Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CỎ LÀM THUỐC

Giới thiệu cây thuốc Sa kê

Cập nhật ngày 27/1/2010 lúc 10:55:00 AM. Số lượt đọc: 5788.

Sa kê còn gọi là cây bánh mì, tên khoa học Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae) là loại cây được trồng ở Malaysia và các đảo ở Thái Bình Dương. Ở nước ta thấy nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trái sa kê nấu chín là món ăn khá thú vị, đặc biệt các bộ phận như rễ, thân và lá của cây sa kê rất giàu dược tính, bộ phận được sử dụng làm thuốc trị bệnh là lá, rễ, vỏ và nhựa cây.

Thông tin chung

Tên thường gọi: Xa kê
Tên khác: Sa kê, Cây bánh mì
Tên khoa học: Artocarpus altilis (Park) Forb.
Tên đồng nghĩa: Artocarpus  communis Forst. et Forst. f.
Thuộc họ Dâu tằm - Moraceae

Mô tả

Cây gỗ lớn cao 15-20m, có mủ trắng sữa, được người ta dùng vào việc xảm thuyền. Lá dài đến 1m, có khía sâu thành 3-9 thùy, rất nhám ở mặt dưới; lá kèm vàng mau rụng, dài 12-13cm. Xa kê là loài cây đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Bông đực dài 20cm, hoa đực có 1 nhị. Các hoa đực ra đầu tiên và sau đó một khoảng thời gian ngắn là các hoa cái, mọc thành cụm hoa dạng đầu, chỉ có khả năng được thụ phấn sau đó 3 ngày. Động vật thụ phấn cho nó là các loài dơi ăn quả thuộc Cựu thế giới trong họ Pteropodidae). Quả giả, phức hợp phát triển lên từ bao hoa phình ra và bắt nguồn từ 1.500-2.000 hoa. Thường có nhiều quả phức cùng mọc chụm trên thân nhìn giống như chùm. Quả phức hình cầu màu xanh rồi vàng vàng, to bằng đầu người, có nạc trắng, không ngọt nhưng nhiều bột, to như như quả mít tố nữ, tròn hoặc hình trứng. Hoa được nhìn thấy trên lớp vỏ quả như là các đĩa giống hình lục giác. Hạt to 1cm.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/5/58/Artocarpus_altilis.jpg
Xa kê trồng trên đảo Hawaii, ảnh theo wikimedia

Bộ phận dùng

Rễ, vỏ, lá - Radix, Cortex et Folium Artocarpi Altilis. Nhựa cây cũng được sử dụng.

Nơi sống và thu hái

Gốc ở Malaixia và các đảo Thái bình dương, được nhập trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam của nước ta.

Thành phần hóa học

Phần múi ăn được của Xa kê chiếm tới 70% quả phức; trong múi có tới 25% tinh bột, 3% protein và 0,5% lipid.

Tính vị, tác dụng

Đông y cho rằng rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng hay bệnh về da rất tốt. Vỏ cây sa kê có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, dùng để trị ghẻ, nhựa cây sa kê pha loãng trị tiêu chảy, lỵ; Lá có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, lợi tiểu, phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt.

Tác dụng làm thuốc

Ở Tân đảo (Nouvelle Calédonie), rễ cây được dùng trị hen và các rối loạn dạ dày ruột, một số rối loạn khi mang thai, đau răng miệng và trị bệnh về da.

Ở Papua Niu - Guinea, vỏ cây được dùng trị bệnh ghẻ; nhựa cây được dùng pha loãng uống trị ỉa chảy và lỵ; lá được dùng phối hợp với lá Ðu đủ rồi giã với vôi cho tới khi có màu vàng, lấy hỗn hợp này đắp trị sưng háng, lá cũng được dùng trị đinh nhọt, sưng háng.

Ở nước ta, dân gian dùng lá chữa phù thũng. Múi quả Xa kê có thể đem luộc chín, nướng bỏ lò, nấu xúp đồ ăn hoặc đem nghiền thành bột dùng làm bánh như bột khoai tây và làm các loại bánh như bánh xèo, hoặc chiên, nấu như một loại thực phẩm.

Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá tươi nấu uống. Lá sa kê còn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị gút, sỏi thận, tiểu đường, tăng huyết áp...

Trị tiểu đường týp 2: Lấy lá sa kê tươi 100g (khoảng 2 lá), quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g, cho vào nồi nấu lấy nước uống hằng ngày.

Trị bệnh gút, sỏi thận: Dùng lá sa kê tươi 100g, dưa leo 100g, cỏ xước khô 50g, cho vào nồi nấu tất cả, lấy nước uống trong ngày.

Chữa viêm gan vàng da: Lá sa kê tươi 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20 – 50g. Nấu chung, lấy nước uống trong ngày.

Trị chứng tăng huyết áp dao động: Dùng lá sa kê vàng (vừa rụng) 2 lá, rau ngót tươi 50g, lá chè xanh tươi 20g, nấu chung lấy nước uống trong ngày.

Trị đau răng: lấy rễ cây sa kê, nấu nước ngậm và súc miệng.

Nguồn tổng hợp: Y học cổ truyền Tuệ tĩnh, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Từ điển cây thuốc

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024