Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết: Cây Mắc ca (Macadamia) là loại cây quả khô quý hiếm có nguồn gốc từ Ôxtrâylia. Nhân Mắc ca là loại thực phẩm cao cấp có hàm lượng dầu tới 78%, vỏ cũng có thể dùng để thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua trồng khảo nghiệm cho thấy: cây Mắc ca ghép trồng đến năm thứ 12 - 15 năng suất đạt khoảng 3 tấn hạt/ha, nhân đạt khoảng 1 tấn ha; đến thời kỳ định hình năng suất có thể đạt tới 5 tấn hạt/ha, nhân đạt 2 tấn/ha tạo ra giá trị khoảng 20.000 USD/ha/năm, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, cây Mắc ca đang được phát triển nhanh trên phạm vi toàn cầu với sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Dự báo nhu cầu về loại quả này có thể lên tới 400.000 tấn/năm.
Mặc dù đều thống nhất Mắc ca cho giá trị cao nhưng nhiều ý kiến còn lo ngại về khả năng trồng phổ biến giống cây này do những yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chi phí đầu tư cao. Mắc ca có năng suất cao cần chọn đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt, tầng canh tác trên 1,5 mét; những vùng có nhiệt độ bình quân tháng rét nhất vào mùa đông khoảng 14 độ C là thích hợp cho sự phát triển của cây. Ở Việt Nam khả năng vùng thích hợp nhất cho giống cây này là Tây Bắc, ngoài ra có thể trồng ở miền tây Bắc Trung bộ và vùng cao các tỉnh Tây Nguyên.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Đức Tuấn khuyến cáo: Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về dự án này do vậy các địa phương phải tiến hành từng bước, làm đâu chắc đó không nên làm theo phong trào. Các tỉnh muốn trồng khảo nghiệm thì nên lấy nguồn giống ở 3 nơi là: Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật nông lâm nghiệp Ba Vì (thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến) và Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (tỉnh Lạng Sơn). Do chi phí đầu tư cao nên giải pháp khả thi là người nông dân có thể liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để được cung cấp vốn, giống, phân bón và thu mua nếu trồng loại cây này.
"Xây dựng các vườn ươm và nâng cao chất lượng cây giống Mắc ca là điều rất quan trọng, vì vậy việc nghiên cứu khoa học cần được đầu tư lớn để có thể tìm ra hướng đi phù hợp nhất đối với từng vùng ở Việt Nam", giáo sư Hoàng Hoè - Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định. Ông Hoè cũng cho rằng, trước mắt tập trung phát triển ở vùng Tây Bắc, trong 10 - 20 năm tới ở mỗi tỉnh có điều kiện trồng khoảng 1.000 ha để dần dần cả nước có khoảng 20.000 ha.