Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Đa dạng ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) của Vườn Quốc gia Tam Đảo

Cập nhật ngày 22/6/2011 lúc 12:36:00 PM. Số lượt đọc: 4094.

Với mục đích bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái; bảo vệ nguồn gen các loài động, thực vật; bảo vệ cảnh quan,... Từ khi thành lập (năm 1996) đến nay, Vườn quốc gia Tam Đảo đã tiến hành điều tra và liên tục điều tra bổ sung về hệ động, thực vật. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là điều tra, đánh giá về thành phần loài của Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm

Mở đầu

Vườn quốc gia Tam Đảo là một dãy núi lớn, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, trải dài từ 21 o21’ đến 21o42’ vĩ độ Bắc và 105o23’ đến 105o44’ kinh độ Đông, nằm trên địa phận 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Với các đặc điểm rất phức tạp về địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn. Hơn nữa, đây còn là nơi giao lưu của các vùng địa lý sinh học khác nhau như: Hoàng Liên Sơn, Vân Nam Trung Quốc, Bắc Trung Bộ. Vì vậy, đã tạo nên ở đây hệ thực vật với tính đa dạng và phong phú rất cao.

Với mục đích bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái; bảo vệ nguồn gen các loài động, thực vật; bảo vệ cảnh quan,... Từ khi thành lập (năm 1996) đến nay, Vườn quốc gia Tam Đảo đã tiến hành điều tra và liên tục điều tra bổ sung về hệ động, thực vật. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là điều tra, đánh giá về thành phần loài của Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm.

Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp đã được áp dụng là: các phương pháp nghiên cứu thực vật truyền thống; các phương pháp điều tra cộng đồng RRA (đánh giá nhanh nông thôn) và PRA (đánh giá nông thôn có sự tham gia); phương pháp nghiên cứu kế thừa tài liệu.

Kết quả nghiên cứu

Đa dạng phân loại ngành Ngọc lan của Vườn quốc gia Tam Đảo

Đa dạng phân loại taxon lớp trong ngành Ngọc lan

Qua quá trình điều tra, nghiên cứu, đến nay đã xác định được thực vật ngành Ngọc lan của Vườn quốc gia Tam Đảo phân bố thuộc 6 ngành thực vật là: ngành Lá thông (Psilotophyta) ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành Tháp bút (Equisetophyta), ngành Dương xỉ (Polypodiophyta), ngành Hạt trần (Pinophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Khi đi sâu nghiên cứu, đã thấy rằng: Số loài phân bố ở các ngành không đồng đều nhau, chủ yếu tập trung ở ngành Ngọc lan (Magnoliophyta).

Đi sâu khảo sát ngành Ngọc lan, trong ngành gồm hai lớp: Lớp hai lá mầm (Magnoliopsida) và Lớp một lá mầm (Liliopsida). Ta thấy số lượng các taxons trong hai lớp này cũng có sự khác biệt lớn, lớp Ngọc lan chiếm tỷ lệ lớn, với 79,78% số họ, 78,93% số chi và 77,93% số loài trong ngành Ngọc lan. Tỷ lệ hai lớp trong ngành Ngọc lan có sự phân hoá khá mạnh. Cụ thể được thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1. Số lượng họ, chi, loài thực vật ở hai lớp trong ngành Ngọc lan

 

Đa dạng về bậc họ

Theo Tolmachov A.L., 1974: Thành phần thực vật ở rừng nhiệt đới khá phong phú và đa dạng. Thể hiện là rất ít họ chiếm 10% tổng số loài khu hệ thực vật. Khu hệ thực vật đó được coi là đa dạng về họ.

Qua điều tra, thống kê cho thấy, ngành Ngọc Lan của Vườn quốc gia Tam Đảo có 178 họ. Thống kê 10 họ có số loài lớn nhất được thể hiện qua Bảng 2.

