Theo lời dân thôn Nậm Lầu, từ 1993-1994 đến nay nhiều tư thương người Trung Quốc tìm đến đây để mua cỏ kim tuyến về làm thuốc.
Anh Đặng Viết Duật - Bí thư Đảng ủy xã Xín Chải cho biết, tại thôn Nậm Lầu và Nhìu Sang của xã này, một số hộ mỗi ngày tìm được vài lạng cỏ kim tuyến tươi, thu 50-100.000 đồng. Loại cây này có tác dụng cầm máu nên dân địa phương thường dùng cho phụ nữ sinh nở…
Anh Duật cũng khẳng định, không chỉ Xín Chải, các xã khác ở huyện Vị Xuyên như Thanh Đức, Lao Chải, Cao Bồ... cũng có cỏ kim tuyến.
Theo quan sát, cỏ kim tuyến ở Xín Chải rất giống với cây lan kim tuyến được nêu trong Sách đỏ Việt Nam. Cây mọc trên mặt đất, dưới các tán rừng rậm và trong các khe suối mát, độ ẩm cao. Trên và dưới lá cỏ kim tuyến có màu nâu nhạt, mặt trên lá có từ 3-5 sọc dọc theo lá như sợi kim tuyến.
PGS.TS Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam) cho biết, theo như ảnh chụp bên thì đây là một loài lan kim tuyến, thuộc Sách đỏ Việt Nam, rất cần được bảo tồn, và nên kiểm soát nếu có hiện tượng xuất bán với số lượng lớn.
Về phía các cơ quan khoa học, sẽ có ý kiến tư vấn về vấn đề này nếu cơ quan quản lý có yêu cầu.
Theo Sách đỏ Việt Nam, lan kim tuyến từng được Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phát hiện ở huyện Đakrông vào khoảng tháng 9/2007. Loài thực vật này có tên khoa học là Anoectochilus setaceus Blume, thuộc họ phong lan Orchidaceae. Lan kim tuyến là loại cây thuốc rất đặc biệt, có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, suy nhược thần kinh.
Hiện, cây lan kim tuyến được xác định có mặt ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Một số tỉnh như Yên Bái, Quảng Trị, Gia Lai cũng có nhưng số lượng ít, mọc rải rác và đang trong tình trạng nguy cấp vì bị khai thác quá mức để xuất bán sang Trung Quốc. Trên thế giới, lan kim tuyến có mặt ở Vân Nam (Trung Quốc), Ấn Độ, Lào, Indonesia.