Cho đến nay, hầu hết những điều bí ẩn mà Hoàng Liên còn chứa đựng đều nằm trong cái được gọi là núi cao đó. Khu vực nghiên cứu được xác định ở độ cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai có các đặc trưng về điều kiện tự nhiên như sau:
Địa hình: gồm nhiều cấp địa hình, thay đổi từ 1600m đến 3143m, nhiều khối núi rất dốc(trung bình 20-30o), cao trên 200m và bị chia cắt mạnh, biên độ độ cao đến 2000m hoặc hơn. Có sạt đất.
Khí hâu: Các chế độ khí hậu đặc biệt trong khu vực: giông, mưa đá, mưa phùn, sương mù và sương muối. Khí hậu của khu vực đai cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên gồm:
Đai ôn đới ẩm núi thấp tầng trên: độ cao 1600-2400m so với mặt nước biển, tổng số giờ nắng trung bình năm là 1471,8 giờ, tổng nhiệt trung bình năm đạt 4500-6200oC; lượng mưa trung bình năm đạt 3550 mm; nhiệt độ trung bình năm đạt 12,7oC, nhiệt độ tối cao trong năm đạt 29,2oC, nhiệt độ tối thấp trong năm đạt -3,5oC, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất (VII) và tháng lạnh nhất (I) là 13,1oC.
Đai ôn đới lạnh núi vừa tầng dưới: độ cao trên 2600m so với mặt nước biển, tổng số giờ nắng trung bình đạt 1525 giờ/năm, tổng nhiệt trung bình năm dưới 4500oC; lượng mưa trung bình đạt >2500 mm/năm; nhiệt độ trung bình năm đạt 7,8oC, nhiệt độ tối cao trong năm đạt 24,4oC, nhiệt độ tối thấp trong năm đạt -5,7oC, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất (VII) và tháng lạnh nhất (I) là 7,7oC.
Thổ nhưỡng: gồm 2 kiểu là: Đất mùn thô than bùn màu xám trên núi cao và đất mùn Alit màu vàng nhạt trên núi cao.
Mục tiêu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Mục tiêu
Mô tả sơ bộ các kiểu thảm thực vật trong phạm vi nghiên cứu; Xây dựng danh lục các loài và đánh giá tính đa dạng hệ thực vật bậc cao có mạch khu vực nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo tồn.
Đối tượng
Các sinh cảnh đặc trưng và các loài thực vật bậc cao có mạch phân bố ở đai độ cao trên 1600 m của VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai.
Phương pháp nghiên cứu
Áp dụng các phương pháp nghiên cứu thực vật thông dụng (theo Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997).
Kết quả nghiên cứu
Đa dạng thảm thực vật
Theo thang phân loại của UNESCO (1973) được Phan Kế Lộc áp dụng vào Việt Nam (1985), thảm thực vật tự nhiên của khu vực đai cao trên 1600m VQG Hoàng Liên gồm 12 quần hệ thuộc 3 lớp:
I. Lớp quần hệ rừng kín:
IA. Phân lớp quân hệ rừng chủ yếu thường xanh:
IA2. Nhóm quần hệ rừng nhiệt đới thường xanh (RNĐTX) mưa mùa:
IA2b. Quần hệ RNĐTX mưa mùa trên núi thấp
IA2c. Quần hệ RNĐTX mưa mùa ở núi trung bình
IA2d. Quần hệ RNĐTX tương đối ẩm ở núi cao (cận alpin)
IA2o. Quần hệ Rừng tre (Bambusoideae) nhiệt đới ở địa hình thấp và núi thấp
III. Lớp quần hệ trảng cây bụi:
IIIA. Phân lớp quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh
IIIA1. Nhóm quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh cây lá rộng
IIIA1a. Quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh cây lá rộng trên đất địa đới
IIIA1c. Quần hệ trảng cây bụi chủ yếu thường xanh cây lá rộng cứng trên đường đỉnh
V. Lớp quần hệ trảng cỏ:
VA. Phân lớp quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao:
