Trên thế giới, Thiết sam núi đá phân bố ở vùng núi thuộc Trung và Nam Trung Quốc, còn Thiết sam giả gặp ở các vùng núi đá vôi của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Ở Việt Nam, kết quả điều tra nhiều năm cho thấy, Thiết sam giả được phân bố trên núi đá vôi của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Đây là vùng phân bố cực nam của chi Thiết sam giả ở châu Á. Trong khi đó, Thiết sam núi đá chỉ công bố phát hiện được ở một số địa điểm trên vùng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng như khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Hà Giang) và Nguyên Bình, Yên Lạc (Cao Bằng).
Vừa qua, trên các sườn và đỉnh núi đá vôi thuộc thôn Hapuda (xã Thài Phìn Tủng) có tọa độ địa lý từ 23015’538” đến 23015’544” vĩ độ Bắc và từ 105o17’216” đến 105o17’228” kinh độ Đông, ở độ cao 1.333m - 1.700m so với mực nước biển, đã phát hiện được một số cá thể Thiết sam núi đá mọc xen lẫn Thiết sam giả tạo thành một quần thể gần như thuần loại.

Thiết sam núi đá - Tsuga chinensis
ảnh theo farm3.static.flickr.com
Thiết sam núi đá có tên khoa học là Tsuga chinensis (Franch) Prit. Ex Diel thuộc họ thông (Pinaceae). Thiết sam núi đá có tán tỏa rộng hình thành từ nhiều cành dàn trải, có chiều cao tối đa tới 15 - 18m, đường kính ngang ngực 0,6 - 0,8m hoặc lớn hơn. Ở Hapuda, chúng tôi đã gặp những cây Thiết sam núi đá cao khoảng 12 - 15m, đường kính 0,4 - 0,5m.
Thiết sam giả cũng thuộc họ Thông, có tên khoa học là Pseudotsuga sinensis Dode. Thiết sam giả có hình dạng, kích thước gần giống Thiết sam núi đá, đặc biệt là lá. Nếu không có nón rất dễ nhầm với Thiết sam núi đá. Điều này lý giải tại sao ở Hapuda, Thiết sam giả và Thiết sam núi đá đều được người dân gọi là “xuất chày” (tiếng Mông).

Thiết sam giả - Pseudotsuga sinensis
Hình theo conifers.org
Thiết sam giả và Thiết sam núi đá cho gỗ tốt, không bị mối mọt, được dùng làm nhà và đồ gia dụng. Một số người dân địa phương (như ở Bắc Sơn) sử dụng vỏ và lá cây Thiết sam giả làm thuốc bôi chữa muỗi cắn, trị phong thấp. Cho đến nay, ở xã Thài Phìn Tủng có đến 8 loài quý hiếm được phát hiện, trong đó có 7 loài thuộc nhóm Thông, là nhóm thực vật tự nhiên được đánh giá là có giá trị kinh tế và sinh thái đặc biệt cao. Việt Nam được xếp vào một trong 10 điểm nóng nhất thế giới về bảo tồn Thông, theo như kế hoạch bảo tồn Thông của IUCN. Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” do Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP- GEF/SGP) thực hiện mới chỉ bảo tồn được 4 loài thuộc nhóm Thông (Thông tre lá ngắn, Hoàng đàn rủ, Thông đỏ và Dẻ tùng sọc nâu). Việc mới phát hiện thêm 2 loài thuộc họ Thông (Thiết sam núi đá và Thiết sam giả) một lần nữa khẳng định, xã Thài Phìn Tủng hiện nay đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc biệt là các loài thuộc nhóm Thông, chiếm tới 21% tổng số loài Thông của cả nước.
Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là giới thiệu, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác Thiết sam núi đá và Thiết sam giả. Tiếp đến, trên cơ sở nhân giống thành công 4 loài của dự án, triển khai mở rộng nhân giống Thiết sam núi đá, Thiết sam giả và Đỉnh tùng. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như các tổ chức quốc tế và đặc biệt là của người dân.
Lê Trần Chấn
Viện Địa lý - VAST
Trần Ngọc Ninh
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - VAST