Mở đầu
Hiện nay, đa dạng sinh học nói chung và đa dạng thực vật nói riêng đang được rất nhiều nhà khoa học sinh học quan tâm đến trong những năm gần đây. Con người sống được là nhờ vào sự đa dạng sinh vật, chúng là nguồn cung cấp thức ăn, nguồn nước uống, không khí trong lành. Đa dạng sinh học đã cung cấp dược liệu trị bệnh cho con người và cung cấp các nguyên liệu khác cho công nghiệp khác. Đa dạng sinh học tạo ra cái đẹp của thiên nhiên, cái cảm hứng cho con người, chúng rất quan trọng đã định rõ tính nhân văn và làm giàu thêm đời sống tinh thần của chúng ta.
Đa dạng sinh học đang bị suy thoái nghiêm trọng do chiến tranh, du canh, du cư, khai thác không hợp lý làm thất thoát nặng nề các nguồn tài nguyên thực vật, kéo theo sự mất cân bằng về sinh thái.
Kết quả nghiên cứu
Đa dạng về phân loại trong các ngành
Hệ thực vật khu vực Cát Lộc có 5 ngành thực vật có mạch với tổng số 774 loài, 510 chi, 151 họ. Các loài, chi và họ phân bố không đồng đều trong các ngành (xem bảng 1).
Qua bảng 1, sơ đồ 1 chúng ta thấy phần lớn các taxon tập trung trong ngành Magnoliophyta với 124 họ chiếm 82,12%, 464 chi chiếm 90,98% và 692 loài chiếm 89,41% so với tổng số họ, chi, loài của hệ thực vật, tiếp đến là ngành Polypodiophyta 21 họ chiếm 13,91%, 39 chi chiếm 7,65% và 72 loài chiếm 9,30%. Các ngành còn lại (Psilotophyta, Lycopodiophyta, Pinophyta) chiếm tỉ lệ không đáng kể, tổng số họ, chi và loài của các ngành này chỉ chiếm tương ứng là 3,97%; 1,37%, 1,29% tổng số họ, chi và loài của toàn hệ thực vật Cát Lộc.
Việc so sánh cấu trúc thành phần loài của một hệ thực vật thành viên trong tổng thể hệ thực vật Việt Nam sẽ cho ta thấy được vai trò của hệ thực vật đó. Thực vậy, khi so sánh với hệ thực vật Việt Nam ta thấy rằng không có sự thay đổi lớn về tỷ lệ % số loài trong các ngành mặc dù Cát Lộc không có ngành Equisetophyta nhưng đó là một ngành có số lượng rất ít và phân bố không rộng rãi trên toàn diện tích tự nhiên của cả nước. Điều chú ý ở đây không phải là sự thấp hơn một chút về tỷ lệ của ngành Mộc lan - Magnoliophyta của Cát Lộc so với Việt Nam mà là sự cao hơn hẳn về tỷ lệ của ngành Dương xỉ - Polypodiophyta, điều này cho thấy Cát Lộc là một trong những nơi rất giàu loài Dương xỉ, đây là những dấu hiệu chỉ ra khu vực có điều kiện môi trường ẩm, thuận lợi, cho việc phát triển của một hệ thực vật nhiệt đới. Nếu so sánh về diện tích, Cát Lộc chỉ chiếm 0,093% tổng diện tích lãnh thổ Việt Nam, khu vực này đã đóng góp tới 7,3% tổng số loài hiện biết ở Việt Nam.
Để thấy rõ hơn sự đa dạng trong các taxon thực vật, chúng tôi tiến hành khảo sát sâu hơn ngành Hạt kín (Magnoliophyta), trong ngành này có hai lớp: Lớp Mộc lan (Magnoliopsida) và lớp Loa kèn (Liliopsida) (Xem bảng 3).