Bảng 2. Các họ giàu loài nhất tại Vườn quốc gia Tam Đảo

 

Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có số lượng loài lớn nhất, với 100 loài chiếm 6,84%. Tổng số loài của 10 họ trên chỉ chiếm 39,89% số loài trong ngành. Như vậy ta có thể khẳng định rằng thực vật ngành Ngọc lan của Vườn quốc gia Tam Đảo đa dạng ở bậc họ.

Đa dạng về bậc chi

Sự phân bố các loài trong các chi không đều nhau, thống kê 10 chi có số loài lớn nhất được thể hiện qua Bảng 3.

Bảng 3. Các chi có số loài lớn nhất tại Vườn quốc gia Tam Đảo

 

Trên đây là 10 chi có số loài nhiều nhất. Hai chi Ficus và Carex có số loài nhiều nhất (26 và 15 loài). Tổng số loài trong 10 chi này là 129, chiếm 8,84% số loài đã biết. Như vậy, có thể kết luận thực vật ngành Ngọc lan ở đây đa dạng về bậc chi.

Các loài cây quý hiếm và nguy cấp

Theo Sách đỏ Việt Nam 2007

Đã thống kê được 46 loài thực vật ngành Ngọc lan Vườn quốc gia Tam Đảo có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, cụ thể như sau:

  • Nhóm rất nguy cấp (CR), có 4 loài: Giác đế tam đảo (Goniothalamus takhtajanii Ban): CR B1+2b,c,e; Vù hương (Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn.): CR A1a,c,d; Lan điểm ngọc (Paphiopedilum emersonii Koop. & Cribb): CR A1a,c,d; Vệ hài trang trí (Paphiopedilum gratrixianum Rolfe): CR A1a,c,d+2d.
  • Nhóm nguy cấp (EN), có 15 loài, bao gồm: Dẹ lô tung (Potameia lotungensis (S. K. Lee) Kim Dao): EN B1+2b,c,e; Bát giác liên (Podophyllum tonkinense Gagnep.): EN A1a,c,d; Chò đãi (Annamocarya sinensis (Dode) J. Leroy): EN B1+2c,d,e; Táu nước (Vatica subglabra Merr.): EN A1c,d; Sến mật (Madhuca pasquieri (Dubard) H. J. Lam): EN A1a,c,d; Lá dương đỏ (Alniphyllum eberhardtii Guillaum.): EN A1+2a,c,d; Trầm (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte): EN A1c,d, B1+2b,c,e; Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss.): EN A1a,c,d+2c,d; Cồ nốc lan (Curculigo orchioides Gaertn.): EN A1a,c,d; Kim tuyến tơ (Anoectochilus setaceus Blume): EN A1a,c,d; Giải thuỳ ba răng (Anoectochilus tridentatus Seidenf. Ex Aver.): EN A1d+2e; Ngọc vạn vàng (Dendrobium chrysanthum Lindl.): EN B1+2e+3d; Phương dung (Dendrobium devonianum Paxt.): EN A1d, B1+2b,c; Đại giác (Dendrobium longicornu Lindl.): EN B1+2e+3d; Thanh thiên quỳ (Nervilia fordii (Hance) Schlechter): EN A1d+2d.
  • Nhóm sẽ nguy cấp (VU), có 26 loài: Vàng tâm (Manglietia fodiana Oliv.): VU A1c,d; Giổi lông (Michelia balansae (DC.) Dandy): VU A1c,d; Nhọc trái khớp lá thuôn (Enicosanthelum plagioneurum (Diels) Ban): VU A1a,c,d; Kháo xanh (Cinnadenia Paniculata (Hook. f.) Kosterm.): VU A1; Gù hương (Cinnamomum balansae Lecomte): VU A1c; Biến hóa (Asarum caudigerum Hance): VU A1a,c,d; Hoa tiên (Asarum glabrum Merr.): VU A1c,d; Củ gió (Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep.): VU A1c,d; Chò nước (Platanus kerrii Gagnep.): VU B1+2e; Chò nâu (Dipterocarpus retusus Blume): VU A1c,d+2c,d,B1+2b,e; Châu thụ thơm (Gaultheria fragrantissima Wall.): VU B1+2b,c; Lá khôi (Ardisia silvestris Pitard): VU A1a,c,d+2d; Thiên lý hương (Embelia parviflora Wall. ex A. DC.): VU A1a,c,d+2d; Trám đen (Canarium tramdenum Dai & Yakovl.): VU A1,a,c,d+2d; Gội nếp (Aglaia spectabilis (Miq.) Jain & Bennet.): VU A1a,c,d+2d; Ngũ gia bì gai (Evodiopanax evodiifolius (Franch.) Nakai): VU A1c,d; Rau sắng (Melientha suavis Pierre): VU B1+2e; Mã tiền lông (Strychnos ignatii Berg.): VU A1a,c; Ba gạc vòng (Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill.): VU A1a,c; Thiết đinh (Markhamia stipulata (Wall.) Seem. ex Schum. var. kerrii Sprague): VU B1+2e; Lê dương (Aeginetia indica L.): VU B1+2b,c; Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. & Thoms.): VU A1a,c,d+2c,d; Hoàng tinh hoa trắng (Disporopsis longifolia Craib): VU A1c,d; Ngải rợm (Tacca integrifolia Ker-Gawl.): VU A1a,c,d; Phá lủa (Tacca subflabellata P. P. Ling & C. T. Ting): VU A1a,c,d; Song mật (Calamus platyacanthus Warb. ex Becc.): VU A1c,d+2c,d.
  • Nhóm ít nguy cấp (LR), có 01 loài là: Nưa hoa vòng (Amorphophallus interruptus Engl. & Gehrm.): LR/ cd.

