Thông tin chung
Tên thường gọi: Khổ sâm
Tên khác: Khổ cốt, Dã hòe
Tên tiếng Anh: Kushenin, Ku shen
Tên la tinh: Sophora flavescens Ait.
Tên đồng nghĩa: Sophora angustifolia Sieb. & Zucc.; S. flavescens Ait. form. angustifolia (Sieb. & Zucc.) Yakovl.
Thuộc họ Đậu - Fabaceae
Mô tả
Cây nhỏ cao chừng 0,5-1,2m. Rễ hình trụ dài, vỏ ngoài màu vàng trắng. Lá kép lông chim lẻ mọc so le, gồm 5-10 đôi lá chét hình mác dài khoảng 2-5cm. Hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm dài 10-20cm ở nách lá. Quả đậu dài 5-12cm, đường kính 5-8mm, đầu có mỏ thuôn dài; hạt 3-7, hình cầu, màu đen.
(Khổ sâm - Sophora flavescens, hình theo wikipedia)
Bộ phận dùng
Rễ củ - Radix Sophorae Flavescentis; thường gọi là Khổ sâm.
Nơi sống và thu hái
Cây của Trung quốc, được nhập trồng từ những năm 1970. Cây đã được trồng và giữ giống ở Sapa (Lào cai). Thu hái củ, rửa sạch, thái lát, phơi khô; hoặc đem củ tươi ngâm nước vo gạo nếp một đêm, rửa sạch, để trong 3 giờ, rồi mới thái lát, phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo. Mùa thu và mùa xuân đào lấy rễ, cắt bỏ thân rễ và rễ non, rửa sạch, phơi khô hoặc thái phiến tươi, rồi phơi khô để làm thuốc. Khổ sâm có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, sát khuẩn, lợi niệu. Trong y học cổ truyền khổ sâm được sử dụng để điều trị: nhiệt lỵ, tiện huyết, xích bạch đới, thấp chẩn (eczema), mụn nhọt, lở ngứa... Liều dùng: thường 5-10g/ngày dưới dạng sắc uống.
Thành phần hoá học
Trong rễ Khổ sâm có các alcaloid matrin, oxymatrin, sophoranol, N-methylcytisin, anagyrin, baptifolin, sophocarpin, d-isomatrin, kuraridin, norkurarinon, kuraridinol, kurarinol, neo-kurarinol, norkurarinol, formononetin. Lá chứa vitamin C 47mg%; hoa chứa 0,12% tinh dầu.
Tính vị
Khổ sâm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, khử thấp, trừ phong, sát trùng. Người ta đã biết được tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh, gây tăng huyết áp, co mạch và có phần nào gây ngủ, lợi tiểu và tăng bài tiết muối natri. Khổ sâm là một vị thuốc bổ đắng.
Công dụng
Khổ sâm được dùng chữa lỵ, chảy máu ruột hoàng đản, tiểu tiện không thông có máu, sốt cao hoá điên cuồng. Còn dùng làm thuốc bổ đắng cho người và trị bệnh giun và ký sinh trùng cho súc vật. Nước sắc đặc cũng được dùng rửa mụn nhọt, lở loét. Ngày dùng 10-12g dạng thuốc sắc, bột hoặc viên chia 3 lần uống trong ngày.
Khổ sâm được dùng chủ yếu để chống rối loạn nhịp tim. Nó làm hạ thấp nhịp tim, tăng thời gian dẫn truyền tim và làm giảm tính kích thích cơ tim. Tác dụng này không bị ảnh hưởng bởi atropin hay tác nhân beta - adrenergic. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng D-matrin một hoạt chất của khổ sâm có hoạt động chống rối loạn nhịp tim trên động vật bởi tác dụng ức chế trực tiếp trên cơ tâm nhĩ. Khổ sâm cũng có tác dụng làm tăng lượng bạch cầu và đã biểu hiện bản chất chống vi khuẩn và chống ung thư.
Người ta cũng thấy khổ sâm ức chế tổng hợp protein virut gây ra giảm sự sao chép virut.
Những dẫn xuất của matrin cũng có tác dụng chống viêm nhiễm và ức chế định thấm mao mạch bởi histamin.
Khổ sâm được dùng hiện nay chủ yếu chống rối loạn nhịp tim. Ngoài ra trên lâm sàng ôxy matrin có tác dụng trong điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng bởi ức chế sự mất kết hạt của các tế bào mastocyt.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng khổ sâm trong chống sốt và ẩm ướt cơ thể, thuốc chống sán lãi, chữa tiếng tim đập không đều, eczema, tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm kết mạc mạn tính và cấp, nhiễm trùng roi âm đạo.
Khổ sâm chống lại tia X nên dùng trong chống bệnh máu trắng và sử dụng lợi niệu khi phù nề.
Các bài thuốc với khổ sâm
Đại tiện ra nhiều máu: Khổ sâm tán bột 12g, Sinh địa 20g, nấu nhừ, thêm 10g mật, rồi cho bột Khổ sâm vào, luyện viên bằng hạt ngô, chia 3 lần uống trong ngày (chiên với nước nóng).
Lỵ cấp tính: Khổ sâm 38-57g sắc uống chia làm 3 lần trong ngày.
Ngứa ngoài da: Dùng nước sắc rễ Khổ sâm để rửa.
Viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas: Dùng bột rắc có công thức: Rễ Khổ sâm 0,5g, glucose 0,5g và acid boric trộn lẫn. Trước tiên dùng dung dịch 1/5000 kali permanganat rửa âm đạo, lau khô, rồi rắc bột Khổ sâm pha chế như trên vào. Mỗi đợt điều trị 3 tháng, có hiệu quả nhất định. Đối với loét cổ tử cung, cũng có tác dụng nhất định. Ngoài ra còn dùng thuốc hình viên đạn, mỗi ngày dùng 1 lần.
Viêm tai giữa: Rễ Khổ sâm 2g, băng phiến 0,4g, dầu Thầu dầu 12g. Nấu sôi dầu, cho Khổ sâm vào, đun đến khi cháy đen, lấy ra đợi cho nguội, cho bột băng phiến vào. Rửa sạch mủ tai, rồi nhỏ dầu vào, mỗi ngày 2-3 lần.
Một số bài thuốc điều hòa nhịp tim
Bài 1: Bài thuốc khổ sâm long thảo chứa khổ sâm chủ trị loạn nhịp tim, thanh tâm hỏa. Khổ sâm 30g, ích mẫu 30g, chích thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Cho 600ml nước sắc còn 200ml chia uống 3 lần trong ngày.
Bài 2: Chủ trị bệnh động mạch vành và ngoại tâm thu, viêm cơ tim. Khổ sâm một phần, hồng hoa một phần, chích thảo 0,6 phần. Xay mịn làm thành viên 0,5g. Mỗi lần uống 3 viên, ngày uống 3 lần.
Chích cam thảo 2g, sinh hoàng kỳ 20g, ngọc trúc 30g, sinh tử thanh 60g (sắc trước). Khổ sâm 15g (nếu tim đập nhanh thì dùng 30g). Cho 600ml nước, sắc còn 200ml chia uống 3 lần trong ngày.