NGHỊ ĐỊNH
Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về quản lý và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng: cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại Nghị định này.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Phân nhóm thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
1. Giải thích từ ngữ:
Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định.
2. Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm (có danh mục kèm theo) như sau:
a) Nhóm I: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I được phân thành:
Nhóm I A, gồm các loài thực vật rừng.
Nhóm I B, gồm các loài động vật rừng.
b) Nhóm II: hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II được phân thành:
Nhóm II A, gồm các loài thực vật rừng.
Nhóm II B, gồm các loài động vật rừng.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
1. Nhà nước đầu tư để quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các hoạt động cứu hộ đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý tịch thu.
2. Hỗ trợ khắc phục thiệt hại do động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên gây ra cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp trong các khu rừng đặc dụng (được chính quyền cấp xã, nơi có rừng đặc dụng xác nhận) theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Chương II
QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG
NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Điều 4. Theo dõi diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đánh giá tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại địa phương; tổng hợp trên địa bàn cùng với việc thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng quy định tại Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc nghiên cứu, đánh giá tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; tổng hợp trong toàn quốc cùng với việc thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng quy định tại Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Điều 5. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
1. Những khu rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phân bố tập trung thì được đưa vào xem xét thành lập khu rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật.
Đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sinh sống ở ngoài các khu rừng đặc dụng phải được bảo vệ theo quy định của Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong khu rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Nghiêm cấm những hành vi sau đây:
a) Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật.
b) Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 6. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ:
1. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I:
Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế.
Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
2. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II:
a) Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II trong các khu rừng đặc dụng:
- Chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế.
- Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II trong các khu rừng đặc dụng không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
b) Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II ngoài các khu rừng đặc dụng:
- Thực vật rừng Nhóm II A ngoài các khu rừng đặc dụng chỉ được khai thác theo quy định tại Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Động vật rừng Nhóm II B ngoài các khu rừng đặc dụng chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nuôi sinh sản), quan hệ hợp tác quốc tế.
Việc khai thác động vật rừng Nhóm II B ngoài các khu rừng đặc dụng không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn của các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với những khu rừng do các tổ chức trực thuộc Trung ương quản lý hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với những khu rừng do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương quản lý.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục, trình tự để phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên.
Điều 7. Vận chuyển, cất giữ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên và sản phẩm của chúng:
Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được khai thác từ tự nhiên, khi vận chuyển, cất giữ phải theo các quy định sau:
1. Có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định này, các giấy tờ khác theo quy định hiện hành của pháp luật về xử lý tang vật vi phạm (đối với trường hợp thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được xử lý tịch thu trong các vụ vi phạm hành chính hoặc vụ án hình sự).
2. Khi vận chuyển động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng ra ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có Giấy phép vận chuyển đặc biệt do cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh cấp.
3. Khi vận chuyển thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Riêng gỗ Nhóm I A và Nhóm II A khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, ngoài các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này còn có dấu búa kiểm lâm theo quy định về quy chế quản lý búa kiểm lâm.
Điều 8. Phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
1. Hoạt động trồng cấy nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, trồng cấy nhân tạo, nuôi sinh sản các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp.
2. Khai thác, vận chuyển, cất giữ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo và sản phẩm của chúng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, trồng cấy nhân tạo, nuôi sinh sản các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp.
Điều 9. Chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng:
1. Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I A, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I B và Nhóm II B từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này).
2. Được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại đối với các đối tượng sau:
- Các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng có nguồn gốc nuôi sinh sản; các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II B là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước, không còn khả năng cứu hộ, thả lại môi trường.
- Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước; thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II A từ tự nhiên, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc trồng cấy nhân tạo.
Tổ chức, cá nhân chế biến kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại phải bảo đảm các quy định sau:
a) Có đăng ký kinh doanh về chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
b) Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Nghị định này.
c) Mở sổ theo dõi nhập, xuất thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng theo quy định thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan kiểm lâm theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 10. Xử lý vi phạm:
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định này thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Tang vật vi phạm, vật chứng là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự và quy định sau:
a) Thực vật, động vật sống tạm giữ trong quá trình xử lý phải được chăm sóc, cứu hộ phù hợp và bảo đảm các điều kiện về an toàn.
b) Thực vật, động vật sống tạm giữ được cơ quan kiểm dịch xác nhận là bị bệnh có nguy cơ gây thành dịch phải tiêu huỷ ngay theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 11. Xử lý các trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân:
1. Trong mọi trường hợp động vật rừng đe doạ xâm hại tài sản hoặc tính mạng của nhân dân; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải áp dụng trước các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến động vật rừng.
2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trực tiếp tấn công đe doạ đến tính mạng nhân dân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xem xét, quyết định cho phép được bẫy, bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chỉ đạo tổ chức việc bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để tự vệ khi chúng trực tiếp tấn công đe doạ tính mạng nhân dân.
Đối với những động vật đặc biệt quý hiếm như: Voi (Elephas maximus), Tê giác (Rhinoceros sondaicus), Hổ (Panthera tigris), Báo hoa mai (Panthera pardus), Báo gấm (Neofelis nebulosa), Gấu (Ursus (Helarctos) malayanus; Ursus (Selenarctos) thibetanus), Bò Tót (Bos gaurus), Bò xám (Bos sauveli), Bò rừng (Bos javanicus), Trâu rừng (Bubalus arnee), phải báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét; nếu không còn khả năng áp dụng được những biện pháp khác (xua đuổi, di chuyển đi vùng rừng khác...) để bảo vệ tính mạng nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép áp dụng biện pháp bẫy, bắn tự vệ, sau khi đã có sự đồng ý của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.
Tổ chức được giao nhiệm vụ bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để tự vệ khi chúng trực tiếp tấn công đe doạ tính mạnh nhân dân có trách nhiệm giữ nguyên hiện trường, lập biên bản để xử lý và báo cáo cấp trên trực tiếp trong thời gian không quá 5 ngày làm việc:
a) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắn bị chết hoặc bị thương không thể cứu chữa được thì lập biên bản bàn giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học xử lý làm tiêu bản để phục vụ đào tạo nghiên cứu hoặc tổ chức tiêu huỷ bảo đảm làm sạch môi trường.
b) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắn bị thương có thể cứu chữa thì chuyển cho cơ sở cứu hộ động vật rừng hoặc cơ quan kiểm lâm quản lý địa bàn để nuôi cứu hộ hồi phục, thả lại rừng.
c) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắt khoẻ mạnh thì tổ chức thả ngay lại rừng được quy hoạch là rừng đặc dụng (khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia) phù hợp với môi trường sống của chúng.
Mọi trường hợp bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không đúng quy định tại Điều này đều bị coi là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 12. Quyền, nghĩa vụ của chủ rừng:
Chủ rừng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định hiện hành của pháp luật. Ngoài ra chủ rừng có các quyền và nghĩa vụ đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như sau:
1. Được khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
2. Được nhà nước hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp về đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
3. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên diện tích rừng, đất rừng được giao.
4. Theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao, cho thuê.
5. Xây dựng nội quy, lập bảng niêm yết bảo vệ đối với từng khu rừng có các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
b) Định kỳ hàng năm, báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành:
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ và Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ./.
TM. CHÍNH PHỦ |
THỦ TƯỚNG (Đã ký) |
Phan Văn Khải |