Thông tin chung
Tên thường gọi: Đu đủ
Tên khác: Mộc qua
Tên tiếng Anh: papaya
Tên la tinh: Carica papaya L.
Thuộc họ Đu đủ - Caricaceae
Mô tả
Cây cao đến 10m, mang một bó lá ở ngọn. Lá mọc so le, có cuống dài, mỗi phiến lá chia làm 8-9 thuỳ sâu, mỗi thuỳ lại bị khía thêm nữa như bị xẻ rách. Hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm xim ở nách những lá già. Hoa thường khác gốc, nhưng cũng có cây vừa mang cả hoa đực; hoa cái và hoa lưỡng tính, hoặc có hoa cái và hoa lưỡng tính. Cụm hoa đực phân nhánh nhiều, có cuống, rất dài. Cụm hoa cái chỉ gồm 2-3 hoa. Quả mọng to, thịt quả dày, trong ruột quả có nhiều hạt đen.
(Cây đu đủ, hình theo wikipedia)
Bộ phận dùng
Quả, hạt, hoa đực, lá, rễ, nhựa - Fructus, Semen, Flos musculus, Folium, Radix et Latex Caricae Papayae; papain (trong nhựa) và cacpain (alcaloid trong lá, quả, hạt).
Nơi sống và thu hái
Là cây có nguồn gốc từ nam Mexico, Trung Mỹ và bắc Nam Mỹ, đu đủ ngày nay được trồng ở phần lớn các nước nhiệt đới như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Sri Lanka , Philippines, Việt Nam.
Đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây. Trong quả đu đủ có một enzyme gọi là papain, một chất protease có tác dụng làm mềm thịt và các chất protein khác, do đó đu đủ xanh thường được hầm chung với thị giúp thịt nhanh mềm.
Đu đủ được trồng khắp mọi nơi để lấy quả ăn. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm. Nhựa chích từ quả xanh đem phơi khô.
Thành phần hoá học
Trong quả chín có chừng 95% nước, các chất đường, trong lá chủ yếu là glocuse 8,5%, một ít pectin, chất béo, một ít muối vô cơ (Ca. P.Mg. Fe), vitamin A, B, C. Quả đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây như thân, rễ, lá, đều chứa chất nhựa mủ. Trong nhựa mủ này có men papain có khả năng hoà tan một khối lượng tơ huyết (fibrin) gấp 2000 lần khối lượng của nó. Men này có tác dụng tiêu hoá protid, biến đổi các chất có albumin thành pepton; cũng có tác dụng tiêu mỡ, tiêu các hydrat cacbon trong môi trường hơi kiềm hay trung tính. Nó cũng có tính chất làm dễ tiêu hoá và giải độc. Nó làm triệt tiêu progosteron, một hormon sinh dục cần thiết chuẩn bị cho tử cung thụ thai và duy trì sự sống cho bào thai sau đó. Carpain (có nhiều trong lá) có tác dụng gần như digitalin là loại thuốc làm mạnh tim. Hạt đu đủ chứa mysorin và kali myronat khi kết hợp với nhau tạo thành tinh dầu mùi diêm sinh hắc. Trong rễ, có nhiều kali myronat, trong lá có nhiều myrosin.
Tính vị, tác dụng
Trong đông y, đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ. Đu đủ ăn vào mùa nào cũng tốt cho sức khoẻ. Mùa xuân, hè ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Mùa thu - đông, ăn đu đủ có tác dụng nhuận táo, ôn bổ, tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ trong 100g quả đu đủ có 74-80mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Đặc biệt, trong đu đủ có nhiều vitamin C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do chứa nhiều các thành phần trên nên đu đủ rất hữu ích trong việc phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, vô hiệu hóa những chất có hại cho làn da, tránh da nhăn sớm, chống lại những độc tố và giữ cho da khỏe mạnh; tăng sức đề kháng cho cơ thể và là một trong những vũ khí đắc lực chống lại căn bệnh viêm túi mật xuất hiện nhiều ở phụ nữ. Quả đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây. Đu đủ xanh và chín ngoài cung cấp dinh dưỡng còn có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh. đu đủ xanh dùng để điều chế thuốc chữa lệch khớp xương hoặc thuốc tiêm giảm đau do các dây thần kinh gây nên. Đu đủ chín rất mềm, có vị ngọt, không chứa độc tố, lành tính nên thích hợp cho người già, trẻ em và những người đang trong giai đoạn dưỡng bệnh. Ngoài ra, nhựa và hạt đu đủ xanh được sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật. Rễ cây đu đủ sắc lấy nước uống chữa chứng tiểu rắt, buốt...
