Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THUẬT NGỮ THỰC VẬT

Dạng sống của thực vật

Cập nhật ngày 5/1/2010 lúc 11:25:00 AM. Số lượt đọc: 53298.

Cây gỗ, cây thảo, cây dây leo, cây bì sinh... là những từ ngữ rất thông dụng trong đời sống nói chung và trong thực vật học nói riêng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết có sự khác biệt giữa dạng sống (life form) và dạng cây (habit), ở đó, dạng sống được coi là một chuẩn trong nghiên cứu thực vật học, hình thái học thực vật nói chung và đa dạng thực vật nói riêng

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các khái niệm về dạng sống thực vật của Raunkiær - nhà thực vật học người Đan Mạch, người đầu tiên đưa ra khái niệm về các dạng sống và tiến hành đánh giá sự đa dạng của các khu hệ thực vật ở các vùng miền khác nhau và toàn thế giới thông qua tổ hợp dạng sống của tất cả các loài cây trong đó, được gọi là phổ dạng sống (SB = Spectrum Biology). Lần đầu tiên ông đưa ra các khái niệm này là năm 1904 tại tuyển tập tạp chí thực vật Tidsskrift, bản mô tả đầy đủ sau đó được xuất bản cùng năm bằng tiếng Pháp. Ông tiếp tục mô tả tỉ mỉ, chi tiết hơn và năm 1907 cho xuất bản bằng tiếng Đan Mạch. Bản thảo đầu tiên và phiên bản năm 1907 rất lâu sau đó mới được xuất bản bằng tiếng Anh bởi các cộng sự của ông.

Sơ họa các nhóm dạng sống chính từng bước được cải tiến và chỉnh sửa bởi nhiều tác giả nhưng nhìn chung nó được khái quát theo hình dưới đây (Christen Christensen Raunkiær, 1934)


1. Phanerophyte (Chồi trên); 2-3. Chamaephytes (Chồi sát đất); 4. Hemicryptophyte (Chồi nửa ẩn); 5-6. Geophytes (cryptophytes, chồi ẩn trong đất); 7. Helophyte (chồi bám bùn); 8-9. Hydrophytes (chồi trong nước); Các dạng sống Therophyte (cây một năm), Aerophyte (cây khí sinh) và Epiphyte (cây bì sinh hay phụ sinh) không được thể hiện.

Theo hệ thống phân chia dạng sống thực vật của Raunkiær, thực vật có các nhóm dạng sống chính, phân biệt theo vị trí của chồi mầm trong mùa khắc nghiệt nhất đối với sinh trưởng thường niên của chúng (ví dụ là mặt đất, mặt đất bị phủ tuyết, nước, bùn,...), đó là:

Nhóm cây chồi trên (Phanerophytes) - Ký hiệu Ph

Bao gồm các cây, thường là những cây gỗ nhiều năm, có chồi búp cao trên 25cm so với mặt đất , ví dụ: cây gỗ, cây bụi và cũng gồm cả những cây bì sinh, nhóm này được Raunkiær bổ sung sau này. Chi tiết hơn, nhóm này gồm megaphanerophytes (cây gỗ lớn), mesophanerophytes (cây gỗ vừa) nanophanerophytes (cây bụi) và các đặc trưng khác như tình trạng bộ lá trong năm (thường xanh hay rụng lá), có hay không có chồi búp hay chồi bảo vệ, cây mọng nước hoặc cây bì sinh.

Chi tiết hơn, các dạng sống của nhóm cây chồi trên gồm:

Megaphanerophytes - Cây gỗ lớn: gồm các cây gỗ to lớn, chiều cao trên 30m - Ký hiệu là Mg.

Mesophanerophytes - Cây gỗ vừa: gòm các cây gỗ có chiều cao trung bình từ 8 đến 30m - Ký hiệu là Me

Microphanerophytes - Cây gỗ nhỏ: gồm những cây gỗ có chiều cao trung bình từ 2 đến 8m - Ký hiệu là Mi.

Nanophanrophytes - Cây bụi hoặc cây thân gỗ có nhiều cao từ 25cm đến 8m - Ký hiệu là Na.

Mega-Mesophanerophytes - Cây gỗ vừa và lớn: gồm những cây gỗ có chiều cao trên 8m có thể được gộp thành một nhóm - Ký hiệu là MM.

Ngoài ra, sau khi nghiên cứu ở các khu vực nhiệt đới ẩm, Raunkiær còn bổ sung thêm các dạng khác gồm:

Lianas phanerophytes - Cây chồi trên leo quấn: là những cây có thể thân thảo hoặc thân gỗ nhưng phải dựa vào những cây khác hoặc giá thể cứng để leo, dựa vào để vươn lên - Ký hiệu Lp.

Epiphytes phanerophytes - Cây bì sinh, phụ sinh: là những cây thân thảo hoặc thân gỗ nhưng không mọc từ đất lên mà bì sinh, sống bám, sống nhờ vào cây khác, bao gồm cả những cây bì sinh thân gỗ, ban đầu chúng chỉ sống bám vào cây chủ nhưng sau khi phát triển, hệ rễ khí sinh hóa gỗ của nó có thể bao trùm toàn bộ hoặc phần lớn cây chủ nên làm chết hoặc hạn chế tối đa sinh trưởng của cây chủ, đây là hiện tượng phổ biến ở khu vực rừng nhiệt đới mưa ẩm, hiện tượng bóp cổ, thường xảy ra với các loài thuộc chi Ficu (Sung, Si, Đa bóp cổ) - Ký hiệu là Ep.

Herb phanerophytes - Cây chồi trên thân thảo: là những cây chồi trên không có chất gỗ, sống nhiều năm, trong mùa bất lợi với sinh trưởng chúng vẩn không bị tàn héo - Ký hiệu là Hp (không nhầm với Ph là nhóm cây chồi trên).

Succelent phanerophytes - Cây chồi trên mọng nước: là những cây chồi trên thân thảo, không có chất gỗ và tích nhiều chất dinh dưỡng trong thân dẫn đến mọng nước, đây là dạng sống rất phổ biến ở các vùng sa mạc, khô hạn - Ký hiệu là Sp.

Nhóm cây chồi sát đất (Chamaephytes) - Ký hiệu Ch

Bao gồm những cây có chồi búp trên và chồi non lan sát mặt đất, những cây thân gỗ nhiều năm mọc rất sát mặt đất, cao không quá 25cm so với mặt đất, ví dụ như dâu tây, dừa cạn...

Nhóm cây chồi nửa ẩn (Hemicryptophytes) - Ký hiệu Hm

Cây có chồi ở dưới, sát ngay mặt đất, ví dụ: trúc, bồ công anh... gồm các dạng chi tiết hơn như

Cây có chồi nửa ẩn nguyên thủy (Protohemicryptophytes): chỉ tính lá ở thân

Bụi hoa hồng: tính cả lá thân và gốc

Dạng bụi hoa hồng: chỉ tính đến lá ở gốc

Nhóm cây chồi ẩn (Cryptophytes) - Ký hiệu Cr

Gồm các cây có chồi ở hẳn dưới đất, dưới nước. Đó là chồi ngủ đông ở hẳn dưới so với mặt đất, ví dụ: thân rễ, hành, căn hành... hoặc chồi ngủ đông chìm trong nước. Nhóm này gồm 3 loại:

Chồi trong đất (Geophytes): Chồi ngủ đông trong đất khô, ví dụ: Nghệ, Hoa tu líp... có thể phân chia chi tiết thành các dạng như thân rễ, thân ngầm, căn hành, hành và củ.

Chồi bám bùn (Helophytes): chồi bám sát mặt bùn, ví dụ: sậy, Cúc vạn thọ đầm lầy...

Chồi trong nước (Hydrophytes): chồi chìm hẳn trong nước, ví dụ: Hoa súng, rong lá sắn...

Nhóm cây một vụ (Therophytes)

Nhóm cây một vụ gồm những loài tồn tại trong mùa bất lợi dưới dạng hạt và chu kỳ sống của chúng được hoàn thành, gói gọn chỉ trong mùa thuận lợi. Các loài một năm là cây một vụ, nhiều loài thực vật ở sa mạc bắt buộc phải là cây một vụ.

Nhóm cây khí sinh (Aerophytes)

Đây là phần bố sung mới trong phân loại dạng sống của Raunkiær. Cây hấp thu hơi ẩm (qua hoặc không qua giác mút) và dưỡng chất từ không khí hay mưa, thường sống trên các cây khác nhưng không ký sinh

Nhóm cây bì sinh (Epiphytes)

Xem trong nhóm cây chồi trên.

Một số phổ dạng sống điển hình

Raunkiær đã tính toán cho hơn 1000 loài cây ở các vùng khác nhau trên thế giới và tìm được tỉ lệ phần trăm bình cách (vai trò ngang nhau) cho từng loài, gộp lại thành phổ dạng sống tiêu chuẩn SN (Natural spectrum):

Ph

Ch

Hm

Cr

Th

46

9

26

6

13

và công thức phổ dạng sống là SN = 46 Ph + 9 Ch + 26 Hm + 6 Cr + 13 Th.

Đây là cơ sở để so sánh các phổ dạng sống của các vùng khác nhau trên trái đất. Thường ở vùng nhiệt đới ẩm thì nhóm cây chồi trên - Ph chiếm khoảng 80%, Ch khoảng 20%, những nhóm khác hầu như không có. Trái lại, ở các vùng khô hạn thì nhóm Th và Cr lại có tỷ lệ khá cao còn Ph thì giảm xuống.

Một số phổ dạng sống của các hệ thực vật Việt Nam và nơi khác đã được xây dựng theo cách này, BVN giới thiệu làm tham khảo.

Hệ thực vật

Ph

Ch

He

Cr

Th

Cúc Phương

57,8

10,5

12,4

8,4

11,0

Việt Nam

54,6

10,0

21,4

10,6

5,6

Rừng rụng lá ôn đới

21,0

8,0

32,0

23,0

5,0

Tham khảo: Raunkiær, C. (1934) The Life Forms of Plants and Statistical Plant Geography. Introduction by A.G. Tansley. Oxford University Press, Oxford.

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023