Thông tin chung
Tên thường gọi: Mồng tơi
Tên khác: Mùng tơi, Lạc quỳ
Tên tiếng Anh: Basella alba
Tên khoa học: Basella rubra L.
Tên đồng nghĩa: Basella alba L.; B. lucida L.; B. cordifolia Lam.; B. nigra Lour.
Thuộc họ Mồng tơi - Basellaceae
Mô tả
Cây thảo leo có thân quấn màu hung đỏ. Lá mọc so le, phiến nguyên và mọng nước. Hoa xếp thành bông, màu tím nhạt. Quả bế hình cầu hay hình trứng nằm trong bao hoa nạc tạo thành một quả giả màu tím sẫm.
Có hai thứ thường trồng: thứ hoa trắng tím, quả đen nhánh và thứ hoa trắng, quả trắng.
Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Basellae Albae.
Nơi sống và thu hái
Loài cổ nhiệt đới, thường được trồng làm rau ăn. Thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi. Hạt thu hái ở quả chín, phơi khô.
Thành phần hóa học
Lá tươi chứa nhiều vitamin (chủ yếu là vitamin A và B); cây chứa protein, calcium, sắt, vitamin, chất nhầy.
Tính vị, tác dụng
Theo Đông y, mồng tơi có vị chua ngọt, không độc, tính lạnh. Nó có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hoạt tràng... Dùng mồng tơi để giải độc, chữa đại tiện bí kết, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện khó, đái nhỏ giọt, đái dắt, chữa kiết lỵ hiệu quả.
Toàn cây có vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiếp cốt chống đau.
Lá Mồng tơi có vị chua, ngọt, tính mát; có tác dụng hoạt trường, thông đại tiểu tiện.
Công dụng:
Rau mồng tơi được chế biến dùng trong bữa ăn hằng ngày. Từ lâu, nó còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh.
Mồng tơi thường được dùng làm thức ăn như rau cho người bị táo bón, người đi đái ít và đỏ, phụ nữ đẻ xong ít sữa. Dùng tươi giã đắp sưng đau vú. Hạt dùng sắc lấy nước rửa chữa đau mắt. Còn dùng tán bột hoà với mật ong bôi lên mặt cho da mặt được mịn màng, hoặc dùng thoa trị rôm sẩy.
Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng làm thuốc trị lỵ, đại tiện bí kết, viêm bàng quang, viêm ruột thừa; dùng ngoài trị gẫy xương, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết, bỏng lửa.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá trong điều trị bệnh lậu và viêm quy đầu. Dịch lá dùng trị mày đay và trong trường hợp táo bón, nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Ở Thái Lan, lá được dùng trị bệnh nấm đốm tròn; hoa dùng trị bệnh nấm lang ben, rễ nhuận tràng và dùng ngoài trị sự biến màu của da tay, chân và dùng trị gàu; quả dùng làm thuốc nhuộm màu thức ăn.
Một số bài thuốc chữa bệnh
+ Lấy 500g mồng tơi cho mắm muối, tương, giấm nấu thành canh ăn cơm hằng ngày. Món ăn này chữa đại tiện táo bón rất hiệu quả. Sử dụng vài ngày là đại tiện sẽ thông.
+ Rau mồng tơi 30g, gà mái già: 1 con (bỏ đầu, chân, nội tạng) hầm lên ăn. Chú ý khi thịt gà chín mới cho mồng tơi vào, nấu thêm 20 phút bắc ra là ăn được. Món này chữa chứng đại tiện xuất huyết kinh niên hiệu quả.
+Dùng khoảng 100g mồng tơi sắc nước uống trong ngày thay trà chữa tiểu tiện không thông, đái dắt, đái nhỏ giọt hiệu quả.
+ Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn.
+ Dùng mồng tơi giã nát, lấy nước bôi lên chỗ da bị bỏng sẽ mau lành.
+ Mồng tơi cả cây khoảng 100g, móng chân giò 1 cái, hầm với nước và rượu. Ăn trong bữa cơm hằng ngày có tác dụng chữa khớp chân tay đau nhức do phong thấp.
+ Mồng tơi 60g sắc lấy nước đặc, hòa thêm chút rượu trắng uống khi nước còn ấm có tác dụng chữa chứng ngực bồn chồn, đầy tức.
Lương y Huyên Thảo cho biết thêm: Mồng tơi còn có tác dụng tốt trong việc cầm máu, giúp vết thương mau lành, cụ thể:
+ Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi chữa chảy máu mũi do huyết nhiệt (dân gian thường gọi là chảy máu cam)
+ Mồng tơi trộn với đường phèn, giã nát, đắp vào chỗ bị thương sẽ giúp cầm máu, vết thương mau lành.