Đu đủ chín có vị ngọt mát, có tác dụng nhuận tràng, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu. Đu đủ xanh vị đắng, ngọt, có tác dụng tiêu mạnh, nhưng ăn nhiều thì xót ruột. Nhựa mủ quả xanh làm tan vết nhơ ở da, lại có tác dụng trục giun, nhất là giun đũa. Còn có tác dụng chống đọng máu. Hạt cũng trừ giun, hạ sốt, lợi trung tiện, điều kinh và gây sẩy. Rễ hạ sốt, tiêu đờm, giải độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Đu đủ chín là một món ăn và bổ dưỡng giúp sự tiêu hoá các chất thịt, chất albumin. Quả Đu đủ xanh được chỉ định dùng trong suy thiểu năng tiêu hoá, dạ dày và tuỵ, trong sự giảm dịch vị hay sự lên men dạ dày, trong viêm dạ dày mạn tính, lên men ruột và viêm dạ dày ruột non của trẻ em. Quả Đu đủ xanh dùng ăn sống trong 3 ngày liên tiếp có thể gây sảy thai; quả Đu đủ chín dùng ăn hàng ngày sẽ ức chế sự thụ thai. Hạt thường dùng làm thuốc trị giun. Rễ dùng trị sốt rét và làm thuốc lợi tiểu. Lá Đu đủ dùng tiêu mụn nhọt. Lá nấu nước dùng tẩy sạch vết máu ở vải và rửa vết loét, vết thương, sát trùng. Nhựa Đu đủ bôi mặt bị tàn nhang và các vết nhơ khác ở da, hắc lào mới phát, các loại lở sần da ngoan cố. Hoa Đu đủ đực dùng trị ho gà.
Cách dùng
Quả xanh dùng hầm với thịt. Lá, rễ thường sắc nước uống và rửa. Hoa hấp với đường, đường phèn. Nhựa dùng dạng bột hay xi rô, rượu thuốc, hoặc chế xi rô papain.
Đơn thuốc
Chữa di, mộng, hoạt tinh: Quả Đu đủ bằng bắp tay, khoét cuống; cho 2 cục đường phèn vào, lắp cuống, gạt lửa than nướng chín, đem ra bóc vỏ da xanh bên ngoài, ăn lớp thịt bên trong, kể cả hạt. Chỉ cần ăn 1-2 quả là thấy kết quả (Kinh nghiệm dân gian ở An Giang).
Chữa ung thư phổi, ung thư vú: Hái lá lẫn cuống Đu đủ để tươi, cho vào nồi, thêm nước nấu sôi, để nguội, chiết nước đặc uống, cũng có thể nấu thành nước cô lại. Uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 chén to (300ml). Ngoài ra uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng. Có thể kết hợp với chiếu tia X quang và uống bột củ Tam thất thì hiệu quả càng nhanh. Tuy nước lá Đu đủ đắng, nhưng cần uống liên tục 15-20 ngày mới có kết quả.
Ho gà: Dùng hoa Đu đủ đực 30g nấu lấy nửa chén nước, hoà tan với đường cho trẻ em uống ngày 2 lần
Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, ăn liên tục 3-5 ngày.
Chứng ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, chuối, củ cà rốt mỗi thứ 100g; xay trong nước dừa non. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.
Làm lành các vết loét trên da: Trộn nước đu đủ chín với một chút bơ sau đó bôi lên vết loét. Cách làm này có tác dụng làm se bề mặt và nhanh chóng làm liền vết thương.
Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g hầm ăn, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn trong 3-5 ngày.
Chứng tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ xanh 30g, khoai mài 15g, sơn tra 6g, các thứ rửa sạch đem nấu cháo ăn trong ngày.
Tạo sữa cho bà mẹ đang nuôi con bú: Một quả đu đủ non hầm với một cái móng giò, ăn vào các bữa ăn hàng ngày.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh vì dễ gây sẩy thai