Đặt vấn đề
Chi Riềng (Alpinia) là một chi lớn có khoảng 230 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á [1-3]. Ở Việt Nam hiện biết khoảng 31 loài [4, 5]. Trong quá trình nghiên cứu ở thực địa và các tài liệu của chi này ở Việt Nam, chúng tôi đã phát hiện được loài Alpinia polyantha D. Fang. Đây là loài từ trước tới nay vẫn ghi nhận là loài đặc hữu của hệ thực vật Trung Quốc [3, 6]. Nhưng đã được tìm thấy phân bố ở Kỳ Sơn (Nậm Càn), Pù Huống (Bình Chuẩn), Pù Hoạt (Châu Thôn, Châu Kim, Hạnh Dịch) thuộc tỉnh Nghệ An và Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi, do đó đây là loài bổ sung cho chi Riềng - Alpinia (Zingiberaceae) cho hệ thực vật Việt Nam.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các đại diện của chi Alpinia ở Việt Nam, bao gồm các mẫu khô được lưu giữ ở phòng mẫu thực vật, Khoa Sinh (Trường Đại học Vinh); Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Sinh học Nhiệt Đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Bảo tàng Thực vật (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris (Pháp), Viện thực vật Côn Minh (Trung Quốc); các mẫu vật thu được trong quá trình điều tra thực địa. Chúng tôi sử dụng phương pháp hình thái so sánh để phân loại. Đây là phương pháp truyền thống được sử dụng trong nghiên cứu phân loại thực vật từ trước đến nay.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Riềng nhiều hoa - Alpinia polyantha D. Fang, Acta Phytotax. Sin. 16(4): 78. 1978.

Riềng nhiều hoa (Alpinia polyantha D. Fang)
1. lá; 2. thân và rễ; 3-4. thân mang cụm quả; 5. hoa; 6. cụm quả
(Ảnh: Lê Thị Hương, Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An, 2014)
Mô tả: Thân rễ bò, thân giả cao 1,5-4 m. Bẹ lá có sọc nổi chạy dọc, nhiều lông. Lưỡi lá dài 0,9-2 cm, đầu xẻ thành 2 thùy, nhiều lông; cuống lá dài 1-9 cm, có lông, phiến lá hình mác hay thuôn dài, cỡ 62-100 X 12-25 cm, mặt trên xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt, nhẵn hoặc có ít lông, mép lá có lông mềm, gốc phiến lá hình nêm, đầu nhọn. Cụm hoa hình chùy, dài đến 60 cm, phân nhánh nhiều, nhánh dài 0,5-3 cm, mỗi nhánh mang 5-8 hoa. Lá bắc tổng bao hình mác rộng, cỡ 25-27-X5-5.5 cm, lá bắc hình mác cỡ 1-1,2 x 0,3-0,4 cm. Đài màu đỏ, dài 0,8-1,4 cm, xẻ sâu xuống một bên, phía trên chia ba thùy. Ồng tràng bằng đài, màu trắng, đầu đỏ; trên chia 3 thùy, thùy tràng thuôn dài, dài 1,4-1,7 cm, mầu trắng, đầu hơi đỏ; 2 nhị lép bên màu đỏ, hình dùi, dài 0,5-0,6 cm, ngược lại với cánh môi. Cánh môi hình trứng cỡ 1,6-2,3 x 1,6-2,2 cm, màu vàng nhạt, hai bên gần gốc có các sọc ngang màu đỏ tía, đầu cánh môi xẻ xuống 2-3 mm thành 2 thùy nhọn. Chỉ nhị dài 1,8-2,2 cm, màu vàng nhạt; bao phấn dài 8-12 mm, mào bao phấn dài cỡ 1,8-2 mm. Bầu hình cầu, đường kính 3 mm, màu xanh, nhiều lông ngắn. Quả hình cầu, khi chín màu đỏ, đường kính 1,2 X 1,5 cm, có lông ngắn, đài tồn tại ở đầu quả.
Sinh học và sinh thái: Mọc rải rác trong rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa, dưới tán rừng, ven suối ẩm ở độ cao 200-800 m. Cây ra hoa tháng 4-6, có quả tháng 5-9.
Phân bố: Nghệ An (Kỳ Sơn: Nậm Càn; Quế Phong: Hạnh Dịch, Châu Thôn, Châu Kim; Con Cuông (Pù Huống: Bình Chuẩn) và Quảng Ngãi (Nghĩa Hành). Còn có ở Trung Quốc.
Mẫu nghiên cứu: Lê Thị Hương (LTH): 504, 9016, 9015, 01, 159, 224, 245, 269, 331, 355, 408, 501; Lý Ngọc Sâm: Lý 628.
Giá trị sử dụng: Rễ, quả dùng làm thuốc. Lá, hoa, quả, rễ cho tinh dầu.
Bàn luận: Loài này rất gần với loài Riềng maclurei (Alpinia maclurei) nhưng phân biệt bởi thân giả chỉ cao 1-2 m, phiến lá cỡ 40-80 x 10 X 20 cm, cánh môi cỡ 1-1,2 cm x 0,6-0,7 cm; ngược lại loài Riềng nhiều hoa (Alpinia polyantha D. Fang) thân giả cao 1,5-4 m, phiến lá lớn, cỡ 62-100 x 12-25 cm, cánh môi cỡ 1,.62,3 x 1,6-2,2 cm.
4. Kết luận
Nghiên cứu này đã bổ sung loài Riềng nhiều hoa (Alpinia polyantha D. Fang) cho hệ thực vật Việt Nam nâng tổng số loài hiện biết cho chi Riềng (Alpinia) lên 32 loài.
Lời cảm ơn
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) thuộc đề tài mã số: 106-NN.03- 2014.23; và đề tài nghiên cứu cơ bản Viện Sinh học Nhiệt đới (2015). Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) thuộc đề tài mã số: 106-NN.03- 2014.23; và đề tài nghiên cứu cơ bản Viện Sinh học Nhiệt đới (2015).
Tài liệu tham khảo
[1] Kress W. J., Liu A. Z., Newman M. and Li Q. J., The molecular phylogeny of Alpinia (Zingiberaceae): a complex and polyphyletic genus of gingers, American Journal of Botany 92(1) (2005) 167-178.
[2] Larsen K. J. M. Lock H. Maas P. J. M. Maas. Zingiberaceae. In K. Kubitzki [ed.], The families and genera of vascular plants, vol. 4, 474-495. Springer-Verlag, Berlin, Germany, 1998.
[3] Wu T., L. K. Larsen, Family Zingiberaceae. In Z.-G. Wu and P. H. Raven [eds.], Flora of China, vol. 24, 322-377. Science Press, Beijing, China, and Missouri Botanical Garden Press, St. Louis, Missouri, USA, 2000.
[4] Nguyễn Quốc Bình, Luận án Tiến sĩ Sinh học, Viện ST & TN Sinh vật, Viện HLKH & CN Việt Nam, Hà Nội, 201 trang, 2011.
[5] Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Quyển III, Nxb. Trẻ Tp Hồ Chí Minh, 2000.
[6] Fang D., Some new taxa of Zingiberaceae from kwangxi (2). Acta phytotaxa. Sin. 16(4) (1978) 77-81.
Lê Thị Hương
Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh
Trần Thế Bách
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguyễn Quốc Bình
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Lý Ngọc Sâm
Viện Sinh học Nhiệt Đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam