Để đảm bảo được những tài sản tự nhiên quý giá này được bảo vệ và sử dụng một cách bề vững, chúng ta cần phải có những cách tiếp cận và đầu tư sáng tạo.
|
Cây bách xanh 500 tuổi quý hiếm tại rừng Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng. |
Đó là kết luận của Báo cáo Diễn biến Môi trường VN 2005 về đa dạng sinh học vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào chiều 24/11. Đây là báo cáo thứ tư trong loạt báo cáo hàng năm do WB phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, trình bày các xu hướng biến đổi, thách thức và mục tiêu ưu tiên mà VN đang đối mặt trong lĩnh vực quản lý môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực cho biết: “Tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng của VN trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết mọi người dân. Nhu cầu tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhanh chóng mở rộng các vùng đô thị, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tăng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và tạo sức ép lớn lên môi trường. Trong khi đó, trình độ công nghệ và sản xuất trong nước vẫn còn khá lạc hậu. Đây chính là thách thức rất lớn đối với hoạt động quản lý bảo vệ môi trường”.
Còn theo ông Klaus Rohland - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại VN, “Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, VN còn rất nhiều công việc phải làm để lôi cuốn được nhiều người hưởng lợi từ việc quản lý tốt các giá trị đa dạng sinh học”.
Và theo Báo cáo về diễn biến môi trường năm nay, để giải quyết thách thức đang gặp phải, VN cần thực hiện một cách đồng bộ những giải pháp như: Cải thiện hệ thống khu bảo tồn và hiệu quả quản lý của hệ thống này; Tăng cường quyền và năng lực của các cộng đồng để quản lý tài nguyên thiên nhiên; Cải thiện việc lồng ghép các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học vào khu vực phát triển kinh tế…