Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã chứng minh cơ sở khoa học của những cây thuốc qua thành phần hoá học, tác dụng kháng khuẩn, sát trùng… Điều này lại càng có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi giá thuốc Tây y đang không ổn định và tăng cao, việc mua thuốc Tây y với đồng bào dân tộc vùng cao là một khó khăn lớn. Bản Noong Đúc có tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 40ha, thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, địa hình chủ yếu là các dãy núi cao xen kẽ các thung lũng bằng phẳng, có hệ thực vật rừng khá phong phú, đa dạng. Cùng với sự phát triển hệ thực vật rừng, ở đây có nguồn cây thuốc rất phong phú nhưng đang có nguy cơ bị phá hoại. Trong tương lai sẽ có không ít loài cây thuốc trở nên khan hiếm hoặc có nguy cơ bị diệt chủng. Vì vậy, điều tra, nghiên cứu, thu thập những kinh nghiệm, các loài cây thuốc thuốc quí và bảo tồn chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, góp phần bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên cây thuốc. Đây là việc làm cần thiết và cho đến nay chưa có tác giả nào nghiên cứu về tài nguyên cây thuốc của đồng bào dân tộc Thái ở đây. Xuất phát từ những vấn đề trên bước đầu chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số đánh giá về sự đa dạng thành phần loài cây có giá trị làm thuốc tại khu vực bản Noong Đúc - phường Chiềng Sinh - thành phố Sơn La làm cơ sở để bảo tồn, khai thác hợp lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc .
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng và địa điểm nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Tất cả các loài thực vật tại khu vực bản Noong Đúc, Phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La có giá trị làm thuốc.
- Địa điểm nghiên cứu: Bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La
Phương pháp nghiên cứu
- Sử dụng các phương pháp nghiên cứu thực vật truyền thống: Thu mẫu thập mẫu theo tuyến và ô tiêu chuẩn, điều tra trong nhân dân để nắm thông tin về những loài cây thuốc. Xử lý mẫu vật theo các phương pháp truyền thống. Xác định tên khoa học và công dụng của các loài thực vật theo Phạm Hoàng Hộ (1991-1993), Lê Trần Đức (1995), Đỗ Tất Lợi (1995) và Võ Văn Chi (1996), Nguyễn Tiến Bân (1997), Trần Đình Đại, Nguyễn Trung Vệ (1993), Trần Đình Lý và cs. (1993).
- Đánh giá tình trạng nguy cấp của các loài cây thuốc vùng nghiên cứu theo “Sách Đỏ Việt Nam”, 2007 (phần II - Thực vật).
Kết quả nghiên cứu
Đa dạng về thành phần cây thuốc
Kết quả điều tra phân loại bước đầu về các cây có giá trị làm thuốc ở khu vực bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chúng tôi đã xác định được 133 loài thuộc 122 chi, 66 họ. Sự phân bố của các loài cây có giá trị làm thuốc ở từng ngành không đồng đều. Đa số là đại diện thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) với 60 họ, 112 chi, 122 loài, chiếm tỷ lệ 91,73%, sau đó là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 4 họ, 8 chi, 9 loài, chiếm 6,77% , ít nhất là ngành Thông đất (Lycopodiophyta) với 1 họ, 1 chi, 1 loài, chiếm 0,75% và ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta) với 1 họ, 1 chi, 1 loài, chiếm 0,75% (bảng 1)
Bảng 1. Sự đa dạng về taxon của cây làm thuốc tại khu vực nghiên cứu
STT | Ngành thực vật | Số họ | Số chi | Số loài | Tỉ lệ (%) số loài so với tổng số |
1 | Cỏ tháp bút (Equisetophyta) | 1 | 1 | 1 | 0,75% |
2 | Thông đất (Lycopodiophyta) | 1 | 1 | 1 | 0,75% |
3 | Dương xỉ (Polypodiophyta) | 4 | 8 | 9 | 6,77% |
4 | Ngọc lan (Magnoliophyta) | 60 | 112 | 122 | 91,73% |
Tổng cộng | 66 | 122 | 133 | 100% |
(Xem tiếp trang 2...)