Theo Nghị định 32/2006/NĐ - CP (Ngày 30 tháng 3 năm 2006)

Đã thống kê được 24 loài thực vật ngành Ngọc lan Vườn quốc gia Tam Đảo có tên trong Nghị định 32/NĐ-CP ban hành ngày 30/023/2006, về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể như sau:

  • Nhóm IA: có 10 loài, bao gồm: Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain); Giải thuỳ tam đảo (Anoectochilus daoensis Gagnep.); Giải thuỳ tím (Anoectochilus elwesii (C. B. Clarke ex Hook. f.) King & Pantl.); Kim tuyến (Anoectochilus lylei Rolfe ex Downie); Kim tuyến tơ (Anoectochilus setaceus Blume); Giải thuỳ Sikkim (Anoectochilus sikkimensis King & Paul.); Giải thuỳ ba răng (Anoectochilus tridentatus Seidenf. Ex Aver.); Lan hài đốm (Paphiopedilum concolor (Lindl.) Pfitz.); Lan điểm ngọc (Paphiopedilum emersonii Koop. & Cribb); Vệ hài trang trí (Paphiopedilum gratrixianum Rolfe).
  • Nhóm IIA: có 14 loài, bao gồm: Gù hương (Cinnamomum balansae Lecomte); Vù hương (Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn.); Tế hoa blume (Asarum blumei Duch. in DC.); Biến hóa (Asarum caudigerum Hance); Hoa tiên (Asarum glabrum Merr.); Tế hoa petelot (Asarum petelotii O. C. Schmidt); Tế tân núi (Asarum wulingense Liang); Bình vôi (Stephania rotunda Lour.); Thổ hoàng liên (Thalictrum foliosum DC.); Trai lý (Garcinia fagraeoides A. Chev.); Lim xanh (Erythrophleum fordii Oliv.); Thiết đinh (Markhamia stipulata (Wall.) Seem. ex Schum. var. kerrii Sprague); Hoàng tinh hoa trắng (Disporopsis longifolia Craib); Thanh thiên quỳ (Nervilia fordii (Hance) Schlechter).

