Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Đa dạng nguồn tài nguyên cây có ích hệ thực vật Bắc Trung bộ

Cập nhật ngày 9/6/2008 lúc 11:07:00 AM. Số lượt đọc: 1899.

Bắc Trung Bộ là cái nôi của hệ thực vật nhiệt đới ẩm ở Việt Nam, mang tính đa dạng cao, với nhiều nét đặc thù hiếm có. Đây đồng thời cũng là nơi có khí hậu đặc biệt với sự thay đổi hai mùa khá rõ nét nhưng tính nhiệt đới ẩm vẫn ưu thế tuyệt đối đến nỗi theo biểu đồ sinh khí hậu của Gausen - Walter, tính khô hạn của nó không xuất hiện.

Đó cũng là nguyên nhân tạo cho vùng này mang nhiều đặc thù mà nhiều nhà sinh vật trên thế giới quan tâm. Để góp phần tìm hiểu những nét đặc thù đó chúng tôi cung cấp những thông tin bước đầu về nguồn tài nguyên cây có ích mong góp phần cho công tác đánh giá và bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.

Tài nguyên cây có ích

Bảng 1. Nguồn tài nguyên thực vật Bắc Trung Bộ

Công dụng

Ký hiệu

Số loài

%

Làm thuốc

Medicine

M

1709

41,35

Lấy gỗ

Timber

T

639

15,46

Làm thức ăn

Food

F

547

13,23

Làm cảnh

Ornament

Or

296

7,16

Cho dầu béo

Oil

Oil

95

2,30

Cho chất độc

Medecine poison

Mp

66

1,60

Cho tinh dầu

Essentional Oil

E

48

1,16

Cât lấy sợi

Fibre

Fb

37

0,90

Công dụng khác

U

81

1,96

Tổng:

2374

57,44

Bằng việc sử dụng các tài liệu tham khảo về giá trị tài nguyên thực vật ở Việt Nam như cuốn "1900 loài cây có ích ở Việt Nam" (Trần Đình Lý và cộng sự, 1996), "Những cây thuốc và bài thuốc Việt Nam" (Đỗ Tất Lợi, 2001), "Từ điển cây thuốc Việt Nam" (Võ Văn Chi, 1998), bộ "Cây cỏ Việt Nam" (Phạm Hoàng Hộ, 1999-2003), kết hợp với những điều tra thực tế theo kinh nghiệm sử dụng tài nguyên thực vật của cộng đồng dân tộc sống trên khu vực Bắc Trung Bộ ở nhiều địa phương, chúng tôi đã thống kê được trong số 4133 loài thực vật có mạch của hệ thực vật Bắc Trung Bộ thì có tới 2374 loài được con người sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau, tổng số loài cây có ích của hệ thực vật này đạt 57,44% tổng số loài của toàn hệ. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn về giá trị sử dụng của hệ thực vật ở này, giá trị đó được thể hiện như sau: (bảng 1).

Qua bảng này chúng ta thấy cây thuốc là nguồn tài nguyên phong phú nhất trong hệ thực vật Bắc Trung Bộ, có 1709 loài được sử dụng làm thuốc (sử dụng rộng rãi trên toàn quốc hoặc theo kinh nghiêm cổ truyền của cộng đồng dân tộc địa phương), chiếm 41,35% tổng số loài của hệ thực vật. Nhiều loài là những cây thuốc quí và được sử dụng rộng rãi như: Rauvofia verticillata (Lour.) Baill., Schefflera octophylla Harms, Homalomena occulta (Lour.) Schott, Cinnamomum casia Ness & Eberhardt … và một số khác được sử dụng theo kinh nghiệm của cộng đồng dân tộc địa phương, lần đầu tiên bổ sung cho danh sách các loài cây thuốc của Việt Nam như: Chè the (Adinandra poilanei Gagnep.), A pùn (Alpinia speciosa Wendl.), Ca tin (Bauhinia penicelliloba Pierre ex Gagnep.), Bra klàng (Caesalpinia hymenocarpa (Prain) Hatt.), Pa ngai a lit (Hedyotis ampliflora Hance), Chiềng a tọc (Iris japonica Thunb.), Ba ga cờ (Kopsia harmadiana Pierre ex Pit.), Ra cồ pua (Mycetia balansae Drake), Sỏm (Ophiopogon regnieri Boiss.), Si rồn (Smilax luzonensis Presl.), Hoàng đầu to (Xyris grandis Ridl.)…

Tiếp đến là nguồn tài nguyên cây gỗ, có tới 639 loài cây được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cung cấp gỗ, chiếm 15,46% tổng số loài của cả hệ. Các cây lấy gỗ chủ yếu là các cây thuộc các chi: Dipterocarpus, Hopea, Shorea (thuộc họ Dipterocarpaceae), Sterculia, Tarrietia (thuộc họ Sterculiaceae), Sindora (thuộc họ Caesalpiniaceae), Dalium (thuộc họ Fabaceae), Elaeocarpus (thuộc họ Elaeocarpaceae), Castanopsis, Lithocarpus (thuộc họ Fagaceae), Macaranga, Mallotus, Glochidion (thuộc họ Euphorbiaceae), Cinnamomum, Litsea (thuộc họ Lauraceae), Helicia, Heliciopsis (thuộc họ Proteaceae), Eurya, Camellia (thuộc họ Theaceae), Ficus, Artocarpus (thuộc họ Moraceae), Symplocos (thuộc họ Symplocaceae), Diospyros (thuộc họ Ebenaceae)… Nhiều cây gỗ quí có giá trị thương phẩm cao được phát hiện ở khu vực như Pơ mu (Fokienia hodginsii), Táu mặt quỉ (Hopea mollissima.), Kiền kiền (Hopea pierrei), Chò chỉ (Parashorea stellata), Trắc (Dalbergia bariaensis), Gụ (Sindora siamensis), Lười ươi (Scaphium macrocarpus), Mun (Diospyros mun), Mun sọc (Diospyros dassyphylla),…

