Thông tin chung:
Tên phổ thông: Mào gà
Tên khác: kê quan hoa, kê công hoa, kê cốt tử hoa, mồng gà, lão lai thiểu...
Tên khoa học: Celosia cristata L.
Tên đồng nghĩa: Celosia argentea L. var. eristata Voss
Thuộc họ Rau dền - AmaranthaceaeMô tả:
Thân nhẵn, cao 30-70cm, lá mọc lệch có cuống, lá có các loại màu đỏ sẫm, xanh, xanh vàng, xanh đỏ, thân thẳng đứng và phân nhánh. Lá hình bầu dục, màu xanh xám pha đỏ. Cụm hoa xòe ra ở ngọn thành hình quạt, trông giống như mào con gà trống. Các hoa thật tạo thành một phần hình trụ ở phía dưới các mào đó. Hoa màu đỏ hay nâu vàng.
Có những dạng cây có cụm hoa rất lớn, xoắn lại thành hình cầu đỏ thắm. Lại có dạng có cụm hoa mảnh, kéo dài, màu đỏ và vàng xen nhau.
Hạt màu đen tím. Màu hoa cũng rất nhiều loại, thường gặp là màu ngọn lửa, còn có các màu khác như tím, vàng da cam, trắng, vàng đỏ. Cây hoa mào gà được trồng nơi đình chùa, loại nhỏ trồng vào chậu .Hoa mào gà nguyên sản ở Ấn Độ.
Hoa tháng 7-9, quả tháng 9-11.
Kỹ thuật trồng:
Cây trồng chủ yếu để lấy hoa vào mùa hè, nhưng có thể trồng quanh năm. Thường sử dụng để trồng trong chậu, trồng ở các vườn hoa và cắt hoa cắm lọ.
Mào gà là loại cây dễ trồng. Muốn có hoa to, phải tỉa bớt tất cả các mầm non mọc ở nách lá và các hoa phụ.
Chúng ưa nóng, không chịu rét, sinh trưởng trong môi trưởng không khí khô, đủ ánh sáng, đất cát, nhiều mùn.
Nhân giống loài cây này thường dùng phương pháp gieo hạt. Trước đó 1 năm chọn bông hoa to, đẹp lấy hạt trong lông nhung, hong khô cất trữ, đến tháng 4-5 bắt đầu gieo. Thời gian gieo hạt nên chọn lúc nhiệt độ 20-25độ C. Trước khi gieo hạt cần phun một lần nước và bón một ít phân lên luống, sau 1-2 ngày.
Sau khi gieo phủ lên một lớp đất mìn mỏng 2-3mm, rồi phủ chiếu hoặc cỏ che nắng; trong 2 tuần không tưới nước để tránh trọi cây con. Nếu đất quá khô có thể dùng vòi phun phun lên một ít nước, sau 1 tuần hạt nảy mẩm, bỏ hết vật che phủ, chờ khi cây mọc được 3 lá thật tiến hành tỉa thưa (nhổ cây con để cự ly 3-4cm), khi cây có 6cm tiến hành chuyển cây cấy, vào tháng 6 thì cây ổn định.
Tính năng làm thuốc:
Mào gà đỏ có tên khác là kê quan hoa, kê công hoa, kê cốt tử hoa, mồng gà, lão lai thiểu... Theo y học cổ truyền, hoa mào gà đỏ vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết, chỉ huyết, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như xích bạch lỵ (bệnh lỵ trực khuẩn hoặc amip), trĩ lậu hạ huyết (trĩ xuất huyết), thổ huyết (nôn ra máu), khạc huyết (ho ra máu), tỵ nục (chảy máu mũi), huyết lâm (đái buốt và ra máu), băng lậu (rong huyết, rong kinh, băng huyết), đới hạ (khí hư), di tinh, đái dưỡng chấp...
Hoa mào gà được sử dụng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, rong kinh. Nước sắc hoa và hạt dùng rửa mắt đau. Hoa và lá còn dùng chữa sốt ở trẻ em. Đồng bào miền núi trồng cây mào gà trước nhà để khi cần lấy hạt nhai nuốt nước lấy bã đắp trị rắn cắn.
Để chữa đại tiện ra máu, lấy hoa mào gà sao cháy tán bột, uống mỗi lần 6-9 g, mỗi ngày 2-3 lần. Hoặc dùng hoa mào gà trắng 15 g, phòng phong 6 g, tông lư thán 10 g, sắc uống.
Bộ phận dùng: Cụm hoa - Flos Celosiae Cristatae thường gọi là Kê quan hoa. Hạt, lá cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Ðông Ấn , được nhập trồng làm cảnh ở khắp nơi. Trồng bằng hạt vào đầu mùa mưa. Thu hái cụm hoa và hạt vào mùa thu, khi hoa đang nở, đem phơi khô.
Thành phần hoá học: Cây chứa betanin, một chất có nitrogen chứa anthocyanin. Hạt chứa dầu béo.
Tính vị, tác dụng: Cụm hoa mào gà (kê quan hoa) có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu. Hạt làm nhầy dịu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu trong các trường hợp lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, đái ra máu, rong kinh. Nước sắc hoa và hạt dùng rửa mắt đau. Hoa và lá còn dùng chữa sốt của trẻ em. Hạt nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn. Kê quan hoa còn dùng trị lỵ, xích bạch đới và viêm đường tiết niệu.
Ở Ấn Ðộ hạt dùng đắp mụn nhọt mưng mủ, trị ho và lỵ.
Ngày dùng 10 -15g dạng thuốc sắc.
Ðơn thuốc:
1. Chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu dạ dày. Mào gà, thiến thảo, Cỏ nhọ nồi (Cỏ mực) đều 15g, sắc uống.
2. Trĩ ra máu, tử cung xuất huyết: Bông mào gà phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 5g với nước trà.
3. Viêm đường tiết niệu: Mào gà, biển súc, mỗi vị 15g, Thài lài 30g, sắc nước uống.
4. Lỵ bạch đới: Mào gà, Lát khét (rễ) mỗi vị 15g sắc nước.