VA3. Nhóm quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao có cây bụi và cây gỗ
VA3a. Quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao chịu hạn, có cây bụi và cây gỗ
VA5. Nhóm quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao không có cây hoá gỗ
VA5a. Quần hệ trảng cỏ dạng lúa cao chịu hạn, có cây bụi, không có cây gỗ
VB. Phân lớp quần hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình
VB2. Nhóm quàn hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình có cây gỗ che phủ dưới 10%, có hay không có cây bụi
Quần hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình có cây gỗ che phủ dưới 10%, có hay không có cây bụi
VB3. Nhóm quàn hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình không có cây gỗ, có cây bụi
Quần hệ trảng cỏ dạng lúa trung bình không có cây gỗ, có cây bụi
VC. Phân lớp quần hệ trảng cỏ dạng lúa thấp
VC2. Nhóm quàn hệ trảng cỏ dạng lúa thấp không có cây hoá gỗ
VC2a. Quần hệ trảng cỏ dạng lúa thấp chịu hạn, không có cây hoá gỗ, trên đất địa đới bị thoái hoá hay bị dẫm đạp
VD. Phân lớp quần hệ trảng cỏ không dạng lúa
VD1. Nhóm quàn hệ trảng cỏ không dạng lúa cao
VD1a. Quần hệ chủ yếu cỏ không dạng lúa thuộc ngành Hạt kín và Dương xỉ sống lâu năm
Đa dạng hệ thực vật
Đã xây dựng được bản danh lục cho khu vực đai cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên gồm 1553 loài, 709 chi, 189 họ của 4 ngành thực vật bậc có có mạch, bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam 1 họ mới (họ đơn loài Tetracentraceae với loài Tretracentron sinense Oliv.), 1 chi mới (chi đơn loài Decaisnea insignis Thomson et Hooker, thuộc họ Lạc di - Lardizabalaceae) và 3 loài mới khác (Clematis montana, Anemone begoniifolia thuộc họ Hoàng Liên - Ranunculaceae; Viburnum cordifolium thuộc họ Kim ngân - Capprifoliaceae)..
Đa dạng cấp độ ngành: ngành Mộc lan - Magnoliophyta là ngành đa dạng nhất, 92,21% số loài; hệ thực vật khu vực nghiên cứu thiếu vắng hai ngành Cỏ tháp bút - Equisetophyta, Thân đốt - Psilotophyta.
Tên ngành Số loài Tỷ lệ % Số chi Tỷ lệ % Số họ Tỷ lệ %
Lycopodiophyta 9 0,58 3 0,42 2 1,06
Polypodiophyta 102 6,57 56 7,90 19 10,05
Pinophyta 10 0,64 9 1,27 6 3,17
Magnoliopsida 1137 79,40 507 79,10 135 8333
Liliopsida 295 20,60 134 20,90 27 16,67
Magnoliophyta 1432 92,21 641 90,41 162 85,71
Tổng 1553 100 709 100 189 100
Đa dạng cấp độ dưới ngành: lớp Mộc lan luôn chiếm tỷ trọng hơn lớp Hành: 5 lần ở cấp họ (235/27), 3,85 ở cấp loài (1137/295) và 3,78 ở cấp chi (507/134); 20 họ đa dạng nhất (chiếm 10,6% tổng số họ) có nhiều hơn 20 loài, chiếm 790 loài (50,87%) và 299 chi (42,17%); 10 họ (chiếm 5,3% tổng số họ) đa dạng nhất: họ Lan - Orchidaceae, họ Cà phê - Rubiaceae, họ Cúc - Asteraceae, họ Đỗ quyên - Ericaceae, họ Hoa hồng - Rosaceae, họ Cói - Cyperaceae, họ Lúa - Poaceae, họ Chè - Theaceae, họ Nhân sâm - Araliaceae và họ Đơn nem - Myrsinaceae, gồm: 536 loài, 193 chi, (34,61% tổng số loài và 27,22% tổng số chi của hệ); 25 chi đa dạng nhất có số loài từ 8 trở lên, chiếm 390 loài (20,54%); 10 chi đa dạng nhất là Rhododendron, Carex, Ficus, Rubus, Symplocos, Acer, Ardisia, Liparis, Polygonum và Eurya, chiếm 11,72% tổng số loài (182 loài).
