"Tôi thấy loại táo này mới xuất hiện, giá rẻ chỉ 7.000 đến 10.000 đồng một ký, ăn lại giòn và ngọt. Mấy cô bán bán hàng bảo là táo ta, vì táo Tàu sao có loại nhỏ thế, nên yên tâm mua thường xuyên cho cả nhà", chị Như ở Thanh Xuân kể.
Nhiều bà nội trợ khác cũng rất chuộng loại quả này, yên tâm vì được những người bán giới thiệu là táo Hà Giang, Lạng Sơn...
Tuy nhiên, ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo thống kê chính thức Việt Nam không có diện tích nào trồng loại táo ôn đới này. "Một số nơi từng trồng thử nhưng không thành công vì không hợp khí hậu", ông nói.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, hay "ông già ozon", người thường đi các tỉnh để giới thiệu cách bảo quản hoa quả, rau màu cho nông dân, thì khẳng định: "Tôi đi khắp các tỉnh ở vùng núi phía Bắc lẫn trong Nam rồi, chưa thấy nơi nào trồng được giống táo này cả. Đây là táo Trung Quốc".
Ông Khải cũng cho biết đây đang là thời điểm vào vụ thu hoạch của táo Trung Quốc, vì thế nó cũng được bán rất nhiều tại Việt Nam. "Tôi sang các tỉnh Trung Quốc thấy họ phân loại rất rõ ràng, loại tốt, ngon nhất thì bao bọc gói đàng hoàng rồi xuất đi, loại kém hơn thì bán ở các chợ và siêu thị, nhưng luôn còn cả lá lẫn cuống".
Trong khi đó, táo ở Hà Nội được bán hàng sọt, quả nhỏ và xấu, nhiều quả dập ủng. Không có quả nào còn lá, có chăng chỉ là cái cuống khô hoặc đã rụng hết cuống. "Đây là nhóm táo có phẩm chất thấp. Và vì chất lượng kém như vậy, nên khi được vận chuyển đường trường, chất đống lại với nhau, không tránh khỏi khả năng bị dùng chất bảo quản", tiến sĩ Khải nhấn mạnh.
Tiến sĩ Khải cũng lưu ý người dân nếu chọn mua loại táo này thì nên chọn quả còn nguyên vẹn, thơm mùi táo, không bầm dập, cuống có màu cây và bấm vào có màu xanh. Nếu quả không có mùi táo, cuống khô cứng, bẻ ra trong có màu trắng thì là đã bị ngâm tẩm thuốc bảo quản, không nên mua.
(Ảnh: Hoàng Hà)