Chi Gừng (Zingiber Mill.) có khoảng 144 loài, phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam hiện có khoảng 31 loài được biết, bao gồm cả loài mới phát hiện này.
Hình ảnh Cây và cụm hoa loài Zingiber skornickovae N.S. Lý (Photo: Lý Ngọc Sâm)
Đặc điểm nhận dạng của loài Gừng mới là: Cỏ thân rễ cao đến 1,1 m. Lá dạng hình trứng ngược hay hình trứng ngược elip, mặt phiến lá gợn sóng (dạng nếp gấp), màu xanh, có lông trắng thưa hai mặt, đáy lá hẹp và đầu lá nhọn; cuống lá gần như không phân biệt, lưỡi lá rất ngắn, dài 3–5 mm. Phát hoa mọc từ gốc thân rễ; cuống nằm trong đất hay trườn ngang mặt đất, dài cỡ 4–14 cm; cụm hoa hình trứng, cỡ 9–13 × 3–4,5 cm. Lá bắc hình trứng hẹp, cỡ 5,5–6 × 1,2–2 cm, màu trắng kem ở đáy, đỏ tươi hay đỏ đậm hướng về phía đầu, có lông mịn mặt ngoài, mép gợn sóng, có lông mịn thưa, đầu lá nhọn hẹp, hơi xoắn lại và không ôm chặt vào cụm hoa. Hoa dài 7,5–9,2 cm; các thùy tràng dạng hình trứng tam giác, lõm vào trong, màu vàng nhạt, có các gân mờ, đầu nhọn; cánh môi hình trứng ngược rộng, cỡ 28–34 × 18–22 mm, màu vàng nhạt ở đáy, màu tía đỏ hay tím tía với các vết vàng hay trắng nhỏ ở giữa, mép vàng sáng, uống xuống, không lông, đầu xẻ hai thùy cạn hay tù.Loài Gừng mới Zingiber skorkickovae N.S. Lý thường tìm thấy ở độ cao từ 70–670 m so với mực nước biển tại núi Dầu, tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra loài thực vật mới này còn được tìm thấy ở Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Thông tin liên quan xin vui lòng truy cập trang web: http://biotaxa.org/Phytotaxa/article/view/phytotaxa.265.2.5