Địa lý, thủy văn
Phần Nam Cát Tiên của VQG Cát Tiên ở xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai. Phần Tây Cát Tiên ở xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước. Phần Cát Lộc ở các xã Tiên Hoàng, Gia Viễn và Phước Cát II, huyện Cát Tiên, và xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Tỉnh Lâm Đồng.
Địa hình của VQG Cát Tiên thay đổi lớn ở các phần nêu trên. Cát Lộc nằm ở phần mở rộng về phía tây của Tây Nguyên và có địa hình đồi núi. Mặc dù độ cao chỉ đạt tới 659 m, các đồi có dộ dốc lớn. Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên nằm trong vùng đất thấp phía Nam Việt Nam ở chân của Tây Nguyên. Địa hình của hai vùng này đặc trưng bởi các đồi thấp, thoai thoải, độ cao nhất chỉ đạt tới 372 m.
Sông Đồng Nai là sông lớn thứ hai ở Nam Việt Nam chảy qua VQG, là ranh giới phía tây của khu Cát Lộc và là ranh giới phía đông của khu Nam Cát Tiên. Có rất nhiều suối bắt nguồn từ VQG chảy vào sông này. Vùng đất thấp phía bắc của khu Nam Cát tiên có ít hệ thuỷ và có diện tích đầm lầy và các hồ, khu vực này được cung cấp nước bởi quá trình ngập lũ theo mùa của sông Đồng Nai
Tài nguyên đa dạng sinh học
VQG Cát Tiên có nhiều dạng sinh cảnh khác nhau bao gồm rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh đất thấp ưu thế bởi các loài trong họ Dầu Dipterocarpaceae; rừng nửa rụng lá nguyên sinh và thứ sinh đất thấp ưu thế bởi các loài Bằng lăng Lagerstroemia spp.; đất ngập nước ngọt với các hồ trống trải và trảng cỏ ngập nước theo mùa, bao gồm các loài cỏ Saccharum spontaneum, S. arundinaceum và Neyraudia arundinacea; rừng ngập nước ưu thế là các loài Hydnocarpus anthelmintica xen lẫn với Ficus benjamina; và hàng loạt các kiểu sinh cảnh thứ sinh, bao gồm trảng cỏ và rừng tre nứa (FIPI, 1993).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, VQG Cát Tiên phải gánh chịu các đợt rải thảm chất diệt cỏ tàn khốc cũng như chặt phá rừng ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Tại các khu vực rừng tre nứa dầy đặc và các thảm cỏ, hiện tượng tái sinh tự nhiên của các loài cây rất khó khăn. Chỉ có khoảng 50% tổng diện tích VQG là rừng thường xanh, bán thường xanh và rừng hỗn giao. Rừng tre nứa chiếm khoảng 40% tổng diện tích khu vực. Phần diện tích còn lại là các sinh cảnh đất ngập nước, trảng cỏ và đất nông nghiệp (Polet & Ling in press).
Khu hệ thực vật VQG Cát Tiên đã ghi nhận hơn 1.300 loài thực vật bậc cao có mạch, trong số đó có 34 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (Anon. 1996) và nhiều loài cây gỗ có giá trị như Gõ đỏ Afzelia xylocarpa, Xoay Dialium cochinchinensis, Cẩm lai Dalbergia oliveri và Giáng hương quả to Pterocarpus macrocarpus (Vũ Văn Dũng, 2000).
Cho đến nay đã ghi nhận được 76 loài thú, 320 loài chim, 74 loài bò sát và 35 loài ếch nhái và 99 loài cá và 435 loài bướm tại VQG. Ngoài ra còn có các ghi nhận không chính thức về sự có mặt của 32 loài thú, 19 loài chim, 9 loài bò sát, 4 loài ếch nhái, 31 loài cá và 4 loài Bướm. Trong số các loài được chính thức ghi nhận có 16 loài thú, 15 loài chim, 8 loài bò sát đang bị đe dọa trên toàn cầu (Polet & Ling in press).
Cát Tiên là một trong các khu quan trọng nhất để bảo tồn các loài thú lớn ở Việt Nam. Trong đó có các loài hiện đang có tại đây là Voi châu á Elephas maximus, Tê giác Java Rhinoceros sondaicus, Lợn rừng Sus scrofa, Nai Cervus unicolor và Bò tót Bos gaurus, trong đó trừ Voi và Tê giác, các loài nêu trên có mật độ cao hơn bất kỳ nơi nào ở Việt Nam (Ling 2000). Quần thể loài thú lớn quan trọng nhất của VQG Cát Tiên là quần thể Tê giác Java. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam và Thế giới được biết có quần thể của phân loài Tê giác R. s. annamiticus. Tuy nhiên, số lượng quần thể và vùng phân bố của loài này ở VQG đã suy giảm trong vòng hai thập kỷ qua, và hiện tại ước tính số lượng quần thể từ 7-8 con, phân bố trong phạm vi 6.500 ha (Polet et al. 1999).
VQG Cát Tiên cũng có tầm quan trọng quốc gia để bảo tồn các loài linh trưởng, ở đây có nhiều loài linh trưởng liên quan đến bảo tồn bao gồm Voọc vá chân đen Pygathrix nigripes, Khỉ đuôi lợn Macaca leonina.