Thông tin chung
Tên thường gọi: Lê
Tên khoa học: Pyrus pyrifolia (Burm.f) Nakai
Thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae.
Mô tả
Cây gỗ nhỏ. Lá có phiến nhỏ, hình tam giác tròn, mép có răng nhọn, nhỏ, tận cùng thành tơ dài, gân phụ 5-7 cặp; cuống dài hơn phiến. Cụm hoa ngù; cuống hoa dài 4-6cm, không lông, đài có 5 răng; cánh hoa cao 1cm, nhị nhiều, chỉ nhị dài 6-8mm, vòi nhuỵ 4-5, quả hình xá lị 4 x 3cm, có lỗ bì tròn.
Bộ phận dùng
Quả - Fructus Pyri Pyrifoliae.
Nơi sống và thu hái
Cây nhập từ Trung Quốc vào trồng ở vùng núi cao miền Bắc Việt Nam, tại Cao Bằng, Lạng Sơn ở độ cao 1000m.
Tính vị, tác dụng
Quả tiêu thử, kiện vị, thu liễm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Cây trồng để lấy quả ăn. Quả khô dùng làm thuốc trị lỵ.
Lê được coi là một vị thuốc tuyệt vời. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: “Lê nhuận phổi, mát tim, tiêu đờm, hạ hỏa, giải độc vết thương, giải độc rượu”. Trong Bản thảo cầu nguyên cũng viết: “Nước lê nấu cháo trị cam nhiệt và hôn mê do phong nhiệt ở trẻ em”...
Y học hiện đại cũng ghi nhận lê có tác dụng hạ huyết áp, bệnh tim, chữa chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tim đập nhanh có thể dẫn đến loạn nhịp. Người bị viêm gan, xơ gan, ăn lê sẽ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh
Một số bài thuốc
Nước uống trị bệnh nóng: Rễ rau tươi thông thường 100g rửa sạch, lê 1.000g gọt vỏ bỏ hạt, mã thầy 500g gọt sạch vỏ, ngó sen tươi 500g bỏ đốt, mạch môn đông tươi 50g. Thái nhỏ tất cả các vị trên, giã nát, cho vào vải sạch, vắt lấy nước cốt. Uống nguội hoặc uống ấm đều được, ngày uống vài lần. Loại nước này thích hợp với những người bị khô họng, bực bội, bứt rứt trong người hoặc cảm nắng.
Trị ho khan, tiêu đờm: Bỏ ruột quả lê, cho 5 g bột xuyên bối vào rồi hầm chín. Ngày ăn 2 quả .
Để tiêu đờm, giảm ho, lấy nước cốt quả lê (nếu cô đặc lại càng tốt) pha với nước gừng và mật ong lượng vừa phải. Ngậm hỗn hợp này nhiều lần trong ngày.
Chữa khàn, mất tiếng: Dùng lê giã lấy nước. Ngậm nước này trong họng, ngày vài lần sẽ khỏi mất tiếng.
Lưu ý: Lê có tính hàn, nếu ăn nhiều sẽ hại tỳ vị; do đó không nên dùng cho người có tỳ vị hư hoặc bị viêm ruột.
Ho khan do phế nhiệt (tác dụng của phương này là thanh nhiệt, giảm ho): dược liệu gồm vài quả lê, bỏ hạt, giã nhỏ, cho đường phèn vào đem hấp cách thủy đến khi đường tan hết thì mang ra ăn hết.
Ho nhiều đờm lẫn máu (tác dụng nhuận phổi, tan đờm, sinh tân dịch): dược liệu gồm 1,5kg quả lê bỏ hạt nấu thành cao, sau cho mật ong trộn đều, mỗi lần lấy 2 – 3 thìa cà phê hòa với nước sôi mà uống.
Chữa chứng bệnh ợ hơi: dược liệu gồm lê 1 quả, đinh hương 15 hạt, bỏ hạt lê cho đinh hương vào trong quả lê, sau bọc mấy lần giấy vào om chín nhừ và ăn hết. Ngày ăn một lần.
Chữa chứng viêm phế quản: dược liệu gồm lê 2 quả, bột xuyên bối 10g, đường phèn 30g. Bỏ hạt lê, cho bột xuyên bối và đường phèn vào trong quả lê, đem hấp chia ra ăn ngày 2 lần vào lúc sáng và tối.
Chữa đau mắt sưng đỏ: Dược liệu gồm hoàng liên, lê. Lấy quả lê ép lấy nước rồi cho hoàng liên ngâm vào nước lê ép, sau đó lấy dung dịch này nhỏ vào mắt, ngày vài lần.
Tiêu đờm, thông đại tiện: Dùng nước ép quả lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước hạt mạch, nước ngó sen đã ép, cho chung vào khuấy đều rồi uống nguội hoặc đun nóng mà uống. Ngày uống 1 – 2 lần.
Chữa hôi miệng: Trước khi ngủ cần ăn 2 quả lê và ăn trong 3 – 5 ngày liền.
Trẻ phong nhiệt, chán ăn: Lê 3 quả rửa sạch thái miếng, cho vào nồi đổ 3 lít nước đun nhỏ lửa đến cạn còn 1 lít, bỏ bã, đổ gạo đã vo sạch vào nước này nấu nhừ thành cháo rồi cho trẻ ăn hết trong ngày. Mỗi ngày ăn một lần, cần ăn 3 – 5 ngày liền.