Thông tin chung
Tên thường gọi: Rau sam
Tên khác: Mã xì hiện, Sam
Tên tiếng Anh: Purslain
Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
Thuộc họ Rau sam - Portulacaceae.
Mô tả
Cây thảo mọc bò có thân mập màu đỏ tím nhạt. Lá dày lông, hình bầu dục, không cuống, giống hình răng con ngựa. Hoa màu vàng, mọc ở đầu cành và ngọn thân. Quả nang, hình cầu, mở bằng một nắp (quả hộp) chứa nhiều hạt đen bóng.

Rau sam - Portulaca oleracea
ảnh theo upload.wikimedia.org
Bộ phận dùng
Phần cây trên mặt đất - Herba Portulacae Oleraceae, thường có tên là Mã xì hiện.
Nơi sống và thu hái
Loài toàn thế giới, mọc hoang và cũng được trồng ở nơi ẩm mát. Thu hái cây vào mùa hè, mùa đông. Thường dùng tươi.
Thành phần hoá học
Trong cây có glycosid saponin, chất nhựa, acid hữu cơ, các muối kali, các vitamin A, B1, B2, C, PP và men ureaze.
Rau sam là loại rau giàu chất dinh dưỡng, chất lượng thay đổi tùy nơi mọc và mùa thu hái. Trong 100g rau sam có 1,4g đạm, 3g đường, 100mg chất béo, 700mg chất xơ, 85g canxi, 56mg photpho, 1,5mg sắt, 68mg magiê, 494mg kali, 1.920 UI caroten... và một số vitamin B1, B2, PP, C, E. Các axit béo đặc biệt là omega 3 với tỷ lệ cao nhất so với các thực vật khác. Các axit hữu cơ như axit glutamic, axit nicotinic, axit malic... Còn chứa các chất noradrenalin, dopamin, flavonoid.
Tính vị, tác dụng
Vị chua, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, trừ giun và hoạt trường. Rau sam có tác dụng làm co mạch, ức chế vi trùng lỵ, thương hàn, vi trùng gây bệnh ngoài da và bệnh ho lao.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường được dùng trị: 1. Lỵ vi khuẩn, viêm dạ dày và ruột cấp tính, viêm bàng quang; 2. Viêm ruột thừa cấp tính; 3. Viêm vú, trĩ xuất huyết, ho ra máu, đái ra máu; 4. Ký sinh trùng đường ruột (giun kim, giun đũa); 5. Sỏi niệu, giảm niệu; 6. Bạch đới. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài trị đinh nhọt sưng đau, ezema và lở ngứa, trẻ em lên đậu, chốc đầu.
Rau sam có tác dụng kháng khuẩn: Nước cốt và nước sắc trị khuẩn shigella gây lỵ trực khuẩn nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó bị kháng lại, trị khuẩn salmonella typhi gây bệnh thương hàn, trị tụ cầu gây nhọt ngoài da...; diệt nấm, diệt ký sinh trùng đường ruột: giun móc, giun kim, giun đũa. Đối với giun móc, thử trên hàng trăm bệnh nhân, sau 1 tháng phân của 80% bệnh nhân hết trứng giun móc. Với giun kim, giun đũa sau khi ăn 200g rau sam tươi (nhai kỹ) có kết quả tẩy rất tốt. Ăn được vài ngày liên tục kết quả càng cao. Đối với lỵ trực trùng, rau sam đã chứng tỏ có hiệu quả cao trên phòng và chữa bệnh.
Rau sam làm vững chắc thành mạch chống chảy máu, giãn cơ bộ máy tiết niệu làm lợi tiểu (cùng tác dụng của kali) chống cơn co thắt gây đau đớn, chú ý rau sam gây co bóp tử cung nên không được dùng nước ép rau sam cho người có thai.
- Tác dụng trên xương khớp để chống viêm, cộng thêm tác dụng lợi tiểu nên có thể áp dụng cả trên bệnh thống phong (gút).
- Rau sam chứa nhiều vitamin A, C, E tất yếu có tác dụng khử gốc tự do, chống ôxy hóa chống lão hóa, chống ung thư, nhưng chỉ mới thấy ghi nhận có tên gọi của rau sam là Trường thọ thái trong Đông y.
Theo Đông y, rau sam vị chua tính lạnh, vào kinh tâm và đại tràng. Có tài liệu ghi vào can và đại tràng. Không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi tiểu, giảm đau.
Trong danh mục những cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới ghi rau sam dùng chữa thấp khớp, phụ khoa, giảm đau, lợi tiểu, trợ tim, hạ sốt cao, trị giun kim, kích thích tiết mật, hạ đường huyết, làm thuốc bổ dưỡng. Dùng ngoài chữa chàm, mụn nhọt lở loét...
Để làm thuốc, chọn loại đỏ, to, lấy toàn cây (bỏ rễ) dạng tươi, hoặc khô. Sau đây là một số bài thuốc có rau sam để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.