Có 547 loài trong hệ thực vật Bắc Trung Bộ được sử dụng làm nguồn thức ăn, lương thực, thực phẩm, cây ăn quả hoặc chăn nuôi gia súc, chiếm 13,23%. Có thể kể đến một số ví dụ như Hồng rừng (Diospyros sp.), Mít rừng (Artocarpus ), Lười ươi (Scaphium macrocarpus). Một số cây hiếm thấy những nơi khác nhưng khá phổ biến trong vùng như Nang (Alangium ridley), Vú sữa rừng (Planchonella annamensis), Rau tai voi (Pentaphragma spp.), Môn thục (Schimatoglottis calyptrata)…

Nguồn tài nguyên cây cảnh cũng rất phong phú và đa dạng, đáng được chú ý trong hệ thực vật Bắc Trung Bộ với 7,16% tổng số loài của khu hệ (296 loài). Phần lớn chúng thuộc về các cây trong họ Phong lan - Orchidaceae, một số thuộc họ Dâu tằm - Moraceae, họ Liên đằng - Hernandiaceae, họ Cúc - Asteraceae, họ Vang - Caesalpiniaceae, họ Rau giền - Amaranthaceae… Đáng chú ý ở trong vùng có các loài Lan hài (Paphiopedilum spp.), là những loài có hoa đẹp và là những loài nguy cấp cần dược bảo vệ.

Các nguồn tài nguyên khác tuy chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng cũng góp phần làm nên tính đa dạng về giá trị sử dụng cho hệ thực vật Bắc Trung Bộ như: cây cho dầu béo (2,3%), cây cho tinh dầu (1,6%), cây có chất độc (1,16%)…

Các loài quý hiếm cần được bảo vệ

Tổng số loài quí hiếm thuộc hệ thực vật Bắc Trung Bộ được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là 102 loài, trong đó có 6 loài đang ở tình trạng rất nguy hiểm (E) như loài Trầm - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte; 22 loài ở cấp độ sẽ nguy hiểm (V) như loài Trắc - Dalbergia cochinchinensis, Kim giao - Nageia wallichiana (Presl.) de Laub., Ba gạc - Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill. …; 35 loài ở mức độ hiếm (R) như: Amentotaxus argotaenia (Hance) Pilg., Benettiodendron cordatum Merr., Cunninghamia konishii Hayata, Diosporopsis longifolia Craib…; 23 loài đang ở mức độ bị đe doạ (T) như: Adinandra megaphylla Hu, Ardisia mamillata Hance., Drynaria fortunei (Mett.) J. Sm., Hopea pierrei Hance, Paviesia annamensis Pierre, Smilax petelotii Koy, Strychnos ignatii Bergius…; và 16 loài khác ở cấp độ chư biết thông tin chính xác (K) như: Fokienia hodginsii (Dunn) A.Henry & Thomas, Hopea hainanensis Merr. et Chun, Madhuca pasquieri (Dub.) H. J. Lam., Scaphium macropodium (Miq.) Beumée… Tổng số chiếm 2,47% tổng số loài của toàn hệ và chiếm 30,27% tổng số loài quí hiếm của cả nước được ghi trong Sách đỏ. Các loài quý hiếm của hệ thực vật Bắc Trung Bộ tổng kết như sau:

Tổng số: 102 loài: 6 E + 22 V + 23 T + 35 R + 16 K

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ KNCN&MT. 1996. Sách đỏ Việt Nam (Phần thực vật). Nxb Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội.
  2. Bộ Lâm nghiệp. 1971 - 1986. Cây gỗ rừng Việt Nam, Tập 1-7. Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội.
  3. Võ Văn Chi. 1997. Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nxb Y Học. Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Dự án Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Nghệ An (SFNC): Ala/Vie/94/24/ do cộng đồng Châu Âu tài trợ. 2001 Pù Mát. Điều tra đa dạng sinh học của một khu bảo vệ ở Việt Nam. Nhà xuất bản Lao động Xã hội.
  5. Dự án SFNC Nghệ An. 2003. Sơ bộ điều tra và đánh giá nguồn tài nguyên cây thuốc ở vùng đệm VQG Pù Mát.
  6. Phạm Hoàng Hộ. 1999 - 2000. Cây cỏ Việt Nam, tập 1-3. Nxb Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.
  7. Viện Điều tra Quy hoạch Rừng. 1971-1986. Cây gỗ rừng miền Bắc Việt Nam. Hà Nội.
  8. Aubréville A., M. L. Tardieu - Blot, J. E. Vidal et Ph. Mora (Reds.). 1960 - 1996. Flore du Cambodge, du Laos et du Vietnam, fasc. 1-29. Paris.
  9. Brummitt R.K. 1992. Vascular Plant Families and Genera. Kew. Royal Botanic Gardens.
  10. Forest Inventory and Planning Institue. 1996. Viet Nam Forest Trees. Agricultural publishing house. Ha Noi.
  11. Lecomte. H. 1907 - 1951. Flore Générale de l’ Indochine, 7 tomes. Paris.
  12. Thin, N. N., Nguyen Thi Hanh, Ngo Truc Nha. 2001. Traditional medicinal plants of Con Cuong district, Nghe An provine, Vietnam. J. Trop. Med. Pl. (Malatsia). 2: 107 - 131.

 

anhtai

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024