Thông tin chung
Tên thường gọi: Mía
Tên khác:
Tên tiếng Anh: sugar-cane
Tên latinh: Saccharum officinarum L.
Thuộc họ Hòa thảo - Poaceae
Mô tả
Cây thảo cao, sống dai nhờ thân rễ. Thân đặc cao từ 2 đến 5 m. Lá phủ một lớp sáp. Lá to, bẹ có nhiều lông dễ rụng, đốt dài 5-10cm, rộng 3-6cm, phiến rộng đến 6cm, màu lục, màu vàng hay đỏ tím, có một gân giữa trắng. Cụm hoa là chuỳ (cờ) rộng và to ở ngọn cây, mang hoa dầy đặc, bông nhỏ có một hoa sinh sản.
Ruộng mía - ảnh theo cgagridept.nic.in
Bộ phận dùng
Thân và rễ - Caulis et Radix Sacchari Officinari.
Nơi sống và thu hái
Loài của Mêlanêdi, được trồng rộng rãi ở Ấn Ðộ, các nước Ðông Nam Á và Mỹ châu. Ở nước ta, mía cũng được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Bắc như Hoà Bình, Hà Tây, Vĩnh Phú. Mía ưa đất phù sa, sau 11-18 tháng đã có thu hoạch cây để ép mật chế đường và làm thuốc. Rễ có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học
Thân Mía chứa đường saccharose 7-10%, protein 0,22%, chất bép 0,5% và tro 0,5%. Trong tro có calcium oxalat, magnesium oxalat..., trong rễ có mangan oxalat 4,54%.
Tính vị, tác dụng
Mía có vị ngọt, ngon, tính mát; có tác dụng giải khát, khỏi phiền nhiệt bốc nóng, mát phổi lợi đàm, điều hoà tỳ vị, khỏi nôn oẹ, mửa khan, xốn xáo trong bụng. Ở Ấn Ðộ, người ta cho là mía có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt, kích dục. Rễ mía có tác dụng làm nhầy, giải nhiệt và lợi tiểu. Ðường cát có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận tâm phế, bổ tỳ, điều hoà can khí, giải nhiệt độc, say rượu, say sắn.
Trên lâm sàng, Đông y thường dùng mía để điều trị các chứng khô miệng lưỡi, tân dịch thiếu, táo bón, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa ợ hơi, khó tiểu tiện, sốt cao. Vì vậy mía được mệnh danh là “phục mạch thang” tự nhiên.
Y học hiện đại qua nghiên cứu cho biết trong mía giàu protein, lipit, canxi, phốt pho, sắt, vitamin, đặc biệt hàm lượng đường khoảng 18%. Thành phần đường trong mía gồm 3 loại: xacarô, glucô và glucôza dễ được cơ thể hấp thụ, có tác dụng phòng bệnh đái tháo đường, bệnh về răng và phòng ngừa lipit máu tăng. Loại gỉ mật còn có tác dụng hạn chế tế bào ung thư.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Mía được dùng ép lấy nước uống chữa sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ, còn dùng chữa nôn oẹ. Ðường cát còn dùng chữa bệnh lỵ, ăn uống không vào, chữa ho lâu khỏi và chữa trẻ em ho.
Các bài thuốc chữa bệnh bằng mía
- Chữa nôn oẹ: ép mía lấy nước, pha thêm ít nước Gừng cho uống.
- Chữa đi lỵ, ăn uống không vào: Ðường cát 3 thìa, Ô mai 3 quả, sắc uống.
- Chữa ho trẻ em: Ðường phèn (đường cát kết tinh) với Hoa hồng bạch chưng cách thuỷ cho uống.
- Viêm dạ dày mạn tính: Nước mía 1 cốc, nước gừng một ít, trộn đều, ngày uống 2 lần.
- Sốt phiền khát: Mía, củ năn vừa đủ dùng, rửa sạch, thái vụn, sắc uống thay nước chè.
- Ho do hư nhiệt: Mía vừa đủ dùng cắt vụn, đổ gạo dính vào nấu chè ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng - chiều, mỗi lần 1 bát.
- Táo bón: Nước mía, mật ong mỗi thứ 1 cốc nhỏ, trộn đều uống lúc đói, ngày 2 lần vào buổi sáng, buổi chiều.
- Buồn nôn do thai nghén: Nước mía 1 cốc, nước gừng tươi 1 thìa, ngày uống vài lần.
(ghi chú: nước mía - ảnh theo tandongfoo,.com)
- Trẻ em ra mồ hôi trộm: Ăn mía hoặc uống nước mía vài lần trong ngày.
- Khó tiểu tiện: Mía rửa sạch, thái vụn, râu ngô, sa tiền thảo, sắc uống ngày 2 lần (sáng - chiều).