Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Cây Thìa canh làm mất vị giác ngọt

Cập nhật ngày 9/10/2008 lúc 6:20:00 PM. Số lượt đọc: 3848.

Sau khi nhai lá cây Thìa canh, lưỡi của bạn sẽ mất cảm giác với vị ngọt. Bởi thế mà loài cây này còn có tên là "gurma" hay "chất hủy diệt đường".

Thông tin chung

Tên thường gọi: Thìa canh
Tên khác: Lõa ti rừng, Dây thìa canh, Dây muôi
Tên Khoa học: Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult.
Tên đồng nghĩa: Periploca sylvestris Retz.
Họ: thiên lý (Asclepiadacea)

Đặc điểm

Dây leo cao 6-10m, nhựa mủ màu vàng, thân có lông dài 8-12cm, to 3mm, có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục xoan ngược thon, dài 6-7cm, rộng 2,5-5cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4-6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5-8mm. Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8mm, rộng 12-15mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng. Quả đại dài 5,5cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3cm. Mùa hoa tháng 7, mùa quả tháng 8.

Cây thường mọc trong các bờ bụi, hàng rào tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình tới Thanh Hóa. Còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Inddooxnexia.


Cây thìa canh (cành mang quả) - Gymnema sylvestre R. Br.

Thành phần hóa học

Chất chính của cây có tác dụng làm giảm đường là gymnemic acid, conduritol. Ngoài ra còn có 2 resin, saponin, stigmasterol, quercitol, các dẫn xuất acid amin betain, choline và trimethylamine và các nguyên tố vi lượng.

Gymnemic acid là những saponin với cấu trúc triterpenoid. Mỗi gymnemic acid trong lá chiếm khoảng 0,05% - 0,12%.

Dược tính

Trong Y học cổ truyền, cây thường dùng trị đái đường với liều 4g lá khô đủ để làm ngưng glucoza - niệu. Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hóa, còn dùng tán thành bột để chống độc. Thìa canh đã được sử dụng ở Ấn Độ từ 2.000 năm nay để trị bệnh "nước tiểu ngọt" như mật. Ngoài ra cây còn được dùng đắp lên vết cắn và sắc uống để trị rắn độc cắn. Ở Trung Quốc, người ta dùng cả cây bỏ rễ và quả làm thuốc trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn; còn dùng diệt chấy rận.

Có một điều thú vị là khi nhai Thìa canh trong miệng, lưỡi cùa bạn sẽ mất cảm giác với vị đắng và ngọt (kể cả aspartam) nhưng không ảnh hưởng đến các vị giác chua, chát, cay. Tác dụng này quá đặc biệt với vị ngọt nên các vị ngọt khác nhau của đường, acid amin và các chất ngọt hoá học đều mất. Vị giác sẽ được phục hồi sau khoảng 15-20 phút nhưng kháng thể chống gurmarin trong huyết thanh có thể rút ngắn thời gian này. Mặt khác, tiêm mạch gurmarin không làm mất vị giác ngọt. Do đó, người ta cho rằng gurmarin tác dụng trên đỉnh của tế bào vị giác và có lẽ đã bám lên thụ thể protein của vị giác ngọt.

Tính hạ đường huyết: Một nghiên cứu so sánh cao Thìa canh (100mg/kg/ngày) với tolbutamide (5mg/kg/ngày) trên chuột cống (cho uống trong 1 tháng), cho thấy cây Thià canh hạ đường huyết tương đương với tolbutamid. Tuy nhiên chưa biết rõ mức độ an toàn nếu dùng lâu dài.

Thí nghiệm trên 22 bệnh nhân tiểu đường loại II: cho uống cao Thìa canh 400mg/ ngày, từ 18-20 tháng cùng với thuốc trị tiểu đường. Ở nhóm bệnh nhân này, lượng đường và hemoglobin A1C giảm đáng kể bên cạnh đó lượng insulin tiết ra từ tụy tạng tăng.. Lượng thuốc uống trị tiểu đường cũng giảm và 5 người có thể bỏ thuốc hoàn toàn.

Tác dụng giảm mỡ và cholesterol trong máu: nghiên cứu cho chuột uống dịch chiết cao lá Thìa canh (GSE) với liều cao làm tăng sự bài thải cholesterol và acid cholic theo phân.

Cơ chế tác dụng

Lá và acid gymnemic ở cây Thìa canh có tác dụng hạ đường huyết do cơ chế kép: làm tăng gấp đôi lượng tế bào béta tụy tạng và làm đường huyết bình thường trở lại trên mô hình động vật bị gây tiểu đường bằng beryllium nitrate và streptozotocin.

Thìa canh làm tăng hoạt tính của các enzym giúp tế bào thu nhận và sử dụng đường, ức chế sử dụng glucoz ở ngoại vi dưới tác dụng của somatotropin và corticotropin. Cao Thìa canh còn ngăn đường tăng cao do epinephrin.

Sở dĩ nhai Thìa canh trong miệng làm mất vị giác ngọt là bởi các tế bào vị giác ở lưỡi có cấu trúc giống tế bào hấp thụ đường, còn gymnemic acid gồm những phân tử sắp xếp giống phân tử đường glucoz trám đầy các các vị trí thụ thể trong tế bào vị giác từ 15-20 phút, làm các tế bào này không bị kích thích bởi đường trong thức ăn và không hấp thụ đường trong ruột.

Độc tính

Tác dụng độc của acid gymnemic biểu hiện ở trạng thái làm ăn kém ngon, ỉa chảy, suy nhược. Độc tính chưa được biết nhiều. Nghiên cứu ở thú không cho nhiều chi tiết về mức độ an toàn. Không thấy báo cáo về tính độc hại cho người và chưa rõ mức độ an toàn nếu dùng dài ngày. Liều trên 10 viên G. Sylvestre / ngày có thể tạo tác dụng hạ đường huyết.

Hiện nay loài cây này được bán dưới dạng thực phẩm chức năng tại Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng trị tiểu đường và hạ mỡ máu cũng như độc tính khi sử dụng lâu dài. Hy vọng có thể dùng cây Thìa canh cho những bệnh nhân bị lờn tác dụng của insulin.

Trích dẫn tài liệu của DS Lê Văn Nhân – USA
Tài liệu tham khảo:
1. Tự điển cây thuốc VN của Võ Văn Chi
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Gymnema_sylvestre
3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/

Nguồn ảnh:

http://www.himalayahealthcare.com
http://www.nutrimart.com/images/bulk/gymnema-sylvestre.jpg

 

 

N.Q.Nga (Viện Dược liệu)

PHẢN HỒI TỪ BẠN ĐỌC
thứ Tư, 11-7-2012Nguyễn Quỳnh Nga
Địa chỉ/Address: Viện Dược liệu

Cảm ơn sự quan tâm của bác tới bài báo trên trang web của chúng tôi.

Xin khẳng định với bác hình ảnh chúng tôi trích dẫn trong bài đúng là ảnh cây thìa canh.
Vì không có mẫu nên chúng tôi không biết chắc cây bác mô tả ở quê bác có phải là cây thìa canh hay không. Còn cây thìa canh (Gymnema sylvestre thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae) đúng là có quả hình mỏ như bác nói, thường gồm 2 quả (mà chúng tôi gọi là đại theo thuật ngữ chuyên môn về thực vật học), bên trong có nhiều hạt có túm lông trắng ở đỉnh giúp phát tán (mà chúng tôi gọi là lông mào). Đây là đặc điểm thường thấy của các loài trong họ Thiên lý : Asclepiadaceae. Có thể loài ở quê bác cũng cùng họ này.

Chúng tôi đã xem ảnh từ các đường link của bác, theo nhận định của chúng tôi những ảnh này cũng đúng là ảnh cây thìa canh. Tuy nhiên sở dĩ bác thấy khác với hình của chúng tôi là vì các hình ảnh này chỉ chụp riêng một dây thìa canh có hoa, không có quả và không thành bụi lớn như hình của chúng tôi. Hơn nữa hình chụp phần ngọn non của cây nên trông có vẻ khác biệt. Vì như bác biết, cành non và cành già trông sẽ khác biệt. Thậm chí trên một cây có thể có những dạng lá khác nhau... Cùng một cây nhưng chụp ở nhiều góc độ, nhiều thời điểm khác nhau cũng sẽ khác nhau.

Để biết chính xác tên (tên khoa học) của một cây, cần phải gửi mẫu cành lá của cây kèm hoa/quả tới các cơ quan có chuyên môn nhờ giám định tên khoa học.

Chúng tôi xin gửi bác hình vẽ cây thìa canh trong Thực vật chí Trung Quốc để bác tham khảo trong đó có vẽ hoa và quả của cây thìa canh. Đây là tài liệu về phân loại thực vật. Tất cả các chuyên gia về thực vật khi muốn phân loại, xác định tên chính xác của bất cứ loài thực vật nào cũng phải tham khảo những bộ thực vật chí này. Dưới đây là tên tài liệu chúng tôi trích dẫn.

Wu, Z. Y. & P. H. Raven, eds. 1995. Flora of China. Vol. 16 (Gentianaceae through Boraginaceae). Science Press, Beijing, and Missouri Botanical Garden Press, St. Louis. 479 pp.

Cảm ơn bác
Nguyễn Quỳnh Nga

thứ Năm, 21-6-2012Đỗ Xuân Cầu
Địa chỉ/Address: Phúc Yên - Vĩnh Phúc

Xin chào tác giả bài báo N.Q.Nga (Viện Dược liệu)
Theo mô tả và hình đăng trong bài báo của Tác giả, dây thìa canh này giống hệt với cây Mỏ quạ mọc tại hàng rào quê tôi. (vì quả có hình mỏ quạ, khi chín khô hạt tung ra và phát tán nhờ gió do có mang lông tơ màu trắng hình dù).
Nhưng trong các trang web hay logo cho sản phẩm thương mại, dây thìa canh có hình ảnh khác biệt so với hình ảnh dây thìa canh trong bài báo này.
Vì vậy Tôi rất mong được Tác giả chỉ dẫn cụ thể để Tôi cùng bạn đọc không bị băn khoăn và tránh dùng lầm sản phẩm.
Tôi xin gửi kèm đường link đến Tác giả:
http://vietgioitinh.org/y-hoc-co-truyen/4193-tra-day-thia-canh-chua-tieu-duong.html
http://www.khangduoc.vn/ba-benh/san-pham/f=detail&khangduoc=607
http://www.duocnhanhoa.com/img/article/A18SHBVF_day%20thia%20canh.jpg
Best regards
---------------
Đỗ Xuân Cầu
Tel: 0913-515.646
Email: doxuancau@gmail.com
Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025