Đa dạng dạng sống thực vật Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)

Trong số 1463 loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan đã biết có tại Vườn quốc gia Tam Đảo, đã xác định được được dạng sống cho 1317 loài và lập phổ dạng sống cho các loài này, có 146 loài chưa xác định được dạng sống sẽ không tham gia trong công thức phổ dạng sống. Các loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan của Vườn quốc gia Tam Đảo có mặt của hầu hết tất cả các nhóm dạng sống khác nhau, với tỷ lệ và cấu trúc khác nhau. Nhóm cây chồi trên đất (Ph) có 1045 loài, chiếm 79,35% về phổ dạng sống; nhóm cây chồi nửa ẩn (H) có 32 loài, chiếm 2,43%; nhóm cây chồi ẩn (Cr) có 86 loài, chiếm 6,53% và nhóm cây chồi một năm (Th) có 154 loài, chiếm 11,69% phổ dạng sống.

Phổ dạng sống của hệ thực vật ở khu vực nghiên cứu được xây dựng như sau:

SB = 79,35 Ph + 2,43 H + 6,53 Cr + 11,69 Th, trong đó nhóm cây chồi trên đất (Ph) có phổ dạng sống như sau:

Ph = 32,37 MM + 21,10 Mi + 15,35 Na + 1,20 Hp + 13,19 Lp + 0,96 Ep + 0,24 Pp

Trong đó: MM – cây chồi trên lớn và vừa; Mi – cây chồi trên nhỏ; Na – cây chồi trên lùn; Hp – cây chồi trên thân thảo; Lp – cây dây leo; Ep – cây bì sinh; Pp – cây ký sinh.

Sự phân bố của thực vật ngành Ngọc lan trong các kiểu thảm

Các kiểu thảm thực vật có ở Vườn quốc gia Tam Đảo

Theo phân loại trong Thảm thực vật Việt Nam trên quan điểm sinh thái phát sinh của GS.TS Thái Văn Trừng và Phạm Hoàng Hộ, thảm thực vật của Vườn quốc gia Tam Đảo có thể xếp vào 2 kiểu chính, 3 kiểu phụ và thảm tươi như sau:

Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp

Thường phân bố ở độ cao dưới 700m, nhưng do ảnh hưởng của độ dốc, hướng phơi nên có thể phân bố đến độ cao 900 - 1000m. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp này bao phủ phần lớn dẫy núi Tam Đảo với những loài cây có giá trị kinh tế như Chè đuôi lươn, Mang xanh, Thôi ba,… Do sự gia tăng dân số quá nhanh và nhu cầu về gỗ, củi của nhân dân tăng lên, kiểu rừng này bị phá hoại nặng nề. Diện tích kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới nguyên sinh còn lại rất ít, đa phần đã bị khai thác với hình thức chặt chọn, làm thành phần loài cây và kết cấu tầng thứ thay đổi.

Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp

Thường phân bố ở độ cao trên 700m, nhưng do ảnh hưởng của độ dốc, hướng phơi nên có thể phân bố trên độ cao 900 - 1000m. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới bao phủ phần phía trên của dẫy núi Tam Đảo với những loài cây có giá trị kinh tế như Chò chỉ, Giổi, Re, Kim giao, Pơ mu v.v. Diện tích kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới nguyên sinh còn nhiều hơn kiểu rừng trên nhưng cũng bị khai thác với hình thức chặt chọn, làm thành phần loài cây và kết cấu tầng thứ thay đổi nhiều.

Kiểu phụ rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới thứ sinh nghèo kiệt sau khai thác

Phân bố ở hầu khắp Vườn quốc gia Tam Đảo với diện tích rất lớn.

Kiểu phụ thứ sinh rừng trồng với các loài khác nhau

Như rừng Thông đuôi ngựa với các cấp tuổi khác nhau từ khoảng 70 năm xuống đến vài năm, Keo với 2 cấp tuổi, Bạch Đàn cũng có 2 cấp tuổi.

Kiểu phụ rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

Loại này có diện tích nhỏ và phân bố ven suối hoặc ven khe với hỗn giao giữa các loài cây gỗ là Thôi ba, Mang xanh... và các loài tre, trúc, sặt đã tạo nên sự đa dạng và phong phú cho Vườn quốc gia Tam Đảo.

