt khá bằng phẳng, dạng lượn sóng, thấp dần về phía sông sêrêpôk với độ cao trung bình 200m; địa hình đồi – núi thấp, rải rác theo bờ phải sông Sêrêpôk với đỉnh cao nhất thuộc dãy Cư M’Lanh, bờ trái là dãy Yok Da (466m) và phía nam là dãy Yok Đôn (482m).

Theo lịch sử hình thành và điều kiện phong hoá vỏ địa chất của khu vực, bề mặt vùng bình nguyên luôn là đất xám bạc màu, tầng mỏng, thành phần cơ giới nhẹ, nghèo mùn, dễ bị bào mòn, rửa trôi, đất chua, có kết vón đá ong; trên bề mặt phong hoá của các dãy đồi, núi, đất là feralit (vàng hay đỏ vàng); vùng ven sông là đất phù sa bồi tụ với thành phần hữu cơ nhiều, thành phần cơ giới là thịt pha cát, phù hợp với canh tác nông nghiệp.

Khí hậu vùng nghiên cứu: Yok Đôn nằm trong đai nhiệt đới gió mùa, hàng năm phân 2 mùa rõ rệt đặc trưng cho vùng bán bình nguyên: mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nhiệt độ trung bình năm đạt 25,2oC, ngày nóng nhất nhiệt độ có thể tới 39,3oC trong khi ngày lạnh nhất nhiệt độ chỉ xuống tới 15oC, biên độ nhiệt ngày khoảng 10 – 12oC. Đây là khu vực có lượng mưa thấp với 1500 mm / năm do vị trí nằm sâu trong lục địa và lại chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, khi hoạt động mạnh gió này tạo ra khí hậu rất khô nóng và nước bốc hơi mạnh, trung bình năm nước bốc hơi là 1078 mm.

Tất cả các đặc điểm tự nhiên trên đều thuộc về các yếu tố của môi trường không sống (abiotic) trong cấu trúc hệ sinh thái, nó có vai trò chủ đạo trong việc quyết định nên các yếu tố sống (biotíc) của hệ sinh thái, hay nói cách khác là nó có vai trò quyết định đến những tính chất, đặc trưng của hệ sinh thái và được thể hiện qua thành phần, cấu trúc của quần xã sinh vật.

 

Đặc trưng về thực vật

Với điều kiện địa hình đa phần là bằng phẳng, khí hậu khô nóng với 6 tháng khô trong năm, vỏ phong hóa mỏng nên thảm thực vật của vườn quốc gia Yok Đôn được đặc trưng là rừng thưa cây lá rộng rụng lá với thành phần khá nghèo nàn. Trong điều kiện sống khô hạn, thì tất cả những loài cây lá rộng thích hợp với địa hình phẳng, ẩm nhiều vào mùa mưa, các sẽ bị rụng lá vào mùa khô đồng thời các loài cây gỗ có lớp vỏ rất dày thường nứt nẻ để có đủ khả năng chống với lửa rừng và hạn hán. Trong lúc đó, các loài cây thân thảo sẽ không thể tồn tại được qua thời gian dài như vậy nếu không có các đặc điểm thích nghi đặc biệt bởi chúng có cơ thể quá nhỏ bé sẽ bị mất nhiều nước vào mùa khô, không có phần giữ nước cho thân khí sinh.. Cho nên, thực vật thân thảo ở đây khá nghèo, nó phần nào được thể hiện bằng tỷ lệ rất thấp các cây Một lá mầm (70 loài trong tổng số 566 loài chiếm khoảng 12 % trong tổng số). Vì thế, các loài thân thảo trong hệ thực vật vườn quốc gia Yok Đôn hầu hết là các thực vật thuộc nhóm có dạng sống ẩn (Cyptophytes), phần khí sinh sẽ bị khô héo và có thể bị cháy vào mùa khô, chỉ có phần địa sinh mới được duy trì cho tới mùa mưa năm sau, khi khí hậu trở nên ẩm và mát hơn, lúc đó chúng lại tái sinh rất mạnh mẽ cùng với sự tái sinh mầm của rất nhiều các cây gỗ khác tạo nên một bộ áo mới đặc trưng cho rừng nhiệt đới. Chính sự luân sinh này mà các cây thảo khó có cơ hội vươn lên đạt đến độ cao của các cây tầng trên để cùng tham gia tạo nên tán hay các tầng của rừng. Cũng là sự khó khăn do chế độ nước, nên các cây thân gỗ không thể có được mật độ dày lúc trưởng thành lại luôn rụng lá trong mùa khô nên độ tàn che của thảm thực vật ở đây nhiều nhất vào mùa mưa, cũng chỉ đạt đến 50 – 60% mà thôi.

