Nhớ dai như... thực vật
Nếu bạn hành hạ chúng, chúng sẽ nhớ mãi những gì bạn làm. Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu của các nhà thực vật học người Pháp. Họ sử dụng những chiếc kim châm thật nhiều lên thân cây bident, một loại thực vật ăn thịt nhiệt đới. Sau những hành vi “tàn bạo” như vậy, các nhà nghiên cứu còn tiếp tục bẻ cong thân hình chúng, nhưng sau đó đã an ủi chúng bằng cách bón thêm chút muối khoáng và chất dinh dưỡng để chúng chống chọi tốt hơn với những "vết thương" trên mình.
Một thời gian sau, những "vết thương" đã hoàn toàn bình phục. Nhưng theo bạn, chúng sẽ quên hết những vết kim châm chỉ vì chút thức ăn nhỏ đó sao? Không hề. Bằng chứng là chúng không thèm tăng trưởng... Theo các nhà nghiên cứu, cây Đơn buốt (Bidens pilosa, hình bên, hình theo satic.flickr.com) không phải là trường hợp ngoại lệ mà còn có rất nhiều loại thực vật khác đã không thèm lớn nếu bị đối xử không tốt.
Thực vật “buôn dưa lê” với nhau?
Có khi nào bạn nghe thấy cây cối "nói chuyện" không? Chắc chắn là không, ngay cả khi bạn đi giữa một rừng cây. Tuy nhiên, các nhà thực vật học lại cho rằng cây cối giao tiếp và kêu cứu đồng loại theo cách riêng của chúng mà thường xuyên nhất là trong trường hợp báo động có nguy hiểm. Chẳng hạn, sau khi bị sâu bọ tấn công, cây cà chua ngấm ngầm báo cho họ hàng biết bằng cách giải phóng một số phân tử mùi vào không khí. Bức thông điệp này được các nhà thực vật học xác định là có mùi của thảm cỏ mới bị xén. Ngay sau khi nhận được cảnh báo trên, các cây hàng xóm chuẩn bị đối phó với sự tấn công của những kẻ phá hoại bằng cách dùi mài vũ khí hóa học của chúng.
Không chỉ có các loại cây trồng mới biết cảnh báo nguy hiểm cho nhau hay “buôn dưa lê” mà trong vùng thảo nguyên Nam Phi, các cây keo khi bị những chú koudou, loài động vật họ hàng với linh dương, tấn công ngay lập tức cảnh báo cho các cây xung quanh bằng bức thông điệp khí. "Tiếng kêu cứu" này giúp cho các cây khác tìm cách bảo vệ lá của chúng bằng cách tập trung toàn bộ chất tanin có vị chua chát lên lá. Đây là cách phòng thủ hữu hiệu để đẩy lùi những kẻ thù ăn lá.
Chiến thuật chống hạn của thực vật
Để chống lại cái nóng, con người biết lắp điều hòa không khí, vậy thực vật sẽ phản ứng như thế nào để tránh được “stress” về nước?
(Thực vật bị hạn, chiến thuật giảm thoát hơi nước của Xương rồng trên sa mạc, hình theo freeze.com)
Thông thường thực vật giữ lại trong mình rất ít nước hút được từ đất. Khi nhựa cây đi từ dưới rễ lên ngọn, nó chứa 98% là nước. Lượng nước này khi tới lá cây sẽ được bốc hơi thông qua các lỗ khí cực nhỏ trên bề mặt lá. Tuy nhiên, cây sẽ bị "stress" về nước nếu khối lượng nước bốc hơi nhiều hơn lượng nước mà cây hút được từ đất. Để tránh tình trạng này, trong quá trình phát triển, thực vật tiến hành áp dụng rất nhiều phương pháp nhằm tiết kiệm nước.
“Khi rễ cây cảm nhận được tình trạng khan hiếm nước trong lòng đất, lập tức nó tổng hợp ra một loại hoóc môn gây stress. Đó là axit abscissique. Chất hóa học này theo nhựa cây lên đóng các lỗ khí bốc hơi nước trên bề mặt lá lại. Như vậy hạn chế được lượng nước bốc hơi” - Thierry Simonneau, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm sinh lý môi trường thực vật chịu stress thuộc Viện Nông học Montpellier (Pháp) giải thích.
Một số loài thì "chống hạn" bằng cách cuộn lá lại như cây ngô hoặc làm héo lá như cây hướng dương... Tuy nhiên như vậy cây sẽ chậm phát triển.