Cùng tham gia nghiên cứu, về phía Việt Nam có các cán bộ thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường; trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội; Viện Địa lý; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia).
Tiến sỹ Tery Rambo, nghiên cứu viên chính của Trung tâm Đông Tây (Ha Oai - Mỹ) được mời làm cố vấn kỹ thuật.
Sau gần hai tuần điều tra, nghiên cứu khảo sát thực địa, đoàn đã thu được một số kết quả, trong đó có việc thu thập được tiêu bản của 7 loại thực vật hạt trần.
Hiện nay, mới xác định được tên khoa học của 5 loài. Điều hết sức lý thú là trong 5 loài này, có đến 4 loài là quý, hiếm, được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật). Dưới đây là danh sách 4 loài thực vật Hạt trần quý, hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở Thài Phìn Tủng.

|
Dẻ tùng sọc nâu - Amentotaxus hatuyenensis ảnh theo vncreatures.net |

|
Thông đỏ trung hoa - Taxus chinensis ảnh theo cirrusimage.com |

|
Hoàng đàn rủ - Cupressus funebris ảnh theo semesesdupuy.com |

|
Thông tre lá ngắn - Podocarpus pilgeri ảnh theo conifers.org |
1. Amentotaxus hatuyenensis N.T.Hiep et J.E Vidal.
Tên Việt Nam: Dẻ tùng sọc nâu
Thuộc họ Sam hạt đỏ -Taxaceae.
Số hiệu mẫu là No 6ĐV.
Ngày thu mẫu: 9-3-1999.
Địa điểm thu mẫu: đỉnh núi đá vôi tại thôn Hapuda (xã Thài Phìn Tủng) ở độ cao khoảng 1200m.
Tại địa điểm thu mẫu, cây có chiều cao khoảng 5m, đường kính 15cm, chỉ có 3 cá thể mọc cách xa nhau. Dẻ tùng sọc nâu phân biệt với 3 loài khác có ở Việt Nam ở chỗ dải túi khí có màu nâu hoặc nâu hung, rộng gấp 2-3 lần dải màu lục ở mép lá. Lá thẳng, dài 6cm, rộng 0,9cm
Dẻ tùng sọc nâu là loài đặc hữu rất đẹp của Việt Nam, trước đây mới chỉ biết ở điểm lấy mẫu chuẩn là Lũng Cú (Phó Bảng, Hà Giang). Thài Phìn Tủng (Đồng Văn, Hà Giang) là địa điểm thứ hai trong cả nước phát hiện được loài này. Là loài gen hiếm được xếp trong Sách Đỏ Việt Nam ở cấp R: hiếm (có thể sẽ nguy cấp).
Người dân địa phương cho biết, trước năm 1979 Dẻ tùng sọc nâu phân bố tương đối nhiều trên đỉnh núi đá vôi ở Thài Phìn Tủng. Sau năm 1979, do bị khai thác quá mức, hiện chỉ còn số lượng cá thể rất ít. Cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.
2. Taxus chinensis (Pilg.) Rehder.
Tên Việt Nam: Thông đỏ trung hoa
Thuộc họ Sam hạt đỏ - Taxaceae.
Số hiệu mẫu là No 3ĐV.
Ngày thu mẫu: 9-3-1999.
Địa điểm thu mẫu: tại thôn Hapuda, trên đỉnh núi đá vôi ở độ cao khoảng 1500m.
Tại địa điểm lấy mẫu, cây có chiều cao khoảng 4m, đường kính thân cây 25cm. Có một số cá thể mọc gần như thuần loại. Thân có vỏ màu nâu sẫm, nứt dọc. Lá mọc xoắn ốc, do gốc vặn nên xếp thành 2 dãy hình dải hơi cong dài 1,5cm, rộng 2mm. Nón mọc đơn độc ở nách lá. Cây có cành nhánh rậm rạp.
Thông đỏ Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện được ở Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), sau đó gặp ở Phan-xi-păng (ở độ cao 2000m, trên đường lên đỉnh Phan-xi-păng). Thài Phìn Tủng là địa điểm thứ ba của cả nước phát hiện được loài này.
Hiện nay Taxus chinensis đang được nhân giống nhằm nghiên cứu để chiết xuất thuốc baccatum làm thuốc chữa ung thư vú. Loài này được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, xếp ở cấp R, Cần được quan tâm bảo vệ.
3. Cupressus funebris Endl.
Tên Việt Nam: Hoàng đàn rủ
Thuộc họ Hoàng đàn - Cupressaceae.
Số hiệu mẫu là No 04ĐV.
Ngày thu mẫu: 9-3-1999.
Địa điểm thu mẫu: tại thôn Hapuda, trên sườn núi đá vôi ở độ cao khoảng 800m.
Chỉ có loại cá thể mọc xen với cây gỗ nhỏ, lá rộng, thường xanh. Cây cao khoảng 8m, đường kính 20cm, tán hình tháp, vỏ thân màu đỏ nâu, nhẵn. Cành mọc đứng, đầu rủ xuống. Cành nhỏ, lá hình vảy, màu lục lam, xếp thành 4 dãy. Hai dãy lưng bụng hình vảy dẹt., hai dãy lá bên hình thuyền có đầu nhọn.
Ở nước ta mới chỉ có 2 địa điểm phát hiện được loài này là Thi Lăng, Sông Hóa (Lạng Sơn) và Thái Phìn Tủng, Đồng Văn (Hà Giang).
Hoàng đàn rủ gỗ cứng, mịn, màu vàng nhạt, được dùng đóng đồ dùng gia đình như bàn, gương…
Người dân địa phương cho biết ở Thài Phìn Tủng chỉ còn vài ba cá thể, Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật) xếp ở cấp R, loài hiếm, có thể bị đe dọa tuyệt chủng vì bị chặt lấy gỗ thay Hoàng đàn (Cupressus torulosa) để làm bột hương. Cây có dáng đẹp, có thể trồng làm cảnh ở vùng núi có điều kiện sinh thái thích hợp. Cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
4. Podocarpus aff. pilgeri Foxw.
Tên Việt Nam: Thông tre lá ngắn
Thuộc họ Kim giao - Podocarpaceae.
Số hiệu mẫu là No 07ĐV.
Ngày thu mẫu: 10-3-1999.
Địa điểm thu mẫu: đỉnh núi đá vôi Thài Phìn Tủng ở độ cao khoảng 1200m.
Mọc xen lẫn trong rừng đang phục hồi. Cây cao khoảng 4m, đường kính 10cm. Tại địa điểm lấy mẫu có 4-5 cây con. Lá mọc cách, thường chụm ở đầu cành, hình bầu dục - mác dài 5-6cm, rộng 0,5 - 1,2cm, mép nguyên, đầu tù. So với mẫu chuẩn lá hơi dài hơn. Gỗ có màu nâu đỏ, thớ thẳng, mịn, vòng sinh trưởng có vân hoa khá đẹp.
Loài hiếm, được xếp ở cấp R, cần được bảo vệ trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ngoài Thài Phìn Tủng (Đồng Văn), còn gặp ở Pà Cò (Hòa Bình), Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng với số lượng cá thể ít.
Lê Trần Chấn
Viện Địa lý - VAST
Nguyễn Tiến Hiệp
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - VAST
Đào Minh Trường, Lê Trọng Hải, Lê Đồng Tâm