 

Chính do điều kiện khắc nghiệt như vậy, nên tổng số loài thực vật của vườn quốc gia Yok Đôn hiện đã thống kê được chỉ có 854 loài thuộc về 129 họ và 478 chi của 4 ngành thực vật bậc cao là Lycopodiophyta (Thông đất), Polypodiophyta (Dương xỉ), Pinophyta (Thông) và Magnoliophyta (Mộc lan). Trong đó, ngành Dương xỉ, một nhóm chỉ thích hợp với môi trường sống ẩm bởi giai đoạn đầu của phát triển và quá trình thụ tinh phụ thuộc nhiều vào môi trường nước, chỉ có 6 loài, chiếm  một tỷ lệ rất thấp cho ta thấy được đặc trưng của hệ thực vật trong môi trường khô nóng này. Một đặc trưng cần chú ý nữa về tính chất này đó là sự có mặt của một đại diện duy nhất của ngành hạt trần là Cycas immersa, những thực vật có lịch sử hình thành lâu đời, thích hợp với môi trường sống vi khí hậu đặc trưng cho thấy sinh cảnh khu vực nghiên cứu rất đơn giản.

 

Các họ giàu loài trong hệ thực vật của vườn quốc gia Yok Đôn là: Đậu (Fabaceae) với 71 loài, 27 chi; họ Cà phê (Rubiaceae) có 66 loài, 26 chi; Thầu dầu (Euphorbiaceae) với tổng số 65 loài và 28 chi.  Tuy không nằm trong số 10 họ giàu loài nhất nhưng họ Dầu - Dipterocarpaceae (với 14 loài), lại có số lượng cá thể cây gỗ trong các sinh cảnh thì lại rất đông đúc, tạo nên một sự ưu thế đặc trưng, rừng thưa lá rộng rụng lá (rừng khộp). Thảm thực vật đó có cấu trúc rất đơn giản, tán hầu như không khép kín (thưa) với độ tán che 50 - 60 %, mật độ cây gỗ cũng thưa, rừng chỉ có 1 – 2 tầng, tầng tán thường cao 10 – 20m, thậm trí một số nơi chỉ đạt đến 7 – 8m, với các họ ưu thế theo thứ tự: họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Bàng (Combretaceae) và họ Đậu (Fabaceae) với các loài gỗ quý và nổi tiếng như: Dalbergia mammosa, D. bariaensis, Dipterocarpus tubeculatus, D. obtusifolius, D. intricatus, Shorea obtusa… ưu thế thường chỉ tập trung vào một vài loài thậm trí một số sinh cảnh chỉ có một loài ưu thế. Tầng dưới tán cũng rất thưa thớt, hầu như không hình thành tán rõ rệt. Tầng thảm  tươi và cây bụi khá phát triển, đặc biệt là vào mùa mưa do sự tái sinh mãnh liệt trở lại của các cryptophytes và mầm của các cây gỗ.

 

Ngoài kiểu thảm chính là rừng thưa lá rộng rụng lá phủ đến 94% diện tích của vườn, Yok Đôn còn có một số các kiểu thảm khác nhưng phân bố rất rải rác: rừng nửa rụng lá (thường phân bố ở ven sông) với cấu trúc gồm 3 tầng; rừng thường xanh chỉ phân bố dọc theo 2 bên ven bờ sông Sêrêpôk tạo thành các dải rất hẹp.

Một điều không thể thiếu được khi nói đến một hệ thực vật đó là giá trị của nó, thực vậy, với tổng số 227 loài cây gỗ lớn bé chủ yếu là các cây thuộc họ Dipterocarpaceae (các loại Dầu, Sao, Cà chắc…), họ Fabaceae (các loài Cẩm lai, Giáng hương trái to, Gõ mật, Gụ…), họ Combretaceae (Chiêu liêu)…

Tài nguyên cây thuốc của vườn được xác định với 116 loài. Ngoài ra vườn còn có 35 loài có thể trở thành cây cảnh và rất nhiều các loài có các tác dụng trong các lĩnh vực: đan lát, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, gia vị, cho nhưa, tinh dầu, chất độc…

 

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú như thế, Yok Đôn vẫn có nhiều loài cần được bảo vệ trước bờ thềm của sự tuyệt chủng đó là 23 loài có trong Sách đỏ Việt Nam (1996) gồm: 8 loài sẽ nguy cấp (V), 3 loài bị đe dọa (T), 7 loài hiếm (R), còn lại là các loài cần được quan tâm (chưa biết thông tin chinh xác, cấp K).

