Thông tin chung
Tên thường gọi: Bách nhật
Tên khác: Cúc bách nhật, Nở ngày, Bông nở ngày
Tên tiếng Anh: globe amaranth
Tên khoa học Gomphrena globosa L.
Thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae

Cúc bách nhật - Gomphrena globosa
ảnh theo farm1.static.flickr.com
Mô tả
Cây thảo mộc hàng năm cao 30-80cm, có lông. Lá mọc đối, mặt dưới phủ lông mềm màu trắng nhạt. Hoa họp thành đầu, màu đỏ tía, có hai lá ở gốc; trục cụm hoa có lông nhung. Lá bắc hình thuôn nhọn, khô xác; lá bắc con ôm lấy hoa. Đài 5 dính thành ống. Nhị 5. Bầu hình trứng với hai đầu nhuỵ hình chỉ. Quả là một túi có vỏ mỏng như màng. Hạt hình trứng màu nâu đỏ, bóng loáng.
Mùa hoa tháng 7-10.
Bộ phận dùng:
Hoa - Flos Gomphreae, thường gọi là Thiên nhất hồng. Cũng như toàn cây.
Nơi sống và thu hái
Cây gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được trồng chủ yếu làm cảnh. Có thể thu hái hoa vào mùa hè thu khi hoa nở, dùng tươi hay phơi khô. Cây có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hoá học
Trong cụm hoa có gomphrenin 1. II.III.V.VI. Còn có amarathin và isoamaranthin.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, hơi chát, tính bình; có tác dụng khử đàm, tiêu viêm, bình suyễn, chống ho.
Theo y thư cổ, hoa cúc bách nhật vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh can tán kết (làm mát tạng can và làm mất hiện tượng kết tụ), minh mục (làm sáng mắt), chỉ khái định suyễn (làm ngừng ho hen); thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu phong (đau đầu do phong hỏa, khi đau khi không, có sự xúc động thì đau), mục thống (đau mắt), khí suyễn khái thấu (ho hen), lỵ tật (bệnh kiết lỵ), bách nhật khái (ho gà), tiểu nhi kinh phong (trẻ em co giật), loa lịch (lao hạch), sang dương (lở loét)...
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng trị: 1. Hen phế quản, viêm khí quản cấp và mạn; 2. Ho gà, lao phổi và ho ra máu; 3. Ðau mắt, đau đầu; 4. Sốt trẻ em, khóc thét về đêm; 5. Lỵ. Liều dùng 9-15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị chấn thương bầm dập, bệnh ngoài da, nghiền cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.
Ở Campuchia, người ta dùng trị thấp khớp, đau nhức mình sau khi sinh.
Ðơn thuốc
Hen phế quản: Cụm hoa Cúc bách nhật 6g, Tỳ bà diệp 6g, Bảy lá một hoa 6g. Nhót 10 g sắc uống, chia hai lần uống cách xa nhau. Các thành phần trên có thể nghiền thành bột, mỗi lần dùng 1,5-3g, 2 hay 3 lần trong ngày.
Hen và viêm phế quản:
(1) cụm hoa cúc bách nhật tươi hoặc 15-20g hoa khô sắc uống ngày 1 thang.
(2) Hoa cúc bách nhật trắng 20 bông, tỳ bà diệp 5 cái, sắc uống ngày 1 thang.
(3) Hoa cúc bách nhật 30g, kim tiền thảo 30g, sắc uống ngày 1 thang.
(4) Hoa cúc bách nhật 6g, rễ cúc bách nhật 9g, sắc uống ngày 1 thang.
(5) Hoa cúc bách nhật 15g, nga bất thực thảo 30g, cam thảo dây 30g, sắc uống ngày 1 thang.
(6) Hoa cúc bách nhật 10g, địa long 10g, tỳ bà diệp 10g, ma hoàng sao 6g, hạnh nhân 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em khóc thét về đêm: Cụm hoa Cúc bách nhật 5g, Xác ve sầu 3g, Cúc hoa 2g, sắc nước cho uống.