Qua bảng 3 chúng ta thấy Magnoliopsida với 98 họ chiếm 64,9%, 349 chi chiếm 68,43% và 523 loài chiếm 67,57% của hệ. Trong đó Liliopsida có 26 họ chiếm 17,22%, 115 chi chiếm 22,55% và 169 loài chiếm 21,83% của hệ. Như vậy số lượng taxon của Magnoliopsida chiếm ưu thế tuyệt đối so với số họ, chi, và loài của ngành. Tỷ lệ số loài của hai lớp là 3,09/1 tức là cứ 3,09 loài thuộc lớp Mộc lan mới có một loài thuộc lớp Loa kèn.
So sánh với các khu hệ thực vật khác thấy rằng tỷ lệ này ở Cát Lộc thấp hơn cả: Pù Mát: 5,22/1, Sa Pa - PSP: 4,23/1 Cúc Phương: 3,29/1, Bạch Mã: 3,11/1.
Qua bảng 4 chúng ta thấy Magnoliopsida ở hệ thực vật Cát Lộc tương tự như Bạch Mã và Sa Pa – Phan Si Pan, thấp hơn các hệ thực vật còn lại là Cúc Phương và Pù Mát. Ngược lại, Liliopsida của hệ thực vật Cát Lộc cũng như của Bạch Mã, Sa Pa – Phan Si Pan cao hơn so với tất cả các hệ thực vật còn lại.
Tính đa dạng còn thể hiện ở các chỉ số khác, chúng tôi còn phân tích các chỉ số của các taxon hệ thực vật Cát Lộc đã chỉ ra như sau: chỉ số họ là 5,13 (trung bình mỗi họ có 5,13 loài), chỉ số chi là 1,52 (trung bình mỗi chi có 1,52 loài) và trung bình mỗi họ có 3,38 chi, tổng chỉ số là 10,02. So sánh các chỉ số đó với các hệ thực vật khác ở bảng 6, chúng ta thấy rằng chỉ số của hệ thực vật Cát Lộc thấp hơn tất cả các hệ thực vật khác ở cả ba bậc phân loại họ, chi và loài. Điều đó cho thấy mức độ đa dạng về thành phần loài của hệ thực vật khu bảo tồn Cát Lộc thấp hơn so với các hệ thực vật Bạch Mã, Pù Mát, Cúc Phương và Sa Pa - Phan Si Pan.
Đa dạng về phân loại các taxon dưới ngành
Để đánh giá mức độ đa dạng của họ, qua bảng danh lục chúng tôi đã thống kê được những họ nhiều loài và nhiều chi nhất (Bảng 6).
Qua bảng 6 chúng ta thống kê được 10 họ từ 13 loài trở lên, chiếm 28,43% tổng chi và 32,56% tổng số loài của toàn hệ, trong đó, họ đa dạng nhất là Poaceae (họ Hoà Thảo): 42 chi, 60 loài; Fabaceae (họ Đậu): 15 chi, 33 loài; Rubiaceae (họ Cà phê): 21 chi, 31 loài; Euphorbiaceae (họ Thầu dầu): 13 chi, 30 loài… như vậy hầu hết các loài đa dạng của hệ thực vật Cát Lộc đều là những họ giàu loài trong hệ thực vật Việt Nam. tuy nhiên chúng ta lại không tìm thấy đại diện của một họ rất đặc trưng cho hệ thực vật nhiệt đới là Orchidaceae trong số các họ đa dạng nhất này, điều đó phần nào cho ta thấy Cát Lộc không phải là nơi có mức độ đa dạng cao, nghèo nàn về sinh cảnh, không thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của Phong lan. Điều đó cũng có thể giải thích điều kiện ẩm ở Cát Lộc kém hơn nhiều so với các nơi khác.
Đề cập đến các chi đa dạng là nói đến tính giàu loài của nó, qua bảng danh lục chúng tôi đã thống kê được những chi có nhiều loài nhất như sau (Bảng 7).
