Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CỎ LÀM THUỐC

Trị sốt xuất huyết bằng dược thảo

Cập nhật ngày 4/9/2008 lúc 5:27:00 PM. Số lượt đọc: 456.

Vào cuối hạ sang thu, thời tiết nóng nực kéo dài hay phát bệnh sốt xuất huyết. Nếu nhiều người mắc bệnh và lan tràn thành dịch sốt xuất huyết. Vùng nhiệt đới như Việt Nam và các nước Đông Nam Á hay mắc bệnh.

Sốt xuất huyết hay còn gọi Đăng-gơ xuất huyết là danh bệnh của y học hiện đại. Bệnh nhiễm cấp tính do virut Đăng-gơ gây ra, biểu hiện trên lâm sàng bằng dấu hiệu xuất huyết và có xu thế gây ra hội chứng sốc. Do chưa có vaccin phòng bệnh nên Đăng-gơ xuất huyết đang là một vấn đề quan trọng trong công tác phòng, chữa bệnh ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo y học cổ truyền thì sốt xuất huyết thuộc bệnh thử ôn. Ôn bệnh phát ở các phần như vệ phần, khí phần, doanh phần và huyết phần.

Ở vệ phần thì thấy sốt cao không có mồ hôi, ăn ngủ kém, rêu lưỡi trắng tiểu tiện vàng.

Ở khí phần thì sốt cao, nhiều mồ hôi, khát nước, thích uống nước mát, miệng khô, rêu lưỡi vàng.

Phát ở doanh phần có chứng sốt cao, ngoài da nổi ban lờ mờ hoặc tím từng đám.

Phát ở huyết phần thì sốt cao, thổ huyết, nục huyết (ra máu mũi) chảy máu chân răng, tiểu tiện ra máu, đại tiện táo, hoặc lỏng có bọt mùi phân chua hoặc thối khẳm. Mạch hồng sác hoặc trầm thực. Những năm 1963, 1979, 1983 và 1987 ở Hà Nội đã xảy ra dịch sốt xuất huyết. Lúc bấy giờ lương y Nguyễn Văn Yến, Phó chủ tịch Hội y học cổ truyền Hà Nội đã phối hợp với các lương y có kinh nghiệm ở Phòng y tế quận Hai Bà Trưng chế thuốc để dập tắt dịch bệnh.

Lương y Nguyễn Văn Yến nói: “Trước tôi thường chia từng loại bệnh (vệ, khí, doanh, huyết) chữa bằng cổ phương, sau rút kinh nghiệm đã tự chế ra 2 bài chữa rất tốt. Bài thuốc có các vị rất bình thường nhưng công hiệu rất lớn”.

Dưới đây là các bài cổ phương và 2 bài thuốc tự chế của lương y Nguyễn Văn Yến:

Bài cổ phương chữa vệ phần: Thăng ma 10g, trúc diệp 10g, cát căn 20g, biển đậu 15g, hương phụ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài cổ phương chữa doanh phần: Linh dương giác (mài vào nước), tang diệp 10g, xuyên bối mẫu 3g, sinh địa 20g, câu đằng 10g, bạch linh 8g, cúc hoa 8g, bạch thược 8g, cam thảo 4g, trúc nhự 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài cổ phương chữa huyết phần: Sinh địa 20g, sừng tê giác mài nước, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g, a giao 12g, bạch thược 10g, cam thảo 4g.

Hai bài tự chế trị dịch sốt xuất huyết:

Bài sài cát tán: Sài hồ (còn gọi cây lức) 100g, cát căn 100g, huyền sâm 80g, cỏ nhọ nồi (hạn liên thảo) 80g, rau má khô 80g, cây mã đề khô 80g, cam thảo 15g, lá chi chi (cam thảo dây). Các vị tán bột, hòa nước sôi để nguội uống nước, bỏ bã, có thể cho chút đường để dễ uống. Người lớn dùng 20g/lần, trẻ em bằng nửa liều người lớn.

Bài song thạch tán: Hoạt thạch 50g, thạch cao 50g, cam thảo dây 20g. Các vị phơi khô tán nhỏ. Dùng như trên.

Phân tích dược tính của các vị thuốc trên:

+ Sài hồ tính mát, thanh can đởm nhiệt, giải cơ biểu nhiệt.

+ Cát căn tính mát ngọt, thanh vị nhiệt, giải trừ phiền.

+ Huyền sâm vị đắng ngọt hơi mặn, tính lạnh, thanh thận hỏa, trừ ban chẩn, bổ thủy, sinh tân dịch, thanh doanh, tiết nhiệt, chỉ thổ, nục huyết...

+ Rau má tính cay, ngọt mát, lương can huyết, thanh nhiệt, giải độc, trừ ban, lợi tiểu.

+ Cỏ nhọ nồi, vị chua ngọt lạnh có tác dụng thanh lý nhiệt, thư can chỉ huyết.

+ Mã đề vị ngọt nhạt, tính lạnh, chỉ huyết, lợi tiểu, giải cơ biểu nhiệt.

+ Thạch cao vị đạm bạc, thanh phế vị nhiệt, giải cơ biểu, chỉ hãn.

+ Hoạt thạch: vị ngọt nhạt, thanh bàng quang tiểu trường, lợi tiểu, giải cơ biểu nhiệt.

+ Lá chi chi: Ngọt mát điều hòa các vị thuốc, tả hỏa. Không có chi chi dùng cam thảo 15g càng tốt.

Bào chế thuốc: Các vị phơi khô tán nhỏ. Người lớn dùng mỗi lần 20g hòa nước sôi để nguội, uống, trẻ em chỉ dùng một nửa. Sau khi khỏi bệnh sốt xuất huyết nên uống tiếp thuốc bổ dưỡng để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Nếu khỏi bệnh mà người còn hơi choáng váng chỉ cần ăn cháo loãng cho vào một lòng đỏ trứng gà; ăn 2 lần trong ngày, rất tốt. Còn người thể chất yếu nên uống 3 thang “bổ âm thanh nhiệt” để bồi bổ cơ thể; tuyệt đối không dùng thuốc tân ôn.

Bài bổ âm thanh nhiệt: Thục địa 30g, bố chính sâm 20g, sài hồ 15g, chi tử 12g, cam thảo 4g, cát căn 20g, mạch môn 12g, đại táo 10g. Sắc uống ngày một thang.

Nếu người vốn thể chất yếu âm hư, ù tai, chóng mặt, mệt mỏi, tiểu tiện ít mà vàng uống bài “tư thận bổ âm thang”: Thục địa 30g, hoài sơn 15g, địa cốt bì 12g, ngưu tất 10g, trạch tả 12g, xa tiền 12g, mạch môn 12g. Nếu còn đau đầu thêm mạn kinh tử 8g. Sắc uống ngày một thang.

Trẻ em dùng nửa liều lượng của 2 bài trên.

 

(theo Giadinh.net)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024