Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ rau an toàn

Cập nhật ngày 8/12/2008 lúc 1:34:00 PM. Số lượt đọc: 347.

Nhằm thực hiện mục tiêu xuất khẩu rau vào năm 2010, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác đầu tư giống mới, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho nông dân. Nhờ đó, một số sản phẩm rau đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường. Một trong những đơn vị làm nên thành công này là Ban quản lý Đề án bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho nông dân

Đa dạng chủng loại

Theo thống kê, Vĩnh Phúc có khoảng 8.500ha rau các loại, sản lượng 144.000 tấn/năm với nhiều chủng loại phong phú như cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua, đậu đỗ...; tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường, TP. Vĩnh Yên... Trong đó, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu như rau an toàn Sông Phan, su su an toàn Tam Đảo. Tại các vùng sản xuất tập trung, bà con được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật theo quy trình nghiêm ngặt, nhờ đó mỗi năm Vĩnh Phúc sản xuất và tiêu thụ trên 50.000 tấn rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ có thương hiệu, su su Tam Đảo "hút" khách hơn, giá bán cao gấp 2-3 lần

Cùng với việc mở rộng diện tích rau, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng vụ, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã nghiên cứu, chọn lọc 4 giống bắp cải tím của Nhật Bản, 3 giống cà chua Pháp, 2 giống cà tím và bí xanh Thái Lan, 2 giống đậu Hà Lan... vào sản xuất. Các giống này đều có giá trị kinh tế cao, dự kiến sẽ giữ vai trò chủ lực trong chương trình xuất khẩu rau quả của tỉnh. ưu điểm của các giống rau này là thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, chất lượng, mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Để sản xuất các giống rau cao cấp, người trồng phải đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, công nghệ phun tưới nước tự động. Nhờ có thương hiệu nên việc tiêu thụ rau trở nên dễ dàng hơn, nhiều thương lái tìm đến tận nơi đặt hàng.

Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản rau, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người trồng, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Anh Nguyễn Văn Lai ở xã Thổ Tang (Vĩnh Tường) cho biết, với 5 sào rau (1 sào Bắc Bộ = 360m2), trồng đủ các chủng loại, gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Tăng cường công tác tập huấn

Theo ông Đường Văn Toán, Trưởng ban quản lý Đề án bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho nông dân, ngoài việc quy hoạch các vùng trồng rau, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ nông dân xây dựng và quảng bá thương hiệu, Đề án còn trang bị, phổ biến kiến thức trồng rau an toàn cho bà con thông qua các khoá đào tạo, tập huấn. Nhờ đó, rau an toàn Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường. Chị Nguyễn Như Lan ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) cho biết: “Tham gia các khoá đào tạo của Ban quản lý Đề án, chúng tôi không chỉ được tập huấn phương pháp, quy trình sản xuất rau an toàn mà còn trở thành những nhà “quản lý” khi tham gia công tác kiểm tra lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Từ khi xây dựng được thương hiệu, su su Tam Đảo “hút” khách hơn, giá bán cao gấp 2 – 3 lần so với bình thường”. Đến nay, một số loại rau của Vĩnh Phúc đã có mã vạch EAN 13 do Tổng cục Đo lường chất lượng cấp. Vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tham gia đoàn khảo sát thị trường tiêu thụ rau an toàn tại Singapore nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá rau an toàn Vĩnh Phúc ra nước ngoài. “Hiện, chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nông dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất an toàn. Có như vậy, mục tiêu xuất khẩu rau vào năm 2010 mới trở thành hiện thực” - ông Toán nói.

Quang Tuấn

(theo kinhtenongthon.com.vn)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024