Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Nữ hoàng Chanh không hạt

Cập nhật ngày 13/11/2008 lúc 11:21:00 AM. Số lượt đọc: 1171.

Từ nghèo khó, chị Lê Thị Vẹn (ấp Sóc Kha, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) đã đưa gia đình vươn lên khá giả nhờ mô hình trồng chanh không hạt (loại giống Bearss Lime - California). Có lúc tưởng phải bỏ cuộc, nhưng chị vẫn vượt qua, chẳng những trồng chanh thành công, chị còn tìm được đầu ra ổn định cho trái chanh và nổi tiếng với biệt danh “nữ hoàng chanh không hạt” của đất Trà Vinh.

Những ngày khó khăn

Chị Vẹn mồ côi mẹ khi mới 9 tuổi. Từ việc đồng áng, chăn trâu đến nội trợ trong nhà chị đều phải gánh vác. Tháng ngày vất vả từ thuở ấu thơ đã rèn luyện cho chị nghị lực vượt qua khó khăn, đói nghèo.NuHoangChanhKoHat.jpg

Do sớm thành gia lập thất, năm 25 tuổi (năm 1980) chị đã có đến 4 đứa con. Cả hai vợ chồng chị từ xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè đùm túm nhau về ấp Sóc Kha lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Vợ chồng chị vay mượn khắp nơi mua được miếng đất ruộng 5,5 công. Nhưng chồng chị là một công chức, hầu hết thời gian của anh phải lo cho việc công, mọi việc của gia đình một mình chị gánh vác. Những đứa con của chị, đứa gởi hàng xóm, đứa theo chị ra đồng, bất kể mưa hay nắng. Chị nhớ lại: “Tuy cuộc sống có cực khổ nhưng tôi may mắn làm ruộng thì trúng mùa, chăn nuôi trúng giá, nên chỉ sau 3 năm gia đình đã trả hết số nợ và còn mua thêm được đất”.

Nhưng rồi làm ruộng cũng không trúng mùa như những năm đầu, chị chuyển tất cả gần 11 công ruộng sang trồng nhãn (nhãn long, nhãn da bò). Đến khi nhãn cho trái thì giá nhãn lại bắt đầu giảm, mỗi năm gia đình chị thu nhập không quá 10 triệu đồng từ nhãn.

Trong một chuyến thăm người thân tại TP Hồ Chí Minh, chị thấy các siêu thị trong thành phố có bán một loại chanh không hạt với giá rất cao. Trong lúc đang bế tắc không biết chuyển đổi mô hình sản xuất như thế nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị nhớ lại người dân An Phú Tân cũng đã có thời thoát nghèo nhờ vào cây chanh (chanh giấy). Khi trở về chị quyết tâm tìm giống chanh không hạt để trồng.

Chị đã nhờ các kỹ sư nông nghiệp, Hội làm vườn tỉnh tìm giúp giống chanh không hạt. Khi tìm được, Hội làm vườn tỉnh đã đứng ra ký hợp đồng mua giống và giao cho chị trồng 400 nhánh với giá 25.000 đồng/nhánh. Hội làm vườn tỉnh nhận đầu tư vốn cho chị trong 2 tháng. Dù trong nhà không còn tiền, nhưng chị vẫn quyết định đầu tư bởi: ở nhà còn hơn chục con heo, đến 2 tháng nữa cũng kịp lúc xuất chuồng, nếu không đủ thì chạy vay hay bán đất để trả lại cho Hội làm vườn tỉnh. “Khi Hội làm vườn đem giống về, nhiều người cản không cho tôi lấy sợ tôi nghèo không có tiền trả. Nhưng ông Tư Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, “chặt lòng” nên tôi cũng được nhận giống về trồng” - Chị Vẹn kể.

