Tên thường gọi: Bầu
Tên khác: Bầu canh, Bầu nậm
Tên tiếng Anh: calabash
Tên khoa học: Lagenaria siceraria (Molina) Standl.
Thuộc họ Bầu bí - Curcubitaceae.
Mô tả: Bầu là loại dây leo có tua cuốn phân nhánh, phủ lông mềm, có lá hình tim rộng không xẻ thùy hoặc hơi xẻ thùy nông; hoa đơn tính, cùng gốc, to, màu trắng; quả tròn, dài, có lông, vỏ màu lục nhạt hay sẫm, hoặc có đốm khi già thì vỏ quả ngoài hóa gỗ. Có những thứ khác nhau để trồng:
- var. hispida (Thunb.) Hara, quả dài 60-80cm, vỏ màu lục trắng, thịt quả trắng (Ở Trung Quốc gọi là Hổ tử), nhân dân ta gọi là bầu sao.
- var. microcarpa (Naud.) Hara, hình dạng quả tương tự quả bầu, nhưng quả nhỏ, chiều dài 10cm (Ở Trung Quốc gọi là Tiểu hồ lô).
- var. depressa (Ser.) Hara, quả có phần dưới tròn, dài 30cm. Loại này có vỏ hóa gỗ dùng làm đàn bầu, làm muôi muỗng và đồ đựng nước (Ở Trung Quốc gọi là Bào qua); ta gọi là Bầu nậm hay Bầu eo.
Phân bố và sinh thái: Cây bầu gốc ở châu Mỹ, ngày nay được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận hiệt đới trên thế giới. Ở nước ta, bầu được trồng khắp nơi làm rau ăn mùa hè.
Chế biến làm thực phẩm: Quả bầu là bộ phận được sử dụng để luộc hay nấu canh hoặc xào ăn. Bầu luộc chấm nước mắm tôm, mắm tép, hoặc nấu canh với tôm, với tép, với cá. Người ta còn thái bầu ra thành từng miếng nhỏ phơi khô làm rau ăn khi không đúng thời vụ.
Người ta đã phân tích thành phần tính theo g% có : protein 0,6; glucide
2,9; cellulose 1,0 và theo mg%: calcium 21; phosphor 25; sắt 0,2 và các vitamin: caroten 0,02; vitamin B1 0,02; B2 0,03; PP 0,4; C 12. Nhiệt lượng do bầu cung cấp là 14 calo. Cũng có tài liệu cho biết trong 100gr quả bầu tươi có (theo %): nước 89; protein 0,5; lipide 0,5; cellulose 0,8; dẫn xuất phi protein 9,2 và khoáng toàn phần 0,4.
Sử dụng làm thuốc: Nhiều bộ phận của cây bầu được sử dụng làm thuốc. Thịt quả bầu có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, dùng chữa đái dắt, chứng phù nề (nhưng cần lưu ý đối với người có triệu chứng sưng ống chân và chứng đầy hơi, nếu ăn thì sẽ lâu khỏi). Bầu còn chữa bệnh tiêu khát uống nước nhiều, đái tháo và máu nóng sinh mụn lở.
Trong Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi:
“Hồ lô tử thường gọi quả Bầu,
Tính hoạt, cam hàn, có độc đâu,
Giải nhiệt, trừ sang cùng trúng độc,
Thông lâm tiêu thũng phải trừ mau.
Phàm người mắc bệnh cước khí và chứng hư trướng có tính lạnh, nếu ăn bầu thì bệnh sẽ kéo dài không khỏi, ăn nhiều sẽ sinh thổ tả”.
Ở Trung Quốc, mỗi thứ bầu được sử dụng khác nhau:
- Thứ bầu nậm [var. depressa (Ser.) Hara] có quả dùng lợi thủy, thông lâm, trừ thấp, lợi đàm, dùng trị thủy thũng, trướng bụng, hoàng đản và chứng lâm.
- Thứ bầu sao [var.hispida (Thunb.) Hara] có quả dùng làm thuốc, lợi thủy, thanh nhiệt, chỉ khát, trừ phiền, dùng trị thủy thũng, trướng bụng, phiền nhiệt miệng khát, lở độc, hạt dùng trị á chướng và đòn ngã.
- Thứ bầu nhỏ [var. microcarpa (Naud.) Hara] có quả dùng lợi thủy, tiêu thũng, được dùng trị thủy thũng.
Trong Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông nói đến loài Bầu đắng mà ở Trung Quốc gọi là khổ hồ. [Lagenaria siceraria (Molina) Standl. var. gourda Ser.]
“Khổ biều tên gọi là bầu đắng
Vị đắng, khí hàn không độc lắm
Lợi tiểu tiện, tiêu thũng, thông lâm
Tỵ uyên, ung sàng, hoàng đản chứng”.
Những bộ phận khác của cây bầu cũng được sử dụng:
Lá bầu có vị ngọt, tính bình, có thể làm thức ăn chống đói. Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải thai độc, nấu tắm cho trẻ em để phòng ngừa đậu sởi, lở ngứa. Hạt bầu để chữa lợi răng sưng sưng đau, răng lung lay và tụt lợi chân răng lộ ra, dùng với ngưu tất, mỗi vị 20g, nấu lấy nước ngậm và súc miệng, ngày 3-4 lần.