Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TIN TỨC CHUNG - THỜI SỰ

Thần dược "Lược vàng"?

Cập nhật ngày 16/9/2008 lúc 5:09:00 PM. Số lượt đọc: 1934.

Thời gian gần đây, trên mạng internet cũng như một số nguồn tư liệu khác có tuyên truyền về công dụng chữa bệnh "diệu kỳ" của một loại "thần dược" được gọi là cây "Lược vàng" hay "Lan vòi". Chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về loài cây này.

Mẫu cây Lược vàng đã từng được gửi tới Khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu - Bộ Y tế để nhờ giám định tên khoa học. Qua phân tích mẫu kết hợp đối chiếu với các tài liệu hiện có và thu thập được, các cán bộ của Khoa đã xác định tên khoa học của cây Lược vàng là: Callisia fragrans (Lindl.) Woodson, thuộc họ Thài lài - Commelinaceae (synonym: Tradescantia dracaenoides Hort). Vậy, không hiểu báo điện tử tienphong.vn ngày 14/09/2008 có đăng tin: "...Viện nghiên cứu Dược liệu Bộ Y tế xác định Lược vàng (bà con xứ Thanh còn gọi là Lan vòi, Lan rũ, Địa lan vòi…) có tên khoa học: Callificia Frangranx Commelinace" là dựa trên cơ sở nào?

Callisia fragrans là cây thảo nhiều năm; thân mọng nước, có thể dài tới 1m, phân nhánh với thân bò ở gốc. Lá mọc tập trung ở ngọn thân, rải rác ở phía dưới, dạng mác thuôn, dài 18-25cm, rộng 3,5-4cm, cuống lá có gân rõ, ôm thân, có lông mịn và thường có sọc tía. Hoa mọc thành cụm 2-3 hoa dạng xim trên phát hoa hình chuỳ dài tới 60cm, mỗi cặp xim được ôm bởi các lá bắc dạng răng cưa (3 răng) dài 10-15mm; lá đài trong suốt, màu trắng, khô xác, dạng mác, dài 5-6mm; cánh hoa bóng, trong suốt, màu trắng, mỏng, có dạng trứng hẹp; nhị 6. Mùa ra hoa: mùa xuân.

http://forum.garten-pur.de/attachments/JD500144_640x480.jpg

Là loài cây bản địa của Mexico, Callisia fragrans được trồng làm cảnh ở nhiều nước bởi có thân bò khá đẹp và dễ trồng. Người ta thường trồng chúng trong các chậu treo để thân buông rủ tạo dáng hoặc phủ kín mặt đất tạo thảm xanh trong vườn nhà. Do khả năng phát triển nhanh, ở Florida - Mỹ, loài cây này được xếp vào danh sách "Các loài thực vật nhập trồng xâm lấn".

Hiện trên thế giới, những nghiên cứu khoa học về Lược vàng mới chỉ dừng ở mức phân tích thành phần một số chất cơ bản trong cây như: chất béo, đường, hàm lượng vitamin C, sắc tố diệp lục, carotinoid... chứ chưa có kết luận cụ thể về công dụng chữa bệnh dựa trên thành phần hóa học và tác dụng dược lý. Việc tuyên truyền, sử dụng phương thuốc Lược vàng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người dân. Phân tích các nguồn tư liệu cho thấy, Lược vàng chỉ được dùng làm thuốc ở Nga còn ở các nước khác, loài cây này vẫn được xem là cây cảnh thông thường. Tại thành phố Thanh Hóa của nước ta, phong trào trồng Lược vàng đang ngày một lan rộng, người ta còn tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi nói chuyện, in phát tài liệu... tuyên truyền về công dụng chữa bệnh và gọi nó với cái tên "thần dược". Tuy nhiên, những nguồn thông tin này vẫn còn thiếu cơ sở khoa học, chưa được các cơ quan chuyên ngành và các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế kiểm chứng một cách khách quan.

Để giải đáp những thắc mắc của dư luận về tác dụng thực sự của Lược vàng đồng thời đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe người dân, các cán bộ của Viện Dược liệu đang tiến hành những nghiên cứu về hóa học và dược lý nhằm xác minh một cách khoa học tác dụng chữa bệnh "kỳ diệu" của loài cây này. Mặc dù cho tới nay chưa có công bố nào về trường hợp ngộ độc do dùng Lược vàng để chữa bệnh, người dân vẫn nên thận trọng trước khi có câu trả lời chính xác từ các cơ quan chức năng.  

 

  1. Flora of North America Editorial Committee (2000). "Callisia". in Flora of North America, Vol. 22. Oxford University Press.
  2. Invasive exotic plants. http://plants.ifas.ufl.edu/node/40
  3. T. V. Chernenko et al. (2007).  "Chemical investigation of Callisia fragrans" in Chemistry of Natural Compounds, Springer New York, Volume 43, Number 3: 253-255. 
  4. Nguồn ảnh: http://forum.garten-pur.de/

N.Q.Nga (Theo Nguồn tin của Viện Dược liệu - Bộ Y tế)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025