Ở đây con người và thiên nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau như trong một ngôi nhà.
Ðã lâu chúng tôi mới trở lại Xuân Sơn, những con đường nhỏ gập ghềnh lầy lội đã được thay thế bằng đường nhựa rộng rãi phẳng phiu uốn lượn bên các triền núi. Khu trung tâm của vườn là những ngôi nhà sàn, mây giăng đầy, bao phủ những cánh rừng trùng điệp trông như những bức tranh. Có lẽ rất ít vườn quốc gia nào của nước ta có được con đường nhựa rộng rãi thênh thang hàng chục cây số cắt ngang vườn như vậy.
Anh Ðặng Văn Phú, một thanh niên dân tộc Dao còn rất trẻ mới tốt nghiệp đại học cho biết: Trong Vườn quốc gia Xuân Sơn có mười bản, hầu hết là đồng bào dân tộc Mường và Dao sinh sống. Khi có con đường, đồng bào mừng lắm vì đi lại thuận tiện hơn rất nhiều và điều quan trọng hơn là để người dân giao lưu hàng hóa với bên ngoài, con đường hoàn thiện đến đâu bà con lại dựng nhà bên cạnh đường đến đó, cuộc sống như thay đổi hẳn.
Trong căn nhà sàn thoáng mát ở trung tâm, chung quanh là những cây chè san tuyết lâu năm, những cây lan, những cây lộc vừng đang trổ hoa thoảng hương dịu mát, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn Trần Ðăng Lâu vui vẻ nói:
- Vườn quốc gia Xuân Sơn là một kho tàng thiên nhiên vô cùng quý giá, ngoài vẻ đẹp mê hồn nó còn chứa biết bao nhiêu loài động vật và thực vật quý hiếm. Hệ thực vật ở Xuân Sơn bước đầu ghi nhận được 726 loài, trong đó có 24 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và tám loài được ghi trong Sách đỏ thế giới. Ðộng vật có 365 loài trong đó có 46 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Xuân Sơn có vị trí quan trọng trong hệ thống vườn quốc gia Việt Nam. Ý thức được điều đó, suốt mấy năm qua chúng tôi đã hết lòng hết sức giữ vườn không để xảy ra một vụ xâm hại nào.
Chợt nhớ những thông tin về nạn phá rừng mới đây nhất như ở Quảng Ninh (Quảng Bình), Ðác Hà (Kon Tum) và ngay cả ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) và Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), chúng tôi hỏi:
- Vậy bí quyết nào để Xuân Sơn giữ được rừng, thưa anh?
Anh Trần Ðăng Lâu chỉ trả lời một câu ngắn gọn:
- Dựa vào dân.
Chúng tôi biết anh đã gắn bó với Xuân Sơn hàng mấy chục năm trời. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đến đây và xác định sẽ ở lại đây cả cuộc đời với tất cả tình yêu rừng núi. Anh đến từng bản, từng nhà dân tuyên truyền về giá trị của mảnh đất này, một kho báu mà thiên nhiên ban tặng. Khu rừng có rất nhiều dơi, đêm khuya những đàn dơi như những cơn gió ào ạt bay. Anh nói với mọi người, dơi là con vật quý của rừng, nó ăn quả rồi lại mang hạt đi trồng rừng, vì vậy không nên săn bắt.
Một ông giáo trong bản theo lời anh, để tuyên truyền bảo vệ dơi đã làm bài đồng dao: "Ăn thịt dơi muôn đời học dốt". Trẻ em trong các xóm đều thuộc lòng bài đồng dao đó. Một hôm có hai người Dao ở bản Cọi mang một túi dơi đến biếu anh để làm thịt, anh vừa giải thích vừa trả lại và hai người đã hiểu ra đem túi dơi thả vào rừng.
Khu vực chính và vùng đệm của vườn có tám xã thì bảy xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tập quán của đồng bào sống dựa vào tự nhiên, canh tác trên đất dốc bằng phát, đốt cây cỏ, chọc lỗ gieo hạt, thả rông gia súc, vào rừng. Anh cùng cán bộ Ban Quản lý Vườn không quản ngày đêm đi tuyên truyền vận động bà con bảo vệ rừng. Như thế chưa đủ phải có biện pháp để xóa đói, giảm nghèo, để không vì cuộc sống bức bách mà phá rừng.
Trước hết là tạo việc làm cho bà con thông qua các dự án bảo vệ rừng, trồng rừng, làm đường xây dựng trang trại, trồng cây của rừng biến thành hàng hóa... Vườn ươm 11 loại cây nghiên cứu từ rừng Xuân Sơn để nhân dân trồng rừng phòng hộ và các loại cây có thể làm hàng hóa như cây rau sắng, cây chè đắng, chè san, cây dổi lấy hạt ăn vừa là gia vị vừa là thuốc cho đường tiêu hóa, cây cơm vàng lấy quả nghiền làm thức ăn gia súc...
Hiện nay Vườn đang tiến hành Dự án rau sắng do Australia tài trợ và Dự án trồng rau miền núi phía bắc do Ðan Mạch tài trợ đã tạo ra nhiều việc làm cho nhân dân.
Cùng với việc trồng rau, trồng cây người dân còn nuôi dê núi, nuôi bò và gia súc. Mới đây, anh Lâu lại thử nghiệm nuôi lợn rừng. Anh dẫn chúng tôi đến xem nơi nuôi lợn đực và lợn nái rừng thật độc đáo. Ðó là chiếc ao bờ cao lợn không nhảy lên được. Hang cho lợn nằm được khoét sâu vào bờ ao là chân núi. Lợn ăn quả cây sung trồng ngay bên bờ ao. Chúng rất thích lội nước và mò ăn những rổ ốc vừa đổ xuống. Anh tính con lợn nái này sẽ sinh đẻ những đàn con và cứ thế lai tạo nhân lên sau này sẽ cấp giống cho dân nuôi đem lại giá trị hàng hóa lớn. Ngày lại ngày thêm sáng kiến đều bắt đầu từ cuộc sống núi rừng, vừa cải thiện đời sống nhân dân vừa giữ rừng tươi tốt.
Trước kia, Xuân Sơn có nhiều thợ săn giỏi. Trong xóm đồng bào Mường, nhà nào cũng có một tấm da sơn dương để vò lúa. Sau đợt tuyên truyền vận động của anh và cán bộ quản lý vườn, hai ông thợ săn người Dao nổi tiếng là Bùi Ðức Tân và Bùi Văn Phụ đã mang súng kíp tặng Vườn. Nhiều thợ săn đã đổi súng săn lấy việc làm trong đó có người nhận nhiệm vụ gác rừng rất tích cực.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn đã có ý tưởng biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Ý tưởng đó là có cơ sở vì nơi đây có những dãy núi cao trùng điệp kết hợp với rừng nguyên sinh và các hệ sinh thái tạo ra cảnh đẹp hùng vĩ. Trong các dãy núi đá vôi có rất nhiều hang động nhiều hình, vẻ. Hang Lun có nhiều nhũ đá rủ, Hang Lang cao trung bình 10-15 m dài tới 10 km, suối chảy quanh năm có nhiều loại cá: trê, chép, quất, măng xanh... ở đây lại có nhiều bản dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa lâu đời với sinh hoạt, phong tục tập quán đậm đà bản sắc riêng.
Du lịch càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao thì vườn quốc gia càng phát triển bền vững. Tuy nhiên muốn biến ý tưởng ấy thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm. Con đường xuyên qua vườn mới chỉ là khâu đột phá và mới đây Vườn xây dựng một cái hồ nhân tạo lớn. Nhưng còn phải giải quyết các khâu hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, nơi ăn nghỉ, các lối đi cùng phương tiện vào các hang động và đi sâu vào các khu rừng nguyên sinh... Bên cạnh đó còn các điều kiện bảo hiểm, cứu hộ, xây dựng các bản làng với những nét văn hoá đặc trưng... Nhưng quyết tâm và tâm huyết của Ban quản lý cùng với sự mong đợi đồng tình của người dân đã khiến chúng tôi chắc rằng ý tưởng ấy sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Cũng bàn về chuyện giữ rừng, Giám đốc Trần Ðăng Lâu cho chúng tôi biết một vấn đề mới đang đặt ra. Anh nói:
- Trước đây ở trong Vườn có Hạt kiểm lâm là đơn vị thuộc ngành kiểm lâm của tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng cuối năm 2007 đã giải thể. UBND tỉnh giao cho Vườn quốc gia quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng vườn. Trong điều kiện biên chế mỏng (có 30 biên chế) kinh phí eo hẹp như một đơn vị sự nghiệp công lập lại thêm nhiệm vụ bảo vệ rừng thì quá nặng, hơn nữa pháp lý bảo vệ rừng từ trước đến nay thuộc về ngành kiểm lâm.
Thế là trong hệ thống gần 30 vườn quốc gia, chỉ có Xuân Sơn là không có hạt kiểm lâm. Cũng may thời gian qua, chúng tôi đã dựa vào dân để bảo vệ rừng và công việc đó ngày càng đi vào nền nếp. Nhưng quản lý và bảo vệ rừng phải có tổ chức, quy định và đúng pháp luật. Trong khi chờ đợi quy định mới, chúng tôi chỉ còn cách xã hội hóa việc bảo vệ rừng. Chúng tôi tâm nguyện bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cùng với nhân dân giữ rừng bằng được.
Nghe chuyện giữ rừng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn càng thấm thía rằng khi con người gắn bó máu thịt với thiên nhiên, biết khai thác hợp lý và nuôi dưỡng nó, nhất định thiên nhiên sẽ đền đáp xứng đáng. Xuân Sơn ngày càng phát triển với nhiều nguồn lợi cho con người mà vẫn sừng sững đứng đó với vẻ đẹp nguyên sơ vĩnh hằng.