Đa dạng về dạng sống
Nhóm chồi trên vẫn chiếm ưu thế hơn tất cả các nhóm chồi khác. Phổ dạng sống được xây dựng như sau (SB: phổ dạng sống - spectrum of bilology; Ph: nhóm cây chồi trên - Phananerophytes; Ch: nhóm cây chồi sát đất - Chamaephytes; Hm: nhóm cây chồi nửa ẩn - Hemicryptophytes; Cr: nhóm cây chồi ẩn - Cryptophytes; Th: nhóm cây chồi một năm - Therophytes):
SB = 76,56Ph + 7.69Ch + 1,71Hm + 5,58Cr + 8,18Th
Đa dạng về các yếu tố địa lý thực vật
Nhóm nhiệt đới là rất lớn, chiếm 77,33%, trong đó nhóm các yếu tố nhiệt đới ở châu á chiếm đến 71,93% tổng số loài; các yếu tố ôn đới chỉ có 5,8% tổng số loài; yếu tố nhiệt đới lục địa châu á là nhiều nhất (17,19%), tiếp theo là yếu tố nhiệt đới châu á (12,17%), yếu tố Đông Dương - Nam Trung Hoa (10,95%). Có đến 20,99% tổng số loài là đặc hữu (326 loài), đặc biệt là 72 loài đặc hữu của khu vực Sa Pa - Hoàng Liên, chiếm 4,46% tổng số.
Hệ thực vật ở đai cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên có quan hệ gần gũi nhất với hệ thực vật Nam Trung Hoa (49,77%), tiếp theo là với hệ thực vật Himalaya (35,05%), hệ thực vật ấn Độ (29,36%) và ít gần gũi nhất với hệ thực vật Malesia (15,97%).
Đa dạng các giá trị sử dụng: trong tổng số 1553 loài có mặt ở đai cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên, đã thống kê được 656 loài có công dụng, chiếm 42,42% tổng số loài, trong đó nhiều nhất là cây làm thuốc, có 485 loài (31,23%), tiếp theo là cây ăn được, 162 loài (10,43%), cho gỗ và làm cây cảnh đều có 102 loài (6,57%), các nhóm khác chiếm tỷ lệ thấp.
Đa dạng nguồn tài nguyên quý hiếm: tổng số có 58 loài quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam (1996), Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ và IUCN2000. Trong đó: IUCN2000 là 15 loài: 2 loài EN, 10 loài VU và 3 loài CR; theo Sách đỏ Việt Nam 42 loài: 8 loài E, 5 loài cấp V, 10 loài T, 17 R và 2 loài K; theo Nghị định số 32/NĐ-CP có 19 loài: 9 loài phụ lục IA và 10 loài phụ lục IIA. Có 3 loài trong hệ thực vật ở khu vực nghiên cứu nằm trong danh sách của CITES.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận khu vực đai cao trên 1600m của VQG Hoàng Liên có 11 kiểu thảm thực vật, 1553 loài thuộc 709 chi, 189 họ của 4 ngành thực vật có mạch, trong đó ngành Mộc lan là đa dạng nhất, đã ghi nhận 10 họ và 10 chi giàu loài nhất. Trong các yếu tố địa lý thực vật thì có đến 20,99% là đặc hữu, đặc biệt có 4,46% là đặc hữu hẹp Hoàng Liên - Sa Pa. có 656 loài có công dụng (chiếm 42,42%), 58 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, IUCN, CITES và Nghị định 32/CP của chính phủ.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003-2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập II, III, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Phan Kế Lộc, 1985: Tạp chí Sinh học, tập 7, số 4, tr. 1-5.
Phan Kế Lộc (chủ biên), 2001), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập I, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997: Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật, Nxb. Nông Nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời, 1998: Đa dạng thực vật có mạch vùng núi cao Sa Pa - Phan Si Pan, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Nguyễn Nghĩa Thìn và nnk, 2005: Một số phát hiện mới cho hệ thực vật Việt Nam tại VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai. Những vấn đề nghiên cứu trong khoa học sự sống, báo cáo khoa học, hội nghị khoa học toàn quốc, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, tr 298-301.
Nguyễn Nghĩa Thìn và nnk, 2005: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 18, tr. 65-66