Đau đầu do phong hỏa:
(1) Hoa cúc bách nhật 9g, mã tiên thảo 12g, sắc uống.
(2) Hoa cúc bách nhật 6g, câu đằng 6g, cương tàm 6g, cúc hoa 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Tăng huyết áp: Hoa cúc bách nhật 15g, hạ khô thảo 30g, cúc hoa 15g, sắc uống hằng ngày.
Hội chứng tiền đình: Hoa cúc bách nhật 15g, cúc hoa 15g, mạch môn 10g, thạch hộc 10g, tang diệp 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Ho do ngoại cảm phong nhiệt: Hoa cúc bách nhật 20g, tỳ bà diệp 30g, bạc hà 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Ho gà:
(1) Hoa cúc bách nhật 19g, nga bất thực thảo 15g, sắc kỹ lấy nước hòa thêm một chút đường phèn uống ngày 1 thang.
(2) Hoa cúc bách nhật 10g, bách bộ sao 15g, bối mẫu 6g, bạch cương tàm 10g, câu đằng 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Giảm thị lực: Hoa cúc bách nhật 10g, hạn liên thảo 10g, chử thực tử 10g, cam thảo 15g, sắc uống ngày 1 thang.
Kiết lỵ:
(1) Hoa cúc bách nhật 10 cụm sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút rượu vàng uống trong ngày.
(2) Hoa cúc bách nhật 15g, tần bì 15g, bạch thược 20g, mộc hương 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Viêm đại tràng mạn tính thể lỏng: Hoa cúc bách nhật 15g, câu cốt diệp 30g, hoàng kinh tử 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Đau mắt đỏ: Hoa cúc bách nhật 10g, cúc hoa 15g, tang diệp 15g, sắc uống thay trà trong ngày.
Tiểu tiện bất lợi: Hoa cúc bách nhật 9g sắc uống hằng ngày.
Trẻ em khóc dạ đề: Hoa cúc bách nhật tươi 5 cụm, thuyền thoái 3 cái, cúc hoa 3g, sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em trướng bụng:
(1) Hoa cúc bách nhật khô 6-9g sắc uống ngày 1 thang.
(2) Hoa cúc bách nhật 5g, lai phục tử 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em kinh phong:
(1) Hoa cúc bách nhật 10 cái, con cào cào khô 7 con, sắc uống ngày 1 thang.
(2) Hoa cúc bách nhật 6g sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em đi lỏng: Hoa cúc bách nhật 6g, bạch truật 12g, cát căn sao 12g, bạch linh 12g, xa tiền tử 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Viêm loét da: Hoa cúc bách nhật 15-30g, sắc uống hoặc nấu nước rửa hằng ngày.
Một công trình nghiên cứu của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã dùng dịch 100% và 200% tiêm bắp thịt chế từ cúc bách nhật để điều trị viêm phế quản mạn tính cho thấy: trên 120 bệnh nhân được tiêm dịch 200% mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 2ml, 10 ngày là một liệu trình, sau 5 liệu trình đạt hiệu quả 93,3%; trên 125 bệnh nhân được tiêm dịch 100%, sau 4 liệu trình đạt hiệu quả 73,6%. Có tác giả còn dùng dịch tiêm cúc bách nhật 30% để thủy châm vào các huyệt vị châm cứu như phế du, định suyễn, thiên đột, phong long, đản trung, mỗi huyệt tiêm 0,3ml để điều trị 40 ca hen phế quản và viêm phế quản thể hen, đạt hiệu quả 70%. Cũng có tác giả dùng dưới dạng viên nén cúc bách nhật (mỗi viên tương đương với 3,2g dược liệu sống), mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 viên, 10 ngày là một liệu trình, dùng liên tục 2 liệu trình, điều trị 500 bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, đạt hiệu quả 77,1% và điều trị 174 bệnh nhân hen phế quản, đạt hiệu quả 81,8%.
Nguồn: Y học Cổ truyền Tuệ tính - Irc-hueuni.edu.vn, Sức khỏe và đời sống - suckhoedoisong.com