Từ bảng 7 cho chúng ta thấy hệ thực vật Cát Lộc có rất ít các chi giàu loài, chỉ thống kê được 8 trên tổng số 510 chi của toàn hệ với số loài từ 5 đến 10, chiếm tổng số 7,6% tổng số loài của cả hệ, trong đó có một chi thuộc ngành Dương xỉ, điều này một lần nữa khẳng định Cát Lộc là nơi có độ đa dạng cao của Dương xỉ. Các chi đa dạng nhất của hệ thực vật Cát Lộc là: Ficus (Moraceae): 10 loài; Calamus (Arecaceae): 8 loài; Cyperus (Cyperaceae): 8 loài; Lithocarpus (Fagaceae): 8 loài…
Như nhận xét ở trên, Cát Lộc có tỷ trọng Magnoliopsida/Liliopsida thấp, điều này một lần nữa được thể hiện qua các taxon dưới ngành đa dạng nhất, ở bậc họ, có 3 trong số 10 họ thuộc về Liliopsida, chiếm 102 trên tổng số 256 loài của 10 họ đa dạng nhất; ở bậc chi, có 2 trên tổng số 7 chi của ngành Mộc lan, chiếm 16 loài trên tổng số 53 loài đa dạng nhất của ngành này.
Kết luận
Hệ thực vật khu vực Cát Lộc có tổng số loài là 774, số chi là 510, thuộc về 142 họ của 5 ngành thực vật có mạch là Psilotophyta, Lycopodiophyta, Polypodiophyta, Pinophyta và Magnoliophyta, trong đó chủ yếu là Magnoliophyta với 89,41% về số loài, 90,98% về số chi và 82,12% về số họ; tiếp theo là Polypodiophyta với % số họ, chi và loài lần lượt là 13,91 - 7,65 - 9,3. Cát Lộc có tỷ lệ của Polypodiophyta là khá cao cho thấy đây là nơi có môi trường ẩm phù hợp với các loài Dương xỉ.
Tỷ lệ Magnoliopsida và Liliopsida ở ba bậc họ, chi và loài lần lượt là 3,77; 3,03 và 3,09. Hệ thực vật Cát Lộc có chỉ số đa dạng họ, chi là: 5,13 và 1,52.
Các họ đa dạng nhất gồm: Poaceae, Fabaceae, Rubiaceae, Euphorbiaceae, Arecaceae, Cyperaceae, Moraceae, Asteraceae, Melastomataceae, Annonaceae.
Các chi đa dạng nhất gồm: Ficus, Calamus, Cyperus, Lithocarpus, Dalbergia, Desmodium, Lagerstroemia, Lindsea.
Tài liệu tham khảo chính
- Avenrianov L. V., 1994. Identification on Orchidaceae of Viet Nam. Saint Peterburg.
- Aubréville A., M. L. Tardieu - Blot, J. E. Vidal et Ph. Mora (Reds.), 1960 - 1996. Flore du Cambodge, du Laos et du Vietnam, fasc, 1-29. Paris.
- Brummitt R.K, 1992. Vascular Plant Families and Genera. Kew. Royal Botanic Gardens.
- Brummitt R.K., C. E. Powell, 1992. Authors of Plant Names. Royal Botanic Gardens. Kew.
- Lecomte. H., 1907 - 1951. Flore générale de l’ Indo-chine, 7 tomes. Paris.
- Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời, 1998. Đa dạng thực vật có mạch vùng núi cao Sa Pa - Phan Si Pan. Nhà xuất bản ĐHQGHN, Hà Nội.
- Phạm Hoàng Hộ, 1991 - 1993. Cây cỏ Việt Nam, 3 tập 6 quyển. Montréal.
- Phạm Hoàng Hộ, 1999 - 2000. Cây cỏ Việt Nam, tập 1-3. Nxb Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.
- Phùng Ngọc Lan, Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Bá Thụ, 1996. Tính đa dạng thực vật Cúc Phương. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
- Tạp chí sinh học (số chuyên đề hệ thực vật Việt Nam), 1994. Tập 16 – số 4. Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Hà Nội.
- Tạp chí sinh học (số chuyên đề hệ thực vật Việt Nam), 1995. Tập 17 – số 4. Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Nghĩa Thìn - Mai Văn Phô và tập thể, 2003. Đa dạng sinh học hệ Nấm và Thực vật VQG Bạch Mã tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.