Thảm tươi, cây bụi

Loại này chiếm diện tích khá lớn, phân bố nhiều ở các vùng đồi thấp, tiếp giáp giữa vùng núi và vùng đồng bằng với các loài thực vật như: sim, mua, thành ngạnh, cỏ tranh,...

Tỷ lệ phân bố của thực vật ngành Ngọc lan trong các kiểu thảm

Đã xác định được sự phân bố của các loài thực vật ngành Ngọc lan trong các kiểu thảm thực vật có tại Vườn quốc gia Tam Đảo, cụ thể tại Bảng 4.

Bảng 4. Tỷ lệ phân bố của thực vật ngành Ngọc lan trong các kiểu thảm thực vật

(Tỷ lệ % trong bảng lớn hơn 100%, do có nhiều loài sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau)

Đánh giá về giá trị hệ thực vật Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)

Bảng 5. Các nhóm công dụng thực vật ngành Ngọc lan

(Tỷ lệ % trong bảng lớn hơn 100%, do có nhiều loài có nhiều công dụng khác nhau)

Bảo tồn và phát triển bền vững các loài thực vật có tại Vườn quốc gia Tam Đảo không chỉ là phục hồi, duy trì mà cần phát triển các loài thực vật ở đây, góp phần bảo vệ, phát triển được nguồn gen đa dạng, quý hiếm của các loài cây. Trong tổng số 1463 loài thực vật ngành Ngọc lan có ở Vườn quốc gia Tam Đảo, đã xác định 1143 loài có ích, chiếm 78,13%, có thể sử dụng vào 14 nhóm công dụng khác nhau, cụ thể tại Bảng 5.

Một số biện pháp bảo vệ, bảo tồn của Vườn quốc gia Tam Đảo

Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc đốt rừng, khai thác trái phép tài nguyên rừng làm suy giảm vốn rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến các giá trị di tích cảnh quan trong khu vực;

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương nâng cao đời sống, giảm phụ thuộc vào tài nguyên rừng;

Thực hiện tốt các hạng mục trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên,... thuộc chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng;

Xây dựng các chương trình nghiên cứu bảo tồn tính đa dạng thực vật nói chung, đặc biệt là bảo tồn các ưu hợp thực vật chủ yếu, các loài thực vật quý hiếm,...

Kết luận

Thực vật ngành Ngọc lan của Vườn quốc gia Tam Đảo có 1463 loài thuộc 769 chi của 178 họ trong hai lớp Magnoliopsida và Liliopsida.

46 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 24 loài có tên trong Nghị định số 32/CP-NĐ (10 loài thuộc nhóm IA và 14 loài thuộc nhóm IIA).

Đã lập được phổ dạng sống cho 1317 loài thực vật ngành Ngọc lan

Thực vật ngành Ngọc lan phân bố ở vào 2 kiểu chính, 3 kiểu phụ và thảm tươi.

Đã xác định 1143 loài có ích thuộc ngành Ngọc lan, chiếm 78,13%, có thể sử dụng vào 14 nhóm công dụng khác nhau.

Tài liệu tham khảo 

  1. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập II. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  2. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập III. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 2007: Sách đỏ Việt Nam (Phần Thực vật). Nxb KH&KT, Hà Nội.
  4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, 2006: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP
  5. Nguyễn Văn Tập, 2006: Tạp chí Dược liệu, 11(3):97-115
  6. Đỗ Đình Tiến, 2007: Vườn Quốc Gia Tam Đảo. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

Đỗ Văn Tuân, Đỗ Đình Tiến, Đặng Văn Thạch, Hoàng Thị Phương Thảo, Vũ Ngọc Hiến, Lê Đình Trường
Vườn quốc gia Tam Đảo
Lưu Đàm Cư
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

(Báo cáo khoa học Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, 2011)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023