Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CỎ LÀM THUỐC

Đông dược trị chứng “đèn đỏ phập phù”

Cập nhật ngày 4/9/2008 lúc 9:41:00 PM. Số lượt đọc: 511.

Đèn đỏ là cách nói dân dã về kỳ kinh của người phụ nữ. Theo Nội kinh tố vấn, Thiên thượng cổ thiên chân luận sách Tố vấn chép: “Con gái 7 tuổi thận khí thịnh, răng thay, tóc dài. 14 tuổi (2 x 7) thì có thiên quý, mạch nhâm thông, mạch thái xung thịnh. Kinh nguyệt ra đúng kỳ”.

Người phụ nữ khỏe mạnh bình thường thì 28 ngày thấy kinh nguyệt một lần. Nhưng cá biệt cũng có người thân thể khỏe mạnh mà 2 tháng có kinh một lần thì gọi là “tinh nguyệt”. 3 tháng hành kinh một lần thì gọi là “cư kinh” hay “án quý”, một năm hành kinh một lần thì gọi là “tỵ viên”, suốt đời không hành kinh thì gọi là “âm kinh” nhưng những trường hợp nói trên là hết sức cá biệt.

Khác với chu kỳ trên như kinh ra trước kỳ, kinh ra sau kỳ, kinh ra trước sau không định kỳ, lượng kinh quá nhiều, quá ít thì gọi là kinh nguyệt không đều hoặc là rối loạn kinh nguyệt.

 http://i45.photobucket.com/albums/f71/PhamKimAnh/Diahoang2.jpg

(Hương phụ và Sinh địa)

Nguyên nhân bệnh

Tùy theo nguyên nhân mà có các biểu hiện lâm sàng và phép luận trị cụ thể.

Do huyết nhiệt: Vì ăn nhiều thức ăn cay nóng, hút thuốc, uống rượu, hoặc do khí hậu nóng cảm phải nhiệt tà, nhiệt đọng vào huyết, làm cho huyết đi sai đường dẫn đến kinh nguyệt đến sớm, lượng kinh nhiều.

Do hư nhiệt: Do chân âm bị thương tổn, suy nghĩ và phòng lao làm động hỏa, do thất tình thương tổn bên trong mà hóa hỏa, làm âm huyết kém, hỏa nhiệt mạnh dẫn đến kỳ kinh đến sớm, nhưng lượng kinh lại ít.

Do hư hàn: Do dương khí bẩm sinh vốn kém, hàn tà đọng lâu ngày, dương khí bị hư tổn, khí huyết suy kém, cơ năng không mạnh vận hành kém dẫn đến kinh huyết không đúng kỳ, kinh đến muộn mà lượng ít.

Do khí hư: Do dinh dưỡng không đủ, lao động mệt nhọc dẫn đến chính khí suy kém, mạch xung nhâm kém kiên cố không chế ước được kinh huyết thường kỳ kinh đến sớm mà lượng nhiều.

Do huyết hư: Do một số bệnh làm xuất huyết dai dẳng, hoặc do sinh đẻ quá nhiều lần, hoặc phòng lao, sảy thai, nạo thai nhiều lần làm hao tổn âm huyết, bể huyết trống không dẫn đến kỳ kinh muộn mà ít.

Do tỳ hư: Tỳ vị vốn hư yếu không thu nạp và vận hóa được thủy cốc, làm cho nguồn sinh hóa của khí huyết suy kém huyết dịch không đủ mà kỳ kinh đến muộn. Tỳ chủ huyết nếu tỳ hư mà huyết hãm xuống thì kinh lại đến sớm so với chu kỳ kinh nguyệt.

Do can thận hao tổn: Vì phòng dục không điều độ làm tổn hại mạch xung nhâm làm ảnh hưởng đến can thận. Can hư thì công năng tàng huyết kém, thận hư thì công năng thu nạp kém, do công năng can thận đều kém không điều tiết được nên kỳ kinh muộn mà lượng ít.

Nếu lo nghĩ nhiều làm uất tích, khí của tâm tỳ kết lại làm ảnh hưởng đến xung nhâm, thận âm bị tổn hao, do thận âm hao tổn dẫn đến can khí mất điều hòa nên kỳ kinh rối loạn không nhất định.

Do huyết ứ (thực chứng): Sau khi sinh, hoặc sau kỳ kinh nguyệt huyết đọng lại trong tử cung, làm tắc trệ đường kinh, làm cho kinh ra không đúng kỳ.

Do khí uất: Lo nghĩ nhiều, hay tức giận tình chí không thoải mái, khí uất nghịch lên làm cho huyết kết lại dẫn đến kinh nguyệt không đều khi sớm khi muộn.

Do đờm thấp: Do đờm thấp ứ đọng lại, hoặc do mỡ nhiều ứ đọng lại tử cung làm huyết mạch không thông, kinh huyết trệ lại không hành được, nặng thì gây bế kinh, nếu kèm theo tỳ khí hư nhược không thể cai quản được huyết dịch, hoặc có huyết nhiệt bên trong quá thịnh mà buộc huyết phải tràn ra làm cho kỳ kinh đến sớm, lượng kinh nhiều.

Sau đây là những bài thuốc chữa kinh kỳ không đều tùy theo từng thể bệnh.

Chứng huyết nhiệt

Triệu chứng: Thấy kinh trước kỳ, lượng kinh nhiều, màu đỏ sẫm hoặc tím đen, đặc dính, có lúc ra máu cục, có mùi tanh hôi, sắc mặt đỏ hồng, môi đỏ mà khô, tâm phiền hay giận hờn, sợ nóng thích lạnh, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hồng thực hoặc hoạt sác.

Phép trị: Lương huyết, thanh nhiệt.

Bài thuốc: Cầm liên tứ vật thang gia giảm: xuyên quy 16g, sinh địa 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 4g. Mỗi ngày 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày tùy theo chứng trạng có thể gia một số vị thích hợp.

Nếu trong quá nóng mà kinh ra nhiều thì có thể dùng bài Tiên kỳ thang: sinh địa 16g, đương quy 8g, hoàng bá 8g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 8g, hoàng liên 4g, bạch thược 12g, xuyên khung 4g, a giao 12g, ngải diệp (ngải cứu) 4g, hương phụ 12g, chích thảo 3g. Vị a giao khi rót thuốc ra cho vào quấy đều uống. Ngày uống 1 thang. Sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.

Chứng hư nhiệt

Triệu chứng: Kinh ra trước kỳ, lượng ít màu đỏ trong, không có huyết cục. Sắc mặt kém tươi, có khi hai gò má đỏ, xây xẩm, bên trong nóng phiền nhiệt, ngủ kém, tinh thần mệt mỏi. Chất lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi vàng khô, miệng lở loét, mạch tế sác.

Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.

Bài thuốc: Địa cốt bì ẩm: đương quy 12g, sinh địa 16g, bạch thược 12g, địa cốt bì 12g, xuyên khung 6g, đan bì 8g. Có thể gia một số vị phù hợp với triệu chứng. Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn.

Nếu âm hư nhiều có thể dùng bài Lưỡng địa thang: sinh địa 16g, địa cốt bì 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 6g, mạch môn 8g, a giao 12g.

Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, liều lượng có thể gia giảm tùy chứng và cơ địa của bệnh nhân.

(theo Giadinh.net)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024