Thông tin chung
Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.) Danser
Tên đồng nghĩa: Loranthus chinensis Candolle, L. estipitatus (Stapf) Danser; Scurrula chinensis (Candolle) G. Don; Taxillus estipitatus (Stapf) Danser.
Tên khác: Tầm gửi, Mộc vệ trung quốc, Chùm gửi
Thuộc họ Tầm gửi - Loranthaceae
Tầm gửi là tên gọi chung của một nhóm các loài cây thuốc, chủ yếu thuộc 2 họ là Loranthaceae và Viscaceae, bán ký sinh trên thân hoặc rễ các loài cây khác. Ở Trung Quốc người ta thống kê có tới 10 loài Tầm gửi khác nhau thuộc 2 họ này. Ở Việt Nam, theo Từ điển cây thuốc của Võ Văn Chi, có khoảng 7 loài Tầm gửi thuộc 3 họ: Loranthaceae, Viscaceae và Santalaceae. Không những vậy, vị thuốc từ Tầm gửi còn đa dạng hơn nhiều. Bởi cùng 1 loài Tầm gửi nhưng ký sinh trên những cây chủ khác nhau lại cho chúng ta những vị thuốc chữa bệnh riêng biệt. Ví dụ Tầm gửi cây Mít, Tầm gửi cây Dâu, Tầm gửi cây Nghiến, Tầm gửi cây Gạo v.v.... Trong công trình nghiên cứu gần đây nhất, loài Tầm gửi Taxillus chinensis (DC.) Danser đã được đề cập tới như là một nguồn thuốc điều trị bệnh béo phì đầy tiềm năng.
Tầm gửi, (Taxillus chinensis), hình theo static.flickr.com)
Mô tả
Tầm giử - Taxillus chinensis (DC.) Danser là cây bụi, sống ký sinh trên thân cá loài cây khác. Cành non có lông tơ màu vàng nâu, sau không lông, trên thân có nhiều bì khổng trắng. Lá mọc đối, lúc non có lông ở gân, chóp thuôn. Cụm hoa xim ở nách, cuống hoa ngắn hay dài. Hoa dài 1,5 - 2,5cm, xanh ở ngoài, đỏ ở trong, 4 nhị. Quả mọng tròn hay tròn dài có u, cao 6 - 8mm. 1 hạt.
Ra hoa tháng 8 - 9, quả tháng 9 - 10
Phân bố
Tầm gửi phân bố ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđonêxia, Philipin và Việt Nam. Ở nước ta, cây thường bám vào các cây gỗ trong rừng ở nhiều nơi từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Thừa - Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai tới Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Thành phần hóa học: Các hợp chất chính có tác dụng chữa bệnh trong Tầm gửi là avicularin và quercetin.
Công dụng
Trong Y học cổ truyền Tầm gửi thường được dùng trị phong thấp, tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng huyết áp cao. Liều dùng 12-20g sắc uống. ở Quảng Tây, Trung Quốc, toàn cây dùng trị phế nhiệt sinh ho, phong thấp tê đau, lá dùng trị đòn ngã tổn thương. (Võ Văn Chi - Từ điển cây thuốc (1999): tr 1100).
Tác dụng Dược lý
Tầm gửi biểu hiện tác dụng ức chế sự tổng hợp axit béo và làm giảm trọng lượng ở chuột thông qua 1 thí nghiệm sàng lọc. được các nhà khoa học Trung Quốc tiến hanh. Dựa trên cơ sở này, năm 2006, Wang Y và cộng sự đã xác định các đặc tính ức chế và thông số động lực học của tác dụng này ở Tầm gửi. Kết quả thí nghiệm cho thấy dịch chiết Tầm gửi ức chế sự tổng hợp axit béo thuận nghịch và không thuận nghịch với giá trị IC50 là 0,48microg/ml, với giá trị này Taxillus chinensis (DC.) Danser được xem là cây thuốc có khả năng ức chế sự tổng hợp axit béo tiềm năng nhất đã được báo cáo từ trước tới nay.
Những kết quả này đã mở ra hướng nghiên cứu về nguồn thuốc điều trị bệnh béo phì mới cho tương lai.
Tài liệu tham khảo
1. Wang Y et al. (2006). Potent inhibition of fatty acid synthase by parasitic loranthus [Taxillus chinensis (dc.) danser] and its constituent avicularin, J Enzyme Inhib Med Chem., 21(1):87-93 2 .
2. Wang Y et al. (2008). Parasitic loranthus from Loranthaceae rather than Viscaceae potently inhibits fatty acid synthase and reduces body weight in mice. J Ethnopharmacol. 118(3):473-8. 3 .
3. Võ Văn Chi - Từ điển cây thuốc (1999): tr 1100