 

Những đặc trưng về động vật

Hệ sinh thái là một chuỗi logic, các thành phần hay các mắt xích của nó có quan hệ mật thiết với nhau và có tính quyết định lẫn nhau. Thực vậy, điều kiện tự nhiên khô nóng cùng với địa hình phần lớn bán bình nguyên ở đây tạo nên thảm rừng thưa cây lá rộng rụng lá, đến lượt mình, thảm lại quyết định đến cấu trúc cũng như thành phần loài của khu hệ động vật bao gồm: thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và côn trùng.

 

Trước hết nói đến khu hệ thú: với địa hình phần nhiều bằng phẳng, cấu trúc rừng chỉ có 2 tầng với sự phát triển mạnh của tầng thảm tươi, đặc biệt vào mùa mưa, thú ở Yok Đôn phần lớn là thú ăn cỏ (Thú móng guốc) với các loài thú lớn gặp ở đây như: Voi, Bò rừng, Bò tót, Bò xám, Trâu rừng, Nai, Hoẵng… đặc biệt là Nai cà tông là loài bị đe doạ trên toàn cầu và có lẽ Yok Đôn là điểm phân bố hiện tại duy nhất cuối cùng của loài ở Việt Nam. Địa hình và điều kiện khô ráo ở đây cũng là sinh cảnh ưa thích của nhiều loài thú ăn thịt như: Hổ, Beo, Báo, Gấu, Sói, Mèo… Hiện đã điều tra cho thấy Yok Đôn có khu hệ thú gồm 70 loài thuộc về 28 họ trong 11 bộ. Các đối tượng được ưu tiên bảo vệ ở đây gồm: Hổ, Bò xám, Bò rừng, Nai cà tông… với tổng số 30 loài trong danh sách được bảo vệ bởi Sách đỏ Việt Nam, IUCN, Nghị định 18/HĐBT và công ước CITES.

 

Điều kiện khô nóng cùng với lửa rừng làm cho thảm thực vật xuất hiện nhiều cây bị rỗng ruột, đây là sinh cảnh lý tưởng cho Yểng và Vẹt tới làm tổ, đồng thời nó cũng là nơi mà có rất nhiều kiến sống vì thế mà có hơn một nửa số chim Gõ kiến của Việt Nam xuất hiện ở khu vực này. Tuy nhiên, đây cũng là sinh cảnh phù hợp cho rất nhiều loài thuộc bộ gà Galliformes bởi địa hình bằng phẳng và có tầng lá rụng nhiều vào mùa khô, thảm tươi phát triển mạnh ở mùa mưa, đó là các loài: Công, Gà tiền mặt đỏ, Trĩ… Hiện đã biết ở Yok Đôn về khu hệ chim có tổng số 250 loài thuộc 66 họ, 18 bộ, trong đó có rất nhiều loài chim rất đẹp và quí, nhiều loài đang có nguy cơ đe doạ trên toàn cầu như Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaina), Công (Pavo muticus), Niệc nâu (Anorrhinus tichkelli), Diều cá (Ichthyophaga ichthyaetus) … trong đó Gà tiền mặt đỏ là đặc hữu cho Việt Nam – Campuchia. Hiện theo đánh giá của IUCN và Sách đỏ Việt Nam, Yok Đôn có 18 loài đang nằm trong danh sách này.

 

Yok Đôn là khu phân bố khá thuận lợi cho bò sát bởi chúng là các loài có đời sống phần nhiều thích hợp với môi trường khô nóng. Thật vậy, ở Yok Đôn đã thống kê được 48 loài bò sát thuộc 17 họ, 4 bộ, trong khi đó điều kiện này lại không phù hợp với các loài ếch nhái với 16 loài thuộc 4 họ, 1 bộ, đa số chúng đều phân bố xung quan các vực nước, suối và ven sông. Các loài bò sát phổ biến ở đây là các loài thằn lằn bóng, rất nhiều các loài rắn nước sống trong các sinh cảnh ven sông Sêrêpôk  và ven các con suối khác. ở đây có lẽ là điều kiện thích hợp cho sự sống của các loài Kỳ đà (như Vanarus nebulosus, V. salvator) cũng như dự đoán sự có mặt của Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis). Trong số 25 loài rắn có thể thấy ở đây đã biết có 7 loài có nọc độc trong đó rắn Hổ chúa (Ophiophagus hannah) là một loài có giá trị kinh tế lớn và cũng là một loài đặc biệt quí hiếm. Toàn khu vực hiện có 16 loài bò sát được ghi vào trong sách đỏ Việt Nam gồm: 2 loài nguy cấp (E), 9 loài sẽ nguy cấp (V) và 5 loài bị đe doạ (T).

 

Con sông Sêrêpôk với chiều dài 60km vắt ngang vườn, cùng với hệ thống rất nhiều suối nhỏ khác nó trở thành một vựa cá với trữ lượng khổng lồ. Theo những nghiên cứu bước đầu ở đây cho thấy có tổng số 92 loài cá thuộc về 14 họ, 6 bộ. Đây là nguồn tài nguyên rất quí giá và cần được xem xét, ưu tiên bảo vệ bởi hiện tại nó đang bị khai thác bằng rất nhiều hình thức khác nhau (lưới, điện…) mà chưa có sự quản lý chặt chẽ của Vườn cũng như của địa phương.

 

Côn trùng,đặc biệt là bộ cánh vảy là những chỉ thị sinh học, là tiêu chuẩn để đánh giá ĐDSH của vùng và cũng là tài nguyên vô cùng quí giá nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Hiện đã thống kê được ở Yok Đôn có 437 loài côn trùng thuộc 83 họ, 11 bộ, trong đó bộ Cánh vảy với số lượng đông nhất (241 loài, 26 họ), nếu chỉ tính riêng nhóm bướm ngày thì đã có 193 loài thuộc 11 họ. Với sự tập trung đông đúc của các loài bướm cho ta thấy được yêu cầu phải bảo vệ các sinh cảnh tự nhiên hiện tại mà chúng đang sinh sống. Điều kiện khô hạn như thế làm cho lá nhiều cây gỗ rụng xuống trong mùa khô cũng là một đặc điểm thuận lợi cho sự xuất hiện của các loài Cánh đều. Chúng phát triển và cũng tham gia làm cho nhiều thân cây trở nên rỗng tuyếch để từ đó Yểng và Vẹt tới làm tổ hay Kiến để tránh khỏi thảm hoạ của lửa rừng.

 

Kết luận:

Chính điều kiện tự nhiên khô nóng và địa hình bán bình nguyên rộng lớn trên nền địa chất bị bào mòn đã tạo ra những đặc trưng của hệ thực vật với cấu trúc thảm là rừng thưa cây lá rộng rụng lá ưu thế của cây họ Dầu (rừng khộp), thành phần loài nghèo nàn với số lượng rất ít các loài thân thảo và Dương xỉ, Hạt trần. Ngược lại, khu hệ thú trong hoàn cảnh như vậy lại trở thành thích nghi với rất nhiều các loài móng guốc (Bò rừng, Bò tót, Mang, Nai…), ăn thịt (Hổ, beo, mèo, gấu…) tạo nên một nguồn tài nguyên ĐDSH vô cùng quí giá. Đây cũng là một trong những trung tâm đa dạng nhất của Đông Dương về các loài chim với số lượng lớn các loài họ Gõ kiến và bộ Gà (Công, Trĩ, Gà tiền mặt đỏ…). Cũng như chim và thú, bò sát cũng là nhóm động vật có khả năng thích nghi với môi trường như thế này với số lượng khá đông đảo, đặc biệt là khả năng xuất hiện của các loài như Kỳ đà, Cá sấu nước ngọt… Nhiều loài thú và chim cũng như bò sát ở đây đang đặt trong tình trạng báo động toàn cầu. Trong khi đó khu hệ này có lẽ là ít thích hợp hơn đối với lưỡng cư cho nên chỉ với số lượng ít, các loài này chỉ gặp ở ven sông hay suối. Sự đa dạng của các loài côn trùng , đặc biệt là nhóm cánh vảy đã đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ sinh cảnh sống còn nguyên vẹn này.

Chúng ta cần cố gắng khắc phục các nhược điểm trong vấn đề bảo vệ rừng, hạn chế đến mức tối thiểu sự xâm nhập của các nguyên nhân làm suy thoái và tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, những đặc trưng mà chỉ vùng Yok Đôn này mới có, gìn giữ nó vì một giá trị vô giá của thiên nhiên - đa dạng sinh học.

Vũ Anh Tài, Ngô Tiến Dũng, Hồ Văn Cử

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025