Thông tin chung
Hình mô tả Cốt toái bổ Hình theo beepharmacy.com
|
Tên thường gọi: Cốt toái bổ
Tên khác: Ráng đuôi phương phoóc tun, Bổ cốt toái, Tổ phượng, tổ rồng, tắc kè đá
Tên khoa học:
Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm.
Tên đồng nghĩa: Polypodium fortunei Kuntze
Thuộc họ Ráng đa túc - Polypodiaceae
Một số loài thuộc chi Drynaria như tắc kè đá (Drynaria bonii Christ.), ráng bay (Drynaria quercifolia (L.) J. Sm.) cũng được thu hái làm thuốc có cùng công dụng và cùng tên "Cốt toái bổ", cần chú ý.
Mô tả
Cây sống trên các hốc đá, trên đám rêu hay trên các cây lớn (cây đa, cây si...). Cây sống lâu năm, có thân rễ dạng mầm, mọng nước, phủ nhiều vẩy màu vàng bóng. Có 2 loại lá: loại lá bất thụ là lá không cuống, màu nâu, hình trứng, dài 5 - 8 cm, rộng 3 - 6 cm, phía cuống hình tim có gân nổi rõ; loại lá hữu thụ màu xanh nhẵn, đơn, xẻ thùy lông chim, dài 25 - 40 cm, cuống lá có dìa, có thùy thuôn, tù ở đầu. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan.
Cây mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối ở rừng núi nước ta.
Cốt toái bổ bò trên đá, ảnh caythuovn.com
Bộ phận dùng
Thân rễ - Rhizoma Drynariae, thường gọi là Cốt toái bổ
Nơi sống và thu hái
Cây mọc phụ sinh trên cây gỗ và đá, ở vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội tới Nghệ An. Thu hái thân rễ quanh năm, cắt bỏ rễ con, phần lá sót lại và cạo sạch lông, rửa sạch, cắt thành từng miếng theo kích thước quy định, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học
Thân rễ chứa glucos, tinh bột 25-34,98%, hesperidin và naringenin.
Tính vị, tác dụng
Cốt toái bổ có vị đắng, tính ấm; có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, cầm máu, khu phong thấp, sát trùng, giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Dùng chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), ỉa chảy kéo dài, đòn ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, phong thấp đau nhức xương, sưng đau khớp, ù tai và đau răng, chảy máu chân răng. Ngày dùng 6-12g thân rễ khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương, chỗ sưng đau hoặc dùng dược liệu khô sao cháy, tán bột rắc.
Đơn thuốc
Chữa bị thương, gân cốt bị tổn thương, chảy máu, đau nhức và chân răng sưng viêm, lung lay chảy máu: dùng Cốt toái bổ 15g, lá Sen tươi, lá Trắc bá tươi, Sinh địa đều 10g, sắc uống.
Chữa ù tai, đau lưng, thận hư răng đau: dùng Cốt toái bổ tán nhỏ 4-6g, cho vào bầu dục lợn, nướng chín ăn.
Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu: dùng Cốt toái bổ 16g, Cẩu tích 20g, rễ Gối hạc 12g, Củ mài 20g, rễ Cỏ xước 12g, Dây đau xương 12g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g, sắc uống.
Bổ thận chắc răng: Dùng trong trường hợp thận hư, dương phù sinh đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay. Cốt toái bổ liều lượng tùy ý, giã nhỏ, sao đen, tán thành bột mịn, xát vào lợi.
Thang gia vị địa hoàng: Thục địa 16g, đơn bì 12g, sơn dược 12g, trạch tả 12g, sơn thù 12g, tế tân 2,4g, bạch linh 12g, cốt toái bổ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tiếp cốt liệu thương: Dùng trong trường hợp té ngã bị thương, xương gãy lâu liền (nối xương, chữa vết thương - Thuốc bột tẩu mã). Cốt toái bổ, lá sen, lá trắc bách, bồ kết, liều lượng bằng nhau. Tán thành bột mịn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước hoặc trộn với nước nóng thành hồ, đắp ngoài.
Chú ý: Người âm hư, huyết hư đều không dùng được.
Nguồn tổng hợp: Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Từ điển thực vật thông dụng, Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam