Mở đầu
Chi Tế tân (Asarum L. - hay còn gọi là chi Hoa tiên, Dầu tiên) thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Trên thế giới, chi này có khoảng 90 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng ôn đới của Bắc bán cầu, với phần lớn các loài ở Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam), Bắc Mỹ và một loài ở châu Âu (Asarum europaeum) [4].
Ở Việt Nam, theo Phạm Hoàng Hộ (1999) [10], Nguyễn Tiến Bân (2001) [1] và Võ Văn Chi (2003) [6], chi Asarum L. gồm có 7 loài (A. balansae Franch; A. blumei Duch. in DC.; A. caudigerum Hance; A. glabrum Merr.; A. petelotii O. C. Schmidt; A. reticulatum Merr. và A. wulingense Liang), phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có 3 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 (A. balansae Franch.; A. caudigerum Hance và A. glabrum Merr.) [3]. Trong quá trình điều tra thực vật, chúng tôi đã phát hiện loài Asarum cordifolium C. E. C. Fischer tại Sa Pa (Lào Cai), bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam, nâng tổng số loài hiện biết của chi Asarum L. lên 8 loài.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu là các đại diện của chi Asarum L. ở Việt Nam, bao gồm các mẫu khô lưu giữ tại các phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), Viện Dược liệu (HNPI), Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội (HNU), Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna, Trung Quốc (XTBG), Đại học quốc gia Đài Loan, Trung Quốc (NTU), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pari, Pháp (NMNH); Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Anh (BMNH), Vườn thực vật Royal, Kew (K)... và các mẫu tươi thu được tại Sa Pa (Lào Cai).
Phương pháp
Dựa vào phương pháp nghiên cứu so sánh đặc điểm hình thái để phân loại; phương pháp chuyên gia và sử dụng các tài liệu chuyên ngành như Cây cỏ Việt Nam [10], Từ điển thực vật Việt Nam [6], Danh lục thực vật Việt Nam [1], Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam [14], Thực vật chí Trung Quốc [15], Thực vật chí Đài Loan [11] và Danh sách thực vật Myanma [12].
Kết quả và thảo luận
Khóa định loại 8 loài thuộc chi Asarum L. ở Việt Nam
1a. Vòi nhụy hợp lại thành cột, đỉnh vòi nhụy nguyên.
2a. Đài hợp hình ống, thùy đài không thót lại thành đuôi nhọn ở đỉnh ....................
......................................................................................... 1. A. balansae
2b. Đài rời, thùy đài đột ngột thót lại thành đuôi dài và nhọn ở đỉnh.
3a. Lá hình tim, mọc cách, cỡ 7-8 × 8-12 cm; thùy đài cỡ 1,2 × 2,0 cm; có đuôi nhọn dài 1-1,5 cm. Bầu trung ............................. 2. A. cordifolium
3b. Lá hình tim, mọc đối xứng, cỡ 11-18 × 13-24 cm; thùy đài cỡ 1,2 × 2,5 cm; có đuôi nhọn dài 1,5-2,5 cm. Bầu hạ ..................... 3. A. caudigerum
1b. Vòi nhụy rời, đỉnh vòi nhụy chẻ 2 hay có khuyết.
4a. Đài hợp hình ống dài 3-3,5 cm, thắt lại ở 1/3 phía trên .............. 4. A. glabrum
4b. Đài hợp hình trụ hay mở rộng dần, không thắt lại như trên.
5a. Ống đài và mặt dưới của phiến lá phủ lông tơ màu vàng nâu dày đặc, cuống hoa uốn ngược, phủ lông ....................................... 5. A. wulingense
5b. Ống đài và mặt dưới của phiến lá nhẵn hay chỉ có lông thưa ở gân lá; cuống hoa thẳng, gần nhẵn.
6a. Ống đài thường nghiêng sang một bên, mảnh, không cân đối, vùng cổ mảnh, hẹp; phiến lá dạng bầu dục hẹp, hình tam giác-bầu dục hay hình thuôn-mác, đầu lá có mũi nhọn dài; thân rễ dài, mọc ngang; bầu trung .................................................................... 6. A. petelotii
6b. Ống đài không nghiêng, cân đối, vùng cổ rộng; bầu hạ.
7a. Ống đài hình ống, phồng xung quanh bầu; phiến lá hình tim mũi giáo, mặt trên xám lục, mặt dưới nâu, bìa không có răng...................
.............................................................................. 7. A. blumei
7b. Ống đài hình trụ, mở rộng dần; phiến lá hình tim thon, như da, bìa có răng nhỏ không đều ....................................... 8. A. reticulatum
Mô tả loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam
Asarum cordifolium C. E. C. Fischer, Bull. Miscel. Info. (Kew Bull.), 27: 239-241, 1930 [8].
Cây thảo, sống nhiều năm, thân rễ nằm ngang, cao 15-25 cm, có lóng 2-3 cm. Thân rễ tròn, có lông thưa ở thân già, lông trắng dày ở thân non. Lá mọc cách, 1-4 lá; hình tim 7-8 × 8-12 cm; mép lá nguyên, có lông trắng thưa; 2 mặt lá phủ lông trắng; cuống lá 12-20 cm, có lông trắng dày ở cuống lá non; gân đáy 5. Hoa đơn độc, mọc ở ngọn, màu đỏ, có nhiều lông trắng ở mặt ngoài; cuống dài 2 cm, có nhiều lông trắng. Lá bẹ hình mũi giáo. Đài rời; thùy đài màu đỏ, cỡ 1,2 × 2,0 cm; ở chóp đột ngột thót lại thành đuôi nhọn, dài 1-1,5 cm. Cánh hoa 3, dạng hình kim, màu đỏ, dài 0,3 cm. Nhị 12; chỉ nhị dài bằng bao phấn, màu đỏ tím; trung đới hình lưỡi, vượt bao phấn. Vòi nhụy 6, hợp; cao bằng bao phấn; đỉnh nguyên. Quả phát triển trong bao hoa tồn tại, màu đỏ nhạt, có lông trắng dày; bầu trung, 6 ô. Hạt nhỏ, 15-30 hạt, màu nâu đen, nhẵn.
Loc. class.: India (Asam), Myanma (Chin, Kachin và Sagaing).
Syntypus: Kingdon Ward, F., 8123 (K), Kingdon Ward, F., 6661 (K).
Sinh học và sinh thái: Ra hoa vào đầu tháng 10, hoa nở vào đầu tháng 11, phát tán hạt vào tháng 6-7 năm sau, hạt phát tán gần. Cây đẻ nhánh khỏe, thân rễ bò lan tạo thành khóm. Các nhánh con có thể tách ra để trồng. Cây ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc thành đám dọc theo đường mòn, dưới tán rừng thảo quả.
Phân bố: Lào Cai (Can Hồ B, Bản Khoang, Sa Pa) (độ cao từ 1.500 đến 1.600 m; 21o02’47,9’’N - 105o48’21,4’’E). Còn gặp ở phía Nam Himalayans, được mô tả dựa trên mẫu vật thu được ở Assam (Ấn Độ) và Bắc Myanma bởi Kingdon Ward [8] và được ghi nhận vào Danh sách Thực vật chí Myanma năm 2003 [12].
Mẫu nghiên cứu: Lào Cai (NAT11129-HN; 3719-HNU), Kew (K000634499, K000634500).
Nhận xét: Năm 1930, Petelot định loại mẫu 3719-HNU với tên là Asarum caudigerum, mẫu vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội. So sánh mẫu type của loài Asarum caudigerum tại vườn thực vật Royal, Kew (số hiệu: K000634520) và mẫu type tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Anh (số hiệu BM000901357) [16] với mẫu mang số hiệu: 3719-HNU, chúng tôi khẳng định rằng, mẫu mang số hiệu: 3719-HNU chính là loài Asarum cordifolium.

Hình 1-5. Asarum cordifolium C. E. C. Fischer
1. Cây mang hoa; 2. Núm nhụy; 3. Nhị; 4. Lát cắt dọc quả; 5. Lá bẹ
(vẽ theo mẫu NAT11129-HN, người vẽ Nguyễn Anh Tuấn).
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003. Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập II. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. Trang 125.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 1996. Sách Đỏ Việt Nam. Phần Thực vật. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007. Sách Đỏ Việt Nam. Phần II - Thực vật. Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ. Trang: 94-98.
Chang-Tse LU and Jenn-Che WANG, 2009. Three new species of Asarum (section Heterotropa) from Taiwan. Taiwania, 50: 229-240.
Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, 2006. Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Võ Văn Chi, 2003. Từ điển thực vật thông dụng, tập 1. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nộ. Trang: 375-377.
Duchartre, Pierre Étienne Simon, 1864. Asarum blumei. Prodromus Systematis Naturalis Regni Vegetabilis, 15(1): 427. Parisiis.
Fischer C. E. C., 1930. Plants new to Assam: II. Bull. Miscel. Info. (Kew Bull.), 27: 239-241.
Hemsley, William Botting, 1890. The Gardeners' Chronicle, ser. 3 7: 422.
Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam, tập 1. Nxb. Trẻ, tp Hồ Chí Minh. Trang 305.
Huang S. F., T. H. Hsieh and T. C. Huang, 2010: Flora of Taiwan. International Journal of life Sciences, 55(2): 637-651.
Kess W. J., R. A. DeFilipps, E. Farr & Y. Kyi., 2003. A checklist of the trees, Shrubs, Herbs and Climbers of Myanmar. Nat. Mus. Natur. Hist., Smithsonian Inst., Washington, DC.
Merrill, Elmer Drew, 1942. Asarum glabrum. Journal of the Arnold Arboretum, 23(2): 160. Harvard University. USA.
Viện Dược liệu, 2000. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Wu Zheng-yi, Peter H Raven et al., 2003. Flora of China, Volume 5: 246-257. Missouri Botanical Garden Press.
Từ khóa: Aristolochiaceae, Asarum cordifolium, ghi nhận mới, Sa Pa (Lào Cai).
Nguyễn Anh Tuấn
Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ
Trần Huy Thái
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Jenn-Che Wang, Chang-Tse Lu
Đại học quốc gia Đài Loan