Chi Olea L. với số loài không nhiều với khoảng 40 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Âu, các đảo thuộc châu Đại Dương [1]. Chi Ô liu - Olea L. được Linnaeus (1753) [4], mô tả và công bố cùng với loài chuẩn Olea europaea L., tiếp theo Loureiro (1790) [3], có công bố tên chi là Tetraphalus và tên này trở thành tên đồng nghĩa của chi Olea L. Ở Việt Nam, F. Gagnepain (1933) [2] đã mô tả chi Olea L. (họ Oleaceae) trên toàn Đông Dương. Tác giả mô tả 6 loài và 1 thứ, trong đó Việt Nam được mô tả 4 loài. Theo các nghiên cứu gần đây, Trần Đình Lý (2003) [6] chi Olea L. hiện biết có 8 loài và 1 thứ; Phạm Hoàng Hộ (2000) [5] đã mô tả ngắn gọn và hình vẽ 8 loài thuộc chi Olea L.
Trong quá trình nghiên cứu chi Olea L., chúng tôi phát hiện loài O. neriifolia, được bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam, dựa trên các mẫu lưu giữ trong các phòng tiêu bản, cũng như tài liệu trong và ngoài nước, loài được phát hiện có đặc điểm hình thái khác biệt với các loài hiện có ở Việt Nam, như vậy tổng số loài hiện biết thuộc chi Olea L. là 10 loài. Bài báo mô tả chi tiết đặc điểm hình thái của loài O. neriifolia và lập khóa định loại các loài thuộc chi Olea L. ở Việt Nam.
Vật liệu bao gồm các mẫu khô được lưu giữ tại các phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), Viện Sinh học nhiệt đới (VNM), Viện Dược liệu (HNPI), Trường đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội (HNU), Viện Thực vật Côn Minh (KUN), Viện Thực vật Hoa Nam, Trung Quốc (IBSC), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pa-ri, Pháp (P) và các mẫu tươi thu được trong các đợt điều tra thực địa.
Chi Olea L. có khoảng 40 loài trên thế giới, phân bố ở châu Phi, châu Á, châu Âu, các đảo thuộc châu Đại Dương. Ở Việt Nam có 10 loài, phân bố rộng trên cả nước nhưng chủ yếu ở các vùng ven biển.
Khóa định loại các loài hiện biết thuộc chi Olea L. ở Việt Nam
IA.Tràng xẻ sâu đến >1/2 chiều dài tràng, thùy tràng dài hơn ống tràng ......1. O.europaea
IB.Tràng xẻ nông <1/2-1/3 chiều dài tràng, thùy tràng ngắn hơn ống tràng.
2A. Cành non có lông nhung màu vàng, dày, lá có lông nhung ở mặt dưới
3A. Quả chín màu đen, dài 0,8-1 cm .................................... 2. O.cordatula
3B. Quả chín màu tía đỏ, dài 1,2-1,7 cm .................................... 3. O.rosea
2B. Cành non có không lông, lá nhẵn ở cả hai mặt
4A. Cụm hoa không long ................................................... 4. O.brachiata
4B. Cụm hoa có lông.
5A. Đài cao cỡ 1 - 1,5 mm không lông, có vảy hình khiên ................
.......................................................................... 5. O. hainanensis
5B. Đài cao hơn 2 mm có lông, không có vảy hình khiên.
6A. Bầu hình bầu dục hay hình nón cỡ 1 mm, vòi nhụy cỡ 0,5 mm
7A. Mang hoa đực và hoa lưỡng tính. Hoa nhỏ, tràng màu trắng xanh, đôi khi hơi có màu hồng cỡ 1-2mm, thùy tràng dài 1mm .......................................... 6. O. dioica
8A. Tràng dạng túi, dài 1 mm ........ 7. O.salicifolia
8B. Tràng dạng ống, dài 1,2-1,4 mm ..............
................................................ 8. O.neriifolia
7B. Hoa lưỡng tính, cuống ngắn. Đài dài 2 - 3 mm. Tràng màu trắng, dài 2 - 3mm; thùy tràng dài 1,5 mm ............
......................................................... 9. O.wightiana
6B. Bầu hình trụ cỡ 2-2,5 mm, vòi nhụy cỡ 1-2 mm ..................
.............................................................. 10. O. gagnepainii
Olea neriifolia H. L. Li - Ô liu lá hẹp
H. L. Li. 1944. J. Arnold Arbor, 25: 212; M. C. Chang et al. 1996. Fl. China, 15: 295.
Cây bụi hay gỗ nhỏ 1-4 m. Cành sần sùi (bì khổng), không lông; phiến lá hình mũi mác hẹp, hiếm khi bầu dục, chất da, kích thước cỡ 5-11 x 0,7-1 cm, không lông, gốc lá nhọn hay tù, chóp lá nhọn ở đỉnh, có mũi tù; gân chính mờ không rõ, hơi lõm ở mặt trên, nổi ở mặt dưới, gân bên 4-6 cặp; cuống lá 3-6 mm. Cụm hoa dạng xim, mọc ở nách lá, dài 2-6 cm. Hoa đực có cuống ảnh, dài 0,5-1,5 mm. Đài hình chông, dài cỡ 0,5 mm. Tràng hoa màu trắng, dài 1,2-1,4 mm, thùy tràng hình trứng, dài cỡ 0,4 mm, nhọn ở đỉnh. Hoa lưỡng tính có cuống dài 1,5-2 mm. Đài dài cỡ 0,8 mm. Tràng hoa màu trắng, dài 1,7-2 mm, thùy tràng hình trứng rộng, dài 0,5-0,6 mm, nhọn ở đỉnh. Nhị 2, chỉ nhị rất ngắn, cỡ 0,25 mm. Bao phấn hình bầu dục, dài 0,5 mm. Bầu thượng, hình nón, hai ô chứa hai noãn, có vách ngăn mỏng; vòi nhụy, có hai thùy ngắn, đầu nhụy chẻ đôi. Quả hạch, chín màu vàng nâu, hình bầu dục, kích thước cỡ 7-8 x 3-5 mm.

Hình 1. Olea neriifolia H. L. Li. - Ô liu lá hẹp
1.cành mang hoa và quả; 2. thân; 3. lá mặt trước, mặt sau; 4. cụm hoa; 5. hoa; 6. bầu; 7. quả.
Hình vẽ từ mẫu B.H.Quang 64 và SH 5086 (HN)
Loc. class.: China: Hainan. Typus: S.K. Lau 28388 (A photo!).
Sinh học và sinh thái: Mùa ra hoa tháng 3- 8, có quả chín tháng 9-11. Cây gặp ở trong rừng núi đất, núi đá nơi có bóng, ẩm dọc theo các suối, ở độ cao dưới 500 m.
Phân bố: Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Khánh Hòa (Cam Lâm), còn có ở Lào, Trung Quốc.
Mẫu nghiên cứu: Quảng Ninh, Hạ Long, SH 5086 (HN). - Khánh Hòa, Cam Lâm, B.H.Quang 64 (HN).

Hình 2. Ảnh loài Olea neriifolia H. L. Li - Ô liu lá hẹp
1. dạng sống; 2. cành mang hoa; 3. lá măt trước, mặt sau; 4. cụm hoa; 5. cành mang quả.
(Ảnh chụp, Bùi Hồng Quang)
Thảo luận
Gần đây các nghiên cứu phân loại về chi Olea L., có những thay đổi về danh pháp. Để xây dựng khóa định loại các loài thuộc chi Olea L. ở Việt Nam, chúng tôi, dựa trên những đặc điểm của đài, tràng hoa, lá, đặc điểm hình thái, phân bố, nơi thu đầu tiên, mẫu chuẩn, sinh học và sinh thái, mẫu vật nghiên cứu của loài O. neriifolia được trình bày chi tiết, tuy nhiên loài này có đặc điểm hình thái gần giống với loài O. europaea cùng chi Ôliu. Để phân biệt được hình thái loài O. neriifolia với loài O. europaea, chúng tôi lập bảng so sánh một số đặc điểm khác biệt giữa hai loài nói trên (bảng 1).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chang M. C., Qiu L. Q., Green P. S. In: Wu Z., Raven P.H. (eds.), 1996: Flora of China (Oleaceae), 15: 296-298. Science Press, Beijing, China and Missouri Botanical Garden, Missouri, USA.
2. Gagnepain F., 1933: Floré Générale de L’ Indo - Chine, 3: 1074-1078. Paris.
3. Loureiro J., 1790: Flora Cochinchinensis, 2: 599, 611. Paris.
4. Linnaeus C., 1753: Species Plantarum, Tomus 1. Stockholm: Impensis. Laurentii Salvii: 7-8.
5. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây Cỏ Việt Nam, 2: 1118-1119. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
6. Trần Đình Lý, 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2: 1170-1171. Nxb. Nông Nghiệp, Hà Nội
Bùi Hồng Quang*, Nguyễn Thế Cường
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam