Hằng năm, đến giáp tết, từ ngọn đót phụt ra một cái bông dài, gọi là bông đót. Từ mùng 10 tháng Giêng âm lịch, bà con ở các xã đồng bằng lên đây bứt đót rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi đót. Mùa bứt đót kéo dài hết tháng Giêng.
Công đoạn bứt đót khá vất vả, nhiều trường hợp đối mặt với hiểm nguy. Đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao, muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, đồng thời một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau.
Lúc này trời bắt đầu nắng gắt, mồ hôi túa ra như tắm, nhiều người ra mồ hôi muối trắng phau cả lưng áo. Đã thế, khi bứt đót già, những “phấn hoa” bay bu bám vào người, gây ra ngứa xót. Đó là chưa kể lũ côn trùng như ong vò vẽ, ve… bu bám, cắn ngứa, nhức vô cùng. Có nhiều trường hợp cũng bị té, ngã…Người sức khoẻ yếu, không đi bứt đót được, có đi cũng không đạt ngày công. Thông thường, bông đót loại 1 có giá cao hơn, vì khi vừa trổ bông đót dai nên rất bền. Gần cuối tháng Giêng, bông đót bắt đầu già (loại 2) và chất lượng cũng kém hơn.
Bù lại những vất vả, thu nhập từ bứt đót cũng khá. Anh Hứa Văn Hai, 43 tuổi ở huyện Đại Lộc đang bứt đót dưới dốc Kiền cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi bứt được khoảng 50 kg, nếu cân tươi thì 2.500đ /kg cho loại bông đót mới trổ và 2.000đ/ kg cho loại đốt già. Còn phơi khô, bạn hàng thu mua với giá 8.000đ/kg. Mỗi ngày sau khi trừ ăn uống, bình quân thu nhập khoảng 80.000 – 100.000đ/ngày/ người…”.
Mỗi năm, người ta khai thác từ khu vực này khoảng vài trăm tấn đót tươi. Sản phẩm chổi đót đã có mặt trong và ngoài nước, nhất là Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc…Ở xã Hoà Phú, nhiều hộ bện chổi đót có “thương hiệu”, mang lại thu nhập khá.