Thông tin chung
Tên thường gọi: Xa kê
Tên khác: Sa kê, Cây bánh mì
Tên khoa học: Artocarpus altilis (Park) Forb.
Tên đồng nghĩa: Artocarpus communis Forst. et Forst. f.
Thuộc họ Dâu tằm - Moraceae
Mô tả
Cây gỗ lớn cao 15-20m, có mủ trắng sữa, được người ta dùng vào việc xảm thuyền. Lá dài đến 1m, có khía sâu thành 3-9 thùy, rất nhám ở mặt dưới; lá kèm vàng mau rụng, dài 12-13cm. Xa kê là loài cây đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Bông đực dài 20cm, hoa đực có 1 nhị. Các hoa đực ra đầu tiên và sau đó một khoảng thời gian ngắn là các hoa cái, mọc thành cụm hoa dạng đầu, chỉ có khả năng được thụ phấn sau đó 3 ngày. Động vật thụ phấn cho nó là các loài dơi ăn quả thuộc Cựu thế giới trong họ Pteropodidae). Quả giả, phức hợp phát triển lên từ bao hoa phình ra và bắt nguồn từ 1.500-2.000 hoa. Thường có nhiều quả phức cùng mọc chụm trên thân nhìn giống như chùm. Quả phức hình cầu màu xanh rồi vàng vàng, to bằng đầu người, có nạc trắng, không ngọt nhưng nhiều bột, to như như quả mít tố nữ, tròn hoặc hình trứng. Hoa được nhìn thấy trên lớp vỏ quả như là các đĩa giống hình lục giác. Hạt to 1cm.
Quả Xa kê nguyên vẹn và bổ ngang, bổ dọc, ảnh theo wikimedia
Xa kê trong văn hóa ẩm thực Việt Nam
Ở nước ta, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, sa kê được sử dụng phổ biến dưới hai dạng thức ăn.
Món canh lá xa kê - bài thuốc trị tiểu đường ảnh theo thegioisuckhoe.com
|
1. Đơn giản nhất là người ta chiên sa kê để có món ăn chơi trong những trưa, những chiều nhàn nhã. Những miếng sa kê xắt mỏng, áo lớp bột có trộn lòng đỏ trứng, cho vào chảo chiên vàng ruộm, cắn một miếng, cảm nhận vị ngọt, vị bùi của sa kê cùng vị béo của dầu mỡ hòa quyện vào nhau. Nhai từng miếng giòn giòn, sừn sựt còn tạo cho ta cảm giác thích thú về một món ăn “rặt” miệt vườn.
2. Nhưng rặt miệt vườn hơn và nổi tiếng hơn cả là món "kiểm", thường được người dân lưu vực sông Mê Công ưa dùng trong những ngày giỗ chạp, đình đám. Kiểm được hầm từ khá nhiều loại củ, quả, tàu hũ ky, bột bán cùng với đường và nước dừa dão. Khi chín múc ra tô, người ta mới chế nước cốt dừa, rắc một ít đậu phộng rang đâm sơ lên mặt.
Múc một muỗng “thập cẩm” rau, củ này cho vào miệng, ta thưởng thức vị ngọt của chuối xiêm chín, bí rợ, khoai lang, khoai cau và của mít hầm rục. Hòa trong vị ngọt khó tả này là vị ngọt của đường. Hòa trong vị béo của nước cốt dừa là vị béo của đậu phộng rang đâm sơ, như nổ giòn trong răng khi nhai. Nhưng nổi bật lên không gì hơn là cái “vị không vị” của sa kê. Những miếng sa kê làn lạt, dai dai, nhai một chút như có vị ngọt, vị béo khó tả của nước kiểm, càng ăn càng bắt mê. Có lẽ trên đời này chưa có món nào độc đáo cho bằng kiểm. Bởi kiểm có thể dùng như món canh ăn chung với các món xào, mặn khác trong bữa cơm, bữa giỗ mà cũng có thể ăn chơi những khi nhàn nhã việc nhà. Tô “chè” kiểm cũng là một thứ quà quê không phải nơi nào cũng có.
Xa kê được chế món "Tuyệt đỉnh công phu", ảnh theo muivi.com
Ngoài 2 món ăn trên, sa kê còn được một vài nơi làm thành một hai món khác khiến người ta mê mẩn khó quên. Đầu tiên là sườn hầm sa kê. Lựa sườn nạc có lân ít mỡ cho vào nồi hầm kỹ, vớt bọt cho trong. Sa kê xắt từng miếng vuông, rửa sạch, để ráo. Khi gần ăn, cho sa kê vào nồi, đun lửa nhỏ để sa kê mềm nhưng không nát. Nêm muối, hành ngò là có món sườn hầm sa kê béo ngậy với hương vị đặc biệt, ăn không biết chán.
Để có món sa kê um, ta cho vào chảo khá nhiều dầu. Thịt ba rọi xắt mỏng ướp muối, tiêu, hành, ngò cho thơm trộn lẫn với sa kê cho vào chảo đậy kín bắc lên bếp, thỉnh thoảng đảo đều sẽ cho ta một thức ăn đậm đà khẩu vị, khó quên.
Từ xưa, sa kê vốn đã hiếm khi góp mặt trong bữa ăn thường nhật của người dân đồng bằng sông Cửu Long thì ngày nay lại càng hiếm hơn, nhất là ở nơi thành thị. Lý do đơn giản là vì không đem lại lợi nhuận nhiều như một số trái cây khác nên sa kê ngày càng vắng bóng trong các khu vườn râm mát của nông dân vùng sông nước này. Cho nên, sa kê chiên lâu lâu mới thấy bày bán trên vỉa hè, thỉnh thoảng mới thấy chợ thị thành có vài trái sa kê chờ khách. Ngon là thế, độc đáo là vậy nhưng cho đến bây giờ các món ăn từ sa kê trên lại thiếu vắng trong thực đơn của các nhà hàng...
Nguồn: Mùi vị, Từ điển thực vật thông dụng