Sau khi chị xuống giống, ông Tư Bé đến kiểm tra thường xuyên và nhận thấy chị cố gắng chăm sóc tốt từng cây một nên quyết định gia hạn nợ cho chị đến 9 tháng. Còn đang hy vọng vườn chanh sẽ giúp gia đình khấm khá hơn, thì chị ngã bệnh. Thời gian 4 tháng nằm điều trị bệnh khớp tại TP Hồ Chí Minh, gia đình phải mang nợ trên 20 triệu đồng. Về đến nhà thấy vườn chanh đã ngả màu do không có người chăm sóc, trước nguy cơ phá sản, chị lại lặn lội ra đồng bắt ốc bươu vàng về ngâm ủ làm phân tưới, nhờ đó mà chanh trở lại bình thường. Bây giờ nhắc lại chuyện này, chị đều cho rằng lúc đó nhờ “trời” thương.

Mang chanh đến siêu thị tiếp thị

Ngày mang chanh ra chợ bán, bao nhiêu niềm vui, hy vọng nhưng chị lại phải thui thủi mang chanh về vì: “Mọi người nhìn tôi bán chanh như người trên trời mới rơi xuống. Trái chanh to đùng, giá chỉ 800 đồng/kg (bằng giá với các loại chanh khác) nhưng không ai thèm mua. May lúc đó có một thương lái đến đặt mua với giá 4.000 đồng/kg mà có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu” .

Một dịp tình cờ xem truyền hình thấy giới thiệu về các siêu thị tại Cần Thơ và chị quyết định mang chanh đến siêu thị để tiếp thị. Chị kể: “Tôi mang 20 kg chanh sang đến bến đò Cần Thơ, gọi xe ôm nhờ chở đến siêu thị nào cũng được. Khi anh xe ôm chở đến một siêu thị tại Cần Thơ chị “hét” giá 5.000 đồng/kg. Không ngần ngại, nhân viên siêu thị mua toàn bộ chanh của chị mang theo. Về đến nhà, chị chưa kịp kể lại cho người nhà biết thì nhân viên siêu thị đã điện thoại và đặt mua trên 2 tấn chanh còn lại ở nhà”.

Có được đầu ra ổn định, chị quyết định bỏ nhãn để trồng chanh. Đến nay, vườn chanh của chị đã có trên 2.000 gốc, trong đó, trên 1.500 gốc đang cho trái. Cứ 10 ngày chị mang sang Cần Thơ 200 kg bán cho các siêu thị, giá 8.000 đồng/kg (loại 6 trái/kg), 6.000 đồng/kg (loại nhỏ hơn), có lúc giá lên đến 16.000 đồng/kg.

Số nợ vốn đầu tư của Hội làm vườn tỉnh lúc đầu chị trả bằng 950 nhánh chanh giống. Hội làm vườn tỉnh đã đặt hàng mua thêm 6.500 nhánh để nhân rộng mô hình (giá 15.000 đồng/nhánh). Ngoài việc giao cho Hội làm vườn, chị còn chiết bán trên 5.000 nhánh chanh không hạt cho các hộ xung quanh làm giống.

Chị cho biết: “Mô hình trồng chanh không hạt xem như đã thành công. Tôi không ngần ngại cung cấp giống, tài liệu và hướng dẫn tận tình cách trồng và chăm sóc giống chanh này. Đến khi thu hoạch, nếu không có đầu ra tôi thu mua vào. Hiện tại, siêu thị tại Cần Thơ đặt hàng cách một ngày giao 500 kg, nhưng tôi không có đủ số lượng để giao. Một số thương lái khác cũng đã tìm đến tôi đặt mua hàng với số lượng lớn”.

Không chịu bó tay trước khó khăn, chị Lê Thị Vẹn đã từ khó nghèo vươn lên khấm khá. Với thành công từ mô hình trồng chanh không hạt đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, nhiều người quý mến đặt cho chị biệt danh “nữ hoàng chanh không hạt”.

(Trong ảnh: Chị Lê Thị Vẹn trong vườn chanh không hạt)

(theo